21/01/2024 09:29 GMT+7

Tết sắp tới rồi, 'em về thăm mẹ thôi'

Tết! Chỉ cần nghe nhiêu đó thôi thì người Việt lưu lạc bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng thấy nôn nao trong dạ.

Thân nhân đón Việt kiều về quê ăn Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 20-1 - Ảnh: T.T.D.

Thân nhân đón Việt kiều về quê ăn Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất trưa 20-1 - Ảnh: T.T.D.

Những người xa quê cả năm làm lụng cực nhọc chỉ ngóng mong tới ngày này, bằng bất cứ giá nào cũng cố gắng thu xếp về nhà đi chợ Tết, mua hoa, bánh mứt, xúng xính áo quần thăm bà con họ hàng và ấm êm với gia đình trong bữa cơm tất niên giữa chiều nhạt nắng.

Được về ăn Tết là một đặc ân

Tim (Falls Church, Virginia) sống ở Mỹ gần 25 năm. Mấy năm gần đây anh về Việt Nam liên tục, có năm lên tới sáu lần. Cứ một hai tháng lại thấy mặt anh ở quê.

Nhưng với anh, Tết vẫn là khoảng thời gian thiêng liêng và ấm áp nhất. Gia đình hội ngộ, bạn bè gặp nhau, đi hết nhà này tới nhà khác ăn tất niên tăng ký quá trời. Thích nhất là được ra biển Dốc Lết (Khánh Hòa) tắm nắng mỗi ngày.

Ở tuổi ngoài 40, Tim vẫn mê Tết như thuở lên 10. Giờ lớn rồi không ai lì xì. Mỗi cái Tết qua đi thì mình già thêm tuổi nữa. Nhưng nhìn bà con rộn ràng mua sắm, hoa cúc hoa thược dược nở khắp nơi là lòng vui như hội.

Tim có thể ngồi hàng giờ trước chợ, ngắm bà con qua lại bán buôn rồi chạnh lòng nhớ về tuổi thơ khốn khó của mình, cũng thức đêm cả tháng bán từng ký mứt, hộp bánh Tết.

Anh trầm ngâm bảo sợ lắm những cái Tết xa quê. Cảm giác ngồi nhìn tuyết rơi ngay ngày mùng 1 xót xa kinh khủng.

Được về Việt Nam ăn Tết là một đặc ân không phải ai cũng có. Những năm bôn ba xứ người, anh tranh thủ đi làm về sớm, ghé chợ mua ít thịt thà rau quả nấu đồ cúng ông bà. Vẫn những món học được những ngày thơ trẻ thơm bừng buổi chiều đông rét buốt.

Không khói lam chiều, không mái nhà tranh, không tiếng nói cười sai bảo, chỉ lặng lẽ một mình một bóng đợi anh chị về ăn cùng cho ấm. Ngước lên bàn thờ nhìn hình ba má, chợt khóc òa, nhớ về món nợ sum vầy ngày ra đi đã trót hứa trót vay, để rồi chẳng bao giờ trả nổi.

Tất cả đã sẵn sàng, chỉ đợi ngày về

Sau chuyến về quê ám ảnh năm 2020 vì quá cảnh ở Vũ Hán, bị cách ly ở quê và trở thành sự đồn đại mang mầm bệnh Covid-19 của cả chợ Vĩnh Long, Huy (Ukiah, California) cười to: "Em sẽ "ăn Tết trả thù". Em sẽ đi Huế, Đà Nẵng, Hội An để coi bà con quê mình đón xuân. Em mới sắm cái máy ảnh xịn lắm. Anh có mối báo chí nào giới thiệu em gửi hình kiếm tiền uống cà phê nha. Ở Huế, bạn hứa sẽ dẫn em đi coi người ta làm nhang trầm. Sau đó về quê Vĩnh Long cúng ông Táo rồi đi Nha Trang lướt sóng".

Huy khoe mấy tháng nay em tập tành dữ lắm để có thân hình sáu múi về "flex" với mọi người trên sóng biển miền Trung.

Hơn hai tháng nay, Sơn (Los Angeles, California) đang ở Ninh Hòa để chăm chút cho quán cà phê - "đứa con đầu lòng" sẽ khai trương kịp Tết. Gia đình định cư ở Mỹ hơn 10 năm nay, để trống căn nhà cũ không làm gì.

Thế là với số tiền dành dụm được, Sơn xin ba má đập phía trước, sửa thành quán cà phê nhỏ để thỏa mãn niềm đam mê "start-up" của mình. Sơn cười tươi: "Không có áp lực mặt bằng nên cứ làm. Lời thì vui. Còn lỗ, em qua Mỹ cày tiếp".

Chị Liliana (Los Angeles, California) rời Việt Nam đã 11 năm, nhưng hầu như năm nào chị cũng về quê ăn Tết. Chị than sau hai chuyến bay dài gần 20 tiếng, người ngợm gì cũng rã rời ra, nhưng khi đặt chân xuống Tân Sơn Nhất tự nhiên thấy mạnh khừ, cả người dồi dào năng lượng.

Sau một đêm thức trắng vì lệch múi giờ, chị đã đi vòng quanh Sài Gòn ngắm cảnh, thưởng thức món ngon, ngồi cà phê với bạn. Qua hôm sau, chị bay xuống mũi Cà Mau để chạm vào điểm cuối cùng của Tổ quốc. Vài bữa nữa chị sẽ về quê, quét dọn từ đường, đi mua hoa, bánh mứt.

Chị khoe xấp tiền 2 đô la bữa vô ngân hàng đổi để mang về lì xì và hy vọng sẽ mang lại may mắn cho mọi người suốt một năm sắp đến.

Chị kể trên chuyến bay của Hãng ANA từ Tokyo về TP.HCM, trong khi người trẻ cố chợp mắt thì những mái tóc lấm tấm bạc không thể nào ngủ được vì nôn nao. Hai vợ chồng sát bên đã chuẩn bị về ăn Tết mấy tháng trước rồi. Ngày nào cũng lấy đồ ra, xếp đồ vô mấy bận. Làm riết ông chồng quạu, la làng, thôi rinh hết nước Mỹ về luôn đi, chứ làm chi cho cực.

Chú bên phía kia bảo lần này về luôn, không qua Mỹ nữa. Mấy năm ở đó ớn lắm rồi. Trời lạnh quá, chân cẳng gì cũng yếu, đi không nổi, phải ngồi xe lăn. Con cái cũng ủng hộ ba về ở với anh Hai, sẽ sống thọ thêm vài chục năm nữa.

"Em về thăm mẹ thôi"

Với những người trẻ tuổi trong nước, TP.HCM luôn là mái nhà thứ hai để học tập, làm việc và kiếm tiền. Nhưng sâu thẳm trong lòng, nơi họ sinh ra vẫn là chốn để quay về mỗi độ xuân qua trước ngõ.

Cuộc sống vội vàng và hối hả của Sài Gòn được thay bằng những phút trầm ngâm bên ly cà phê, bữa ăn với gia đình, nhìn lại mình sau hơn ba trăm ngày ngược xuôi mưu sinh.

Trang vừa mất mẹ sau cơn đau tim đột ngột. Hai tháng rồi vẫn chưa nguôi ngoai về sự mất mát bất ngờ. Trang bảo: "Tết này em về Đắk Lắk rồi ra thăm mộ mẹ mỗi ngày. Mẹ thích hoa tươi lắm. Em sẽ chưng cúc cho mẹ vui. Chắc ở cõi niết bàn xa xôi, mẹ sẽ yên tâm siêu thoát".

Tôi hỏi Núi, chàng diễn viên xiếc đẹp trai, rằng Tết làm gì? Núi cho biết: "Em về Ninh Bình vui chơi với mẹ thôi, không đi đâu hết. Mẹ là quê hương, quê hương là mẹ. Hai thực thể ấy tuy hai mà một. Lúc nào cũng thiêng liêng và kỳ vĩ".

Kiều hối năm 2023 ước tăng 30%, Việt Nam sẽ đẩy mạnh vận động và huy động nguồn lực kiều bàoKiều hối năm 2023 ước tăng 30%, Việt Nam sẽ đẩy mạnh vận động và huy động nguồn lực kiều bào

Sáng 11-1 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNV) tổ chức gặp gỡ, thông tin với báo chí về tình hình người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong năm 2023.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp