Hai chị em dì Út Hòa (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chuẩn bị đậu xanh và nếp để nấu bánh tét - Ảnh : NGUYỄN TUẤN
Tôi nhớ những ngày còn thơ bé sống cùng bà nội và ba mẹ, năm nào cũng được mẹ cho theo xuống chợ những ngày giáp tết. Chợ tết, mẹ bán mớ lá dong, buồng cau, bó chè xanh... để mua cho chị em tôi mỗi đứa một bộ quần áo và đôi dép mới.
Quần áo tết là quần xanh, áo trắng để sau tết chúng tôi có thể mặc đi học. Đôi dép nhựa có hình nơ con bướm phía trên. Về nhà, chị em tôi bỏ vào túi bóng cất thật kỹ vì sợ cũ. Những thứ ấy sáng mùng 1 tết chúng tôi mới lấy ra mặc.
Ba năm rồi, kể từ ngày lấy chồng xa quê, tôi vẫn chưa trở về đón tết quê hương cùng ba mẹ. Mẹ biết con trai tôi còn nhỏ không tiện đi lại vì đường về xa ngái, nhưng mỗi lần gọi điện mẹ vẫn kể cái Lỉnh nhà cô Triển đã về, cái Tưởng nhà dì Huệ 28 tết mới về... là tôi biết mẹ đang nhớ mong.
Tôi nhớ sao cái khoảnh khắc ngày còn độc thân, mỗi năm về tết, vừa bước xuống xe đã thấy bà nội đứng ngay trước mặt, đầu bà ướt mềm vì những cơn mưa phùn rả rích, chắp miếng trầu nhai dở sang một bên, bà móm mém cười tươi: "Bây về đến rồi, cháu tui về đến rồi, có say xe không con".
Thế rồi chẳng chờ gì nữa, chẳng nghe rét mướt gì nữa, tôi sà ngay vào ôm bà "nội ơi, con nhớ nội". Nước mắt rơm rớm, nội vỗ phịch một cái vào lưng tôi: "Chà ơi, con gái lớn thế còn nhõng nhẽo. Đi mau, về nhà, bà nấu cháo gà rồi đó".
Quê tôi ở Lệ Thủy, Quảng Bình, là vùng quê với những trảng cát nối nhau thăm thẳm. Khi gót giày chạm cát bị lún sụt xuống và những âm thanh sột soạt phát ra mới là lúc cảm nhận rõ nhất rằng mình đã đứng trên quê hương rồi.
Những ngày tháng sống ở thành phố cái ăn không thiếu, cháo gà cũng không thiếu, nhưng về quê bưng bát cháo gà còn nóng hổi, mùi rau quế dìu dịu bốc lên của bà lại thèm cồn cào, có cảm giác ngon lành đáo để.
Ăn xong bát cháo nóng hôi hổi từ tay nội, chỉ chờ thế bà nhắc ngay cho cháu siêu nước nóng đổ ra chậu bảo rửa mặt. Rồi nội lại quay sang gạt chậu than rực đỏ đặt xuống gầm giường vì sợ cháu xa quê lâu ngày không chịu được cái rét.
Tôi chui vào nách nội thủ thỉ đủ thứ chuyện, mùi trầu từ tóc bà phả ra ấm áp và nồng nồng. Cứ thế, những thứ hương quen thuộc đó ru tôi ngủ đến say sưa.
Giờ bà đã đi xa, còn tôi cũng vì nhiều lý do mà 3 năm nay vẫn chưa thể về đón tết quê hương. Thành phố nơi tôi sống tết người ta thường đi du lịch các tỉnh, có gia đình thì về quê nên vắng vẻ hơn ngày thường. Và với tôi thì tết càng vắng hơn khi chồng là bộ đội.
Tôi cũng nhớ quê nhà da diết, chỉ muốn chạy ào ra bến xe, bắt chuyến xe dù muộn để rồi sáng mai được nằm gọn trong vòng ôm của mẹ, áp tai vào ngực mẹ nghe nhịp tim run run hạnh phúc của mẹ sau bao ngày được gặp con gái.
800km không phải quá xa nhưng cũng không phải đủ gần, nhất là khi tôi có con nhỏ, để chỉ cần muốn là tôi có thể xách balô lên và về với mẹ. Ai đó đã nói rằng "đường về nhà là đường đẹp nhất!".
Hẳn vậy! Đường về nhà chẳng bao giờ xa ngái, bởi trái tim mỗi người ai chẳng luôn dành một chỗ cho quê hương!
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2019 (mùng 9 tháng giêng).
Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận