TTO - Có cầu bắc qua dòng suối, người dân thôn Sủng Hoảng 2 không còn liều mình trong dòng nước xiết để về nơi tái định cư nữa. Điện, nước đã về tới bản, ai cũng hớn hở vui mừng nói "Tết này sướng hơn Tết trước".

16 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, ba người chết, ruộng nương, trâu bò mất trắng. Sau cơn lũ dữ, 35 hộ dân ở thôn Sủng Hoảng 2 được chuyển về nơi tái định cư cách nơi ở cũ khoảng 10km.

Hơn một năm sau trận lũ quét kinh hoàng, người dân thôn Sủng Hoảng 2 đang dần ổn định cuộc sống, họ vui mừng cho biết vừa thu hoạch lứa sa nhân tím đầu tiên.

Tết này Sủng Hoảng vui hơn - Ảnh 1.

Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5-8-2016, cơn lũ dữ ập đến cuốn phăng thôn Sủng Hoảng 2 (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai). Dấu mốc thời gian đó là ký ức không thể xóa nhòa. Người chết, nhà bị nước lũ tàn phá, ruộng nương, hoa màu mất trắng.

Thế nhưng, người dân Sủng Hoảng 2 đã vực dậy từ chính nơi hoang tàn. Đàn ông, đàn bà khỏe mạnh về lại nơi bản cũ bị xóa sổ, họ ngăn đường, đào lại ruộng nương, gầy dựng lại cuộc sống với những diện tích sa nhân tím còn sót lại.

Tết này Sủng Hoảng vui hơn - Ảnh 3.

Bà Chảo Kiểu Mẩy (trưởng thôn mới của thôn Sủng Hoảng 2) khẳng định, đời sống của bà con vùng lũ cơ bản đã ổn định. Không chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt của thiên tai, người dân chăm chỉ làm kinh tế với mong muốn một cái Tết đủ đầy hơn Tết trước.

"Trước kia vùng này chủ yếu làm kinh tế từ cây sa nhân tím, nhưng sau lũ hầu như nhà nào cũng mất hết. May mắn là năm nay các tỉnh bạn biết đến, họ vào đây mua giống sa nhân tím giúp cho người dân.

Tính ra mỗi nhà cũng thu được 20-30 triệu đồng nhờ bán giống sa nhân tím. Riêng những hộ gia đình còn một ít diện tích đất trồng sa nhân tím thì thu hoạch quả bán 220.000-230.000 đồng/kg", trưởng thôn Chảo Kiểu Mẩy cho hay.

Ở nơi ở mới, người già, phụ nữ chăm lấy đàn gà, trồng thêm luống rau để trang trải cuộc sống hằng ngày. Không còn cảnh tượng tang thương đầy nước mắt, ở nơi mới cao ráo và an toàn hơn, những đứa trẻ Sủng Hoảng 2 thoải mái đùa nghịch, vui chơi và học hành.

Tết này Sủng Hoảng vui hơn - Ảnh 4.

Niềm vui lớn nhất của người dân Sủng Hoảng 2 lúc này là điện, nước đã về tận nhà từng hộ dân. Không còn sống trong cảnh "ba không", ở nơi tái định cư đã có đầy đủ: điện, nước, đường.

Tết này Sủng Hoảng vui hơn - Ảnh 6.

Cây cầu dẫn vào khu tái định cư vừa mới được hoàn thành. Người dân Sủng Hoảng 2 tự hào khoe về cây cầu mới này, giúp họ đi lại, trao đổi mua bán thuận tiện hơn.

Tối đến, bóng đèn điện thắp sáng cả khu tái định cư Sủng Hoảng 2. Từ nơi này phóng tầm mắt về phía trước, có thể thấy rõ những chấm sáng li ti ở những quả đồi trước mặt, đó là nơi người dân Sủng Hoảng 2 dựng lán ở tạm chăm chỉ lao động.

Bà Kiểu Mẩy cho biết, dịp giáp Tết thì đàn ông, thanh niên và phụ nữ kéo nhau lên đồi làm nương, chăn trâu, chăn nghé trong đợt rét đậm, rét hại này. Còn ở nhà, người già và trẻ em tự chăm lấy nhau.

"Bà con ở trên đó (bản cũ - PV) vất vả lắm, đường đi lại khó khăn, trời rét thế này cũng không ai dám xuống vùng tái định cư. Giờ chỉ mong làm xong đoạn đường dẫn về nơi sản xuất, đường ở đây là đường đất, chỉ mới làm xong được hơn 1m đường", bà Mẩy chia sẻ về khó khăn hiện tại.

Dù đường sá đi lại vất vả, song bà con Sủng Hoảng 2 vẫn không giấu được niềm vui với bóng điện, nước sạch kéo về tận nhà. Nước sinh hoạt đã sử dụng ổn định, đường sá đang dần hoàn thiện, Sủng Hoảng 2 đang vực dậy sau cơn lũ quét.

Tết này Sủng Hoảng vui hơn - Ảnh 7.

Chiều buông, trẻ em thôn Sủng Hoảng 2 hồ hởi cắp sách về nhà là chạy ngay đến "sân vận động" của thôn để vui chơi. Người dân tận dụng khoảng sân trước nhà anh Chảo Láo Tả (34 tuổi) hội họp với nhau.

Từng tốp phụ nữ người Dao xúng xính váy áo với chiếc khăn đội đầu màu đỏ đặc trưng bắt mắt. Họ quây quần trước sân nhà anh Láo Tả cùng nhau làm bánh chưng gù truyền thống của người Dao.

Ngay từ sáng sớm, bà trưởng thôn Kiểu Mẩy và chị vợ anh Láo Tả chạy đôn chạy đáo kiếm lá dong, gạo nếp, thịt lợn sấy và bột thảo quả ở quanh thôn. 

Tết này Sủng Hoảng vui hơn - Ảnh 9.

Bà Mẩy chia sẻ, trước đây nguyên liệu gói bánh chưng có sẵn nhưng từ ngày bị lũ quét, ở trong thôn ai có gì thì làm nấy và chia sẻ với hàng xóm.

Có nguyên liệu làm bánh, những người phụ nữ ở Sủng Hoảng 2 ngồi theo từng nhóm nhỏ. Không cần khuôn bánh, đôi tay phụ nữ Dao thoăn thoắt, tỉ mẩn gói bánh. Chẳng mấy chốc, cả mâm đầy bánh chưng gù.

"Bánh chưng gù trong Tết cổ truyền của người Dao đỏ lạ hơn: có gạo nếp, có thịt lợn sấy và đặc biệt phải có bột thảo quả. Bột thảo quả cho vào để thơm lừng cả bánh chưng. Nhà nào có điều kiện thì thêm đỗ xanh, hành tươi. Tết này nhà nào cũng có đầy đủ gạo nếp, thịt lợn, thịt gà rồi", bà trưởng thôn vui mừng nói.

Người dân thôn Sủng Hoảng 2 vẫn nhớ rõ lần đầu tiên đón Tết ở nơi tái định cư mới. 

"Năm ngoái chúng tôi đón Tết đầu tiên ở đây. Chính quyền hỗ trợ cho cả thôn mổ chung nhau một con trâu, một con lợn, còn mỗi nhà được một con lợn con cắp nách. Mọi người đều mặc quần áo mới, nhà này ăn Tết xong sang nhà kia chúc Tết từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5", anh Chảo Láo Khờ kể.

Năm nay cả thôn có nhà, có điện, có nước sinh hoạt đầy đủ, ai cũng vui mừng nói sẽ nhanh chóng khôi phục cuộc sống dù đường đi lại còn chút khó khăn. 

Bà Chảo Liều Mẩy (49 tuổi) hồ hởi khoe: "Năm ngoái khó lắm, nghĩ chỉ có căn nhà nhưng chưa có gì. Năm nay tốt rồi có nước, có điện, có cầu đi lại nữa, Tết này sướng rồi. Tết này nhà nào cũng có thịt lợn ăn, nhà mình có gạo nếp, thịt lợn sấy để gói bánh chưng rồi".

Tết đã về ở Sủng Hoảng

HÀ THANH - NAM TRẦN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
15/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp