Người dân chọn lựa những món đồ cần thiết để lấy về ở gian hàng tình thương trong chương trình Xuân yêu thương tại P.12, Q.10 - Ảnh: HÀ QUANG
Câu chuyện chăm lo tết đầy sẻ chia cũng là mong muốn của UBND TP.HCM, khi xác định công tác chăm lo tết năm nay bám sát chủ đề của năm về văn hóa, văn minh đô thị.
Nấu thức ăn, góp đồ dùng tặng người nghèo
Sáng 12-1, rất đông người dân, đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn ở P.12, Q.10 đã về dự chương trình Xuân yêu thương do Đảng ủy - HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ phường tổ chức.
Từ nhiều tháng trước, lãnh đạo phường đã lên kế hoạch tổ chức sao cho ấm cúng, nghĩa tình, để người nghèo sau một năm vất vả mưu sinh có một ngày thật vui, thư giãn, ấm áp tình cảm.
Khác với nhiều nơi chỉ mời dân đến phát quà rồi về, phường tổ chức nhiều tiết mục hấp dẫn "níu chân" người tham dự.
Ở gian hàng ẩm thực, hơn 200 bà con nghèo được mời ăn bữa sáng miễn phí với nhiều món ngon do các khu phố trực tiếp nấu: khu phố 1 nấu lagu bánh mì, khu phố 2 nấu món ăn đặc sản của người Chăm, khu phố 3 có món bún thịt nướng, khu phố 4 phục vụ nước sâm, khu phố 5 làm chả giò, khu phố 6 nấu sữa đậu nành, khu phố 7 - khu phố 8 làm bánh canh, bánh ướt.
Ăn sáng xong, gian hàng "cắt tóc đón tết" miễn phí đã sẵn sàng. Ai không thích cắt tóc thì đến uống trà, thi đánh cờ tướng, xem văn nghệ với những tiết mục "cây nhà lá vườn".
Nơi hút khách nhất phải kể đến "gian hàng tình thương": người dân có thể chọn cho mình từ bộ quần áo, chiếc áo lạnh, tuýp thuốc, lọ dầu cù là cho đến cái quạt điện, bình thủy, ấm nấu nước điện, nồi cơm điện hay máy massage cầm tay...
Ai thích món gì có thể lấy về mà không phải trả tiền. Dù là đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt.
Ông Trần Hà Quang Trung - chủ tịch UBND P.12 (Q.10) - cho biết để tổ chức gian hàng miễn phí này, từ tháng trước tết, phường đã phát động trong cán bộ, công chức, viên chức và toàn hệ thống chính trị phường quyên góp, ủng hộ vật gia dụng, đồ cá nhân còn tốt để tặng người nghèo.
"Hai đứa con nhà tôi cũng soạn góp được 6 bao đồ dùng. Các cháu rất vui khi biết được ý nghĩa việc mình làm. Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn tạo được tình cảm gắn kết cộng đồng" - ông Trung chia sẻ.
Từ sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ công chức và người dân, ông Trung cho biết thêm qua tết sẽ phát động phong trào rộng rãi hơn để tổ chức định kỳ, thường xuyên bởi "người nghèo cần nhiều thứ lắm, mọi người san sẻ cho nhau, vừa thắt chặt tình cảm, vừa tiết kiệm lại góp phần bảo vệ môi trường".
Ấm áp tình làng nghĩa xóm
Giáp tết, chúng tôi nhận được lời mời dự tiệc tất niên của khu phố 3, P.3, Q.Bình Thạnh. Đến nơi mới thấy "tiệc" đúng nghĩa như một bữa cơm chiều giữa những người hàng xóm với nhau. Bàn ăn được bày ngay trong hẻm.
Thức ăn không đặt ở nhà hàng hay thuê thợ nấu mà cán bộ khu phố với bà con quây quần tự nấu, ai có sở trường món gì thì góp món ấy.
Chén đĩa cũng được huy động từ bếp của các gia đình nên mỗi bàn mỗi kiểu, không đúng kích cỡ. Đến giờ "khai tiệc", mọi người bảo nhau dọn bàn ghế, bày thức ăn ra cùng ăn.
Năm nay, khu phố 3 có chuyện vui là nâng cấp được các hẻm, lắp được camera an ninh và đảm bảo được tiêu chí về môi trường.
Trong bữa cơm chiều cuối năm này, khu phố khen thưởng, tặng quà cho những cá nhân tích cực, bàn nhau năm tới sẽ làm thêm việc gì cho khu phố. Bữa cơm nhỏ gọn nhưng cũng có đại diện đảng ủy, lãnh đạo P.3, Q.Bình Thạnh cùng dự với bà con.
Ông Vũ Mạnh Công - người dân trong khu phố - cho rằng việc tổ chức được như vậy ngay tại một thành phố tất bật như TP.HCM là rất quý.
"Khu phố nên duy trì nếp sinh hoạt này. Tết năm sau nên mở rộng thêm thành phần, phát động toàn khu phố, mỗi nhà có gì góp nấy để ăn tết chung một ngày, ai có khúc mắc, hờn giận gì cũng có dịp nói ra rồi bỏ qua hết" - ông Công mong muốn.
Còn tại hội xuân do Đảng ủy P.3, Q.Bình Thạnh tổ chức, người dân cũng được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Các hộ cận nghèo được phát phiếu mua hàng bình ổn (mỗi phiếu có giá trị 100.000 đồng).
Chị Thu Tuyết - một người dân trong phường - chia sẻ: "Hằng năm phường tổ chức các gian hàng bình ổn giá như vậy giúp người nghèo chúng tôi với số tiền ít ỏi cũng có cơ hội sắm tết".
Đến đầu giờ chiều, hàng trăm hộ dân trong khu vực đã tập trung để tham gia cuộc thi cắm hoa, nấu món ăn dân gian. Dù chương trình diễn ra tại một con hẻm nhỏ nhưng không khí xuân vẫn rộn ràng. Vừa cắm hoa, mọi người được dịp tụ họp, chia sẻ những câu chuyện, công việc một năm vất vả.
Trong đêm văn nghệ thuộc khuôn khổ ngày hội, 75 suất quà tết đã được trao cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Gặp chúng tôi, ông Lê Văn Trung (58 tuổi) - người đi nhận quà - cho biết ông đang chống chọi với bệnh tiểu đường nặng, mắt mờ, mất khả năng lao động. Gia đình 7 người nhưng chỉ sống trong một căn gác chưa đầy 9m2, thu nhập chính chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của vợ và con gái.
"Nhờ chính quyền quan tâm mà nhà tôi năm nay mới có tết. Chứ bình thường ở nhà cũng không có gì ngon để ăn. Ba đứa cháu nhỏ thường xuyên ăn mì gói qua bữa" - ông Trung xúc động nói.
844 tỉ đồng
Theo kế hoạch về tổ chức hoạt động và kinh phí chăm lo Tết Canh Tý 2020 do UBND TP.HCM ban hành, tổng kinh phí chăm lo cho các đối tượng trong dịp Tết Canh Tý 2020 hơn 844 tỉ đồng.
Trong đó, quà tết cho diện chính sách có công từ 1.300.000 - 3.100.000 đồng/suất, hộ nghèo với 1.250.000 đồng/suất và diện bảo trợ xã hội là 1.150.000 đồng/suất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận