21/01/2023 07:50 GMT+7

Tết về nhà thôi...

"Mày xa nhà Tết này nữa là bao nhiêu năm rồi Hai?". Má hỏi tôi như thế trong lúc tôi loay hoay lau chùi bộ lư hương trên bàn thờ, cắm lại bông trong cái bình cổ có hình con nai đứng trên xác lá vàng mùa thu rực rỡ.

Tết về nhà thôi... - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: GIA TIẾN

Tôi lẩm bẩm tính. Một, hai, ba… đã tám cái Tết trôi qua, kể từ ngày tôi cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển đại học và vui mừng đem khoe khắp cái xóm nhỏ nép mình bên bờ sông có hàng phượng vĩ soi bóng. 

Năm tôi học lớp mười hai, Tết là dịp để tôi chơi bời cùng bạn bè, đi thăm thầy cô và bàn tính chuyện sau năm học này mình sẽ lên thành phố, sẽ rời xa mảnh đất rúm ró mỗi mùa mưa sa lại buồn rầu thúi ruột này. 

Ai có ngờ đâu đó lại là cái Tết cuối cùng khi tôi còn ở nhà, sáng đến trường, trưa lại về lục cơm má úp sẵn trong cái lồng bàn. Cũng chỉ là những món ăn đạm bạc…

Nhanh thiệt, mới đó thôi đã tám mùa Tết trôi qua. Tám năm với biết bao biến động, biết bao trưởng thành. Ra trường, tôi chọn thành phố làm nơi định cư và phát triển bản thân. Những ngày ở quê chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khi về vội, chỉ năm ba hôm tôi lại xách ba lô lên đường và rong ruổi từ nơi này đến nơi khác. 

Có hôm bạn tôi hỏi: "Mỗi năm cậu về quê được bao nhiêu ngày?". Tôi chưng hửng. Trời ơi! Cái nơi ngày xưa tôi đã từng sống và gắn bó, đã từng sớm đi chiều về, đêm lại nằm nghe mưa rớt trên mái lá… giờ đây lại trở thành "chỗ trọ". 

Tôi - mỗi khi về nhà cũ - chẳng khác nào là một vị khách ghé qua ít hôm rồi lại đi, chưa kịp nói hết những câu chuyện đã ấp ủ trong lòng cho má tôi nghe, chưa kịp nhổ cho ông sợi tóc bạc, đấm cho bà cái lưng mỏi nhừ. Vòng xoáy cuộc đời và những chuyến đi đến những chân trời xa lạ đã cuốn tôi mải miết.

Má hay nói: "Về quê chơi đi Hai, ở đây ai cũng nhớ bây, nhắc bây hoài". Tôi cộc cằn trả lời qua điện thoại khi đang cắm mặt vào đống sổ sách, tài liệu: "Cấp rày công việc tối mặt tối mũi, chừng nào rảnh rỗi con về". 

Má tôi im re, mà nghe đâu có tiếng thở dài buồn não. Tôi biết má nhớ tôi, và rồi tôi lại ân hận về thái độ của chính mình. Đã có lần tôi từ chối một chuyến về quê để chọn xách ba lô đi Nha Trang ngắm biển, lên Đà Lạt ngắm núi đồi rồi lên tận Sa Pa xem mùa đông giá lạnh. 

Đã có lần tôi cắt ngang cuộc trò chuyện với má tôi để chọn đi cà phê lê la với đồng nghiệp, với bạn bè, rôm rả nói chuyện đến tận khuya. Hình như càng trưởng thành, thời gian mà con người ta dành cho gia đình và những người yêu thương càng thu hẹp dần. 

Như tôi đã sẵn sàng chọn một chuyến đi du lịch dài ngày mà vẫn còn muốn nấn ná ở thêm đôi ba ngày nữa, còn mỗi khi về quê lại gấp rút chuẩn bị lên đường. Căn nhà của tôi, miền quê yêu dấu của tôi, sao tôi lại bạc bẽo với chốn ấy như thế? Tôi tự hỏi lòng, một cơn đau như sóng cuộn dâng trong trái tim tôi.

Mái nhà nhỏ, mảnh vườn xưa, con sông chở đầy ký ức… ngày càng xa cách. Phải chăng trưởng thành là lúc người ta đi đến nhiều nơi, lên rừng, xuống biển, chỉ có quê nhà là vắng bước chân người, chỉ đợi Tết sang mới tương ngộ trong vài hôm ngắn ngủi?!

Tôi gọi điện về nhà, má nói sức khỏe của bà tôi giảm sút hơn trước, lòng tôi lo lắng, hoang mang. Má tôi cũng đã già đi nhiều rồi, đôi mắt đã hằn in những vết chân chim và mái tóc đã bạc nhiều hơn trước. 

Tám năm xa cách, bên cạnh sự trưởng thành và thông minh mà tôi ngộ nhận, bên cạnh những trải nghiệm của cuộc đời, cả thú vị lẫn đau thương, còn là sự già đi của người quê, sự thay đổi của cảnh quê. 

Bà tôi không còn đủ sức để bước đi một quãng xa hơn khoảng sân trước nhà. Má tôi cũng đã kèm nhem đôi mắt, mỗi lần có dịp lên thành phố thăm tôi, má đứng ngơ ngác ở bến xe mà không nhận ra tôi cho đến khi tôi bước đến vỗ nhẹ vào đôi vai hao gầy của má. 

Má không gọi tôi về thường như trước nữa, bởi má biết con má giờ cũng làm việc này việc nọ, gặp người này người kia, công việc tối mặt chứ không có nhiều thời gian để muốn về là về với má. Nếu tôi là má, chắc tôi sẽ ước tôi bé lại như xưa, sớm đến trường, trưa lại về nhà, chiều chiều ra ruộng thả câu, bắt cá, bắt cào cào… 

Những việc ấy tuy vô nghĩa nhưng ít ra tôi vẫn còn quẩn quanh bên má, còn hiện diện trên mâm cơm mỗi sáng, mỗi chiều để má không phải nhớ thương trống trải như bây giờ.

Về nhà thôi, trước khi đã quá muộn!

Tết, sau khi thu xếp xong công việc ở thành phố, tôi tất tả về với má, với bà, với mảnh sân xưa, với dòng sông cũ. Những thứ tuy vóc hình thay đổi theo thời gian nhưng vẫn tròn vẹn yêu thương, vẫn dành cho tôi một vị trí không bao giờ thay đổi. 

Tôi ngồi ngắm đám vạn thọ má trồng trước sân nhà, khỏa nước sông quê, tưới vườn rau bên chái hè xanh mướt… 

Tôi trở về làm đứa con bé nhỏ của má, đứa cháu hồn nhiên của bà như những ngày xa xưa. Tết, là dịp để tôi nhận ra: không có chuyến đi nào đẹp đẽ và ý nghĩa bằng chuyến trở về nhà. 

Về nhà, dù nhận ra người thương yêu của mình đã già đi theo thời gian nhưng vẫn có mình kề bên, vẫn đong đầy yêu thương, vẫn quây quần sum họp.

Hạnh phúc nhất mỗi khi về nhà là gì? Có lẽ là khi dưới mái nhà xưa vẫn còn hiện diện đù đầy những khuôn mặt hiền từ, một đời tảo tần, một đời vất vả…

Tính đến ngày 21-1, cuộc thi Về nhà đã nhận được hơn 330 bài dự thi. Cảm ơn các bạn đã gửi bài.

BAN TỔ CHỨC

Tết về nhà thôi... - Ảnh 3.
Trở về quê ngày giáp Tết và món bánh xèo cúng ba mẹ...Trở về quê ngày giáp Tết và món bánh xèo cúng ba mẹ...

Những ngày cuối tháng chạp, khi đang mỏi mệt vì công việc, bất chợt nhận tin nhắn của em trai: "Chị có về quê cùng chúng em tảo mộ và dâng cơm lên bàn thờ bố mẹ vào dịp Tết không?".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp