Dù tuổi đã cao nhưng má tôi vẫn thích làm những việc lặt vặt trong nhà giúp con cháu.
Cái nghèo đã đeo đẳng suốt cuộc đời của má tôi. Bà vất vả khi sinh ra và nuôi anh em tôi khôn lớn. Cứ mỗi lần về quê hoặc dịp tết, món quà tôi mua cho má là ổ bánh mì không để má chan nước tương ăn như ngày xưa má chờ con nước ròng đi hứng cá.
Con đường làng ở vùng sâu chỉ là bờ ruộng nhỏ nhấp nhô sau lũy tre làng đầy cỏ dại. Nó chạy dọc ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp 1A, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa (Long An). Ba mất sớm, má tảo tần nuôi ba anh em tôi ăn học, do không có xe đạp tụi tôi đành "cuốc bộ" từ sáng tinh mơ đến chiều tàn mới trở về.
Từ nhà ra đường phải 10 cây số, mùa nước nổi lại càng khó khăn khi cánh đồng lúa và ngôi làng trắng xóa chỉ toàn là nước với nước. Nhiều lúc thấy má khổ, ba anh em bàn nhau nghỉ học đi làm mướn kiếm tiền sửa căn nhà lá nghèo xơ xác cạnh dòng sông.
Nghe tôi nói, má kiên quyết như đinh đóng cột "Má làm mướn quen rồi kiếm tiền may quần áo, đóng tiền học. Còn vài công đất làm lúa đủ gạo ăn cả năm vậy được rồi. Tụi bây phải ráng chứ đừng dốt như tao".
Ba anh em đi học về là lúc trời đã tối mờ, má vẫn còn khom lưng nhổ cỏ ngoài ruộng. Xuống lục cơm, chỉ có cơm nguội và chén nước tương với dĩa rau hái từ ngoài đồng đem về. Có lần anh em tôi ngồi ăn mà rướm nước mắt. Khóc là do má quá cực khổ để nuôi các con khôn lớn.
Cứ 28, 29 tết hàng năm, một mình má lấy lưới ra đầu kênh chờ con nước ròng hứng cá trắng, tép rong để kho lạt dành cho sáng mai. Cúng 30 tết, ngoài bánh tét, nồi thịt kho tàu nho nhỏ, cả nhà quây quần ăn cơm, món không thể thiếu vẫn là ổ bánh mì chan tương hoặc kẹp tép rong má hứng được. Vậy mà ai cũng khen, ăn một cách ngon lành.
Hết phổ thông anh em đều đi học xa, má ở nhà một mình. Cứ chiều thứ bảy, cả ba đạp xe về với 4 ổ bánh mì máng trước ghi đông xe đạp, còn má ngồi trước sân chờ các con như chờ con nước lớn.
"Tụi bây giờ có việc làm ổn định rồi, tao không cần tiền nhưng đi đâu vẫn nhớ làng quê nghèo, vẫn nhớ ông bà, quê hương và ổ bánh mì mà cả gia đình mình ăn chờ giây phút giao thừa", má nói.
Đứa em gái kế của tôi là Thu Ba cười cười rồi đùa: "Ở TP giờ người ta ăn ổ bánh mì bốn năm chục ngàn đồng lận, mà sao má cứ kêu tụi con mua đem về chan với nước tương hoài vậy". Đang vui má liền lặng thinh gương mặt chùng xuống mắng: "Tổ cha mầy, đi làm khá khá rồi nói kiểu nhà giàu chết nghen con".
Tết năm rồi, ba anh em về ra đầu kênh lấy lưới hứng cá. Lâu năm mới có dịp ngâm mình dưới dòng nước, bắt từng con tép rong, cá trắng. Đó là cảm giác để cho chúng tôi nhớ đến dòng sông, con nước và cuộc đời của cha mẹ tôi - những người nông dân tay lấm, chân bùn..
Tết này căn nhà nhỏ của má tôi sẽ đầy ắp tiếng cười vì anh em tôi tề tựu đông đủ cùng má
Ổ bánh mì giờ có khác đến mấy, tôi vẫn nhớ cách ăn của má. Tỉ mỉ đặt ổ bánh xuống bàn, má lấy con dao rọc một đường thẳng, sau đó kẹp vài cọng rau, nhúm tép rồi "xịt" nước tương nhìn thấy mà thèm ngay. Xong rồi má nói: "Mỗi đứa một ổ, ăn xong đứa nào còn đói xuống bếp lục cơm mà ăn". Không cao lương mỹ vị, không đầy thịt cá nhưng gia đình ấm áp với ổ bánh mì gắn liền kỷ niệm mấy chục năm cơ cực của bà mẹ già vất vả vì con.
"Má ơi. Con mua một chục ổ luôn nè". Chiều 27 tết năm nay tôi về cùng vợ và hai con, khi thấy má đang đứng trước hiên nhà tôi kêu lên. Năm nay bà đã 77 tuổi. Bước đi đã chậm chạp, đôi mắt mờ đi nhiều, mái tóc bạc trắng… cảm giác lo lo mà anh em chúng tôi không bao giờ dám nghĩ đến.
"Bây vẫn không quên thời nghèo khổ là tốt, chờ hai em con về rồi ăn luôn", má móm mém nhìn mấy ổ bánh mì nói. Má là vậy, lúc nào cũng nghĩ chúng tôi vẫn bé dại như ngày nào.
Má ơi, con muốn má ngồi với chúng con ăn bánh mì thêm vài chục cái tết nữa. Má hứa vậy với ba anh em con nghen má.
Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết
Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.
Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...
Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).
Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.
Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines, rất mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận