Vì đường dài, các bạn phải đi từ tờ mờ sáng để tránh kẹt xe
Ngại chỗ đông người, muốn ở lại làm thêm đến cận Tết và tiết kiệm thời gian, các bạn quyết định sửa soạn thật kỹ lộ trình và đi xe máy về quê. Dù có gặp khó khăn, họ vẫn cảm thấy xứng đáng và thích thú với hình thức di chuyển này.
Nguy hiểm nhất là… buồn ngủ
Nhiên Nhiên (27 tuổi, kinh doanh tự do) xuất phát từ TP.HCM lúc 5h30 để "phượt" về Bình Phước với đoạn đường dài hơn 100km. Bị say xe nặng, những năm trước bạn phải "cố" leo lên xe khách nhưng kể từ khi được bạn bè gợi ý, bạn đã thử tự đi xe máy và thành công.
"Trước khi đi, mình phải sắp xếp đồ biếu cho gọn để tiện di chuyển, sau đó ăn uống nhẹ để tránh mất sức. Buồn ngủ là điều không thể tránh khỏi, vì không khí lúc này lạnh và sảng khoái, nhưng phải cố gắng, mất tập trung là "lên đường" ngay!", cô kể.
Nhiên Nhiên đổ xăng trước khi đến quốc lộ 13 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thúy Vy (22 tuổi, tạm trú tại quận 10, TP.HCM) về quê vào 28 Tết, kể: "Khó khăn nhất là đi đường xa dễ buồn ngủ, vì thế phải thật cảnh giác và chỉ thích hợp cho những bạn có thể lực tốt".
Cô cố gắng nhẩm theo lời bài hát, trò chuyện với bạn bè khi dừng đèn đỏ, nhưng khi không thể cưỡng lại được cơn buồn ngủ, cô phải dừng lại các quán nước ven đường để chợp mắt mới có thể tiếp tục hoàn thành 170km về Phú Tân (An Giang).
Các bạn về quê phải chuẩn bị kỹ càng tư trang, vật dụng cá nhân - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Cảnh Phương (kỹ sư xây dựng, ngụ tại thành phố Thủ Đức) nhớ lại: "Phải kiểm tra tình trạng xe nhé! Có năm chạy về nhà trong đêm mà bị sự cố giữa đường, mình đã dắt bộ 3km mà không tìm được chỗ sửa xe, đúng là thức đêm mới biết đêm dài".
Trên các tuyến đường lớn, nhiều xe tải, xe ben và xe khách chạy nhanh, các bạn phải tập trung "né" thêm ổ voi. Do đó, nhiều lần hành lý của các bạn bị nghiêng, thậm chí đứt dây nhưng may mắn được mọi người nhắc nhở và giúp đỡ nên hành trình về nhà của họ dù mệt mỏi nhưng vô cùng ấm áp.
Dò bản đồ, thỏa mãn trải nghiệm và “chill’’
Thay vì dành vài tiếng đồng hồ để ngủ trên xe khách, các bạn muốn được vừa ngắm cảnh vừa "tra bản đồ". Nguyễn Phương (27 tuổi, ngụ tại Nhà Bè) cho hay: "Trên đường về quê có nhiều nơi trang trí xuân rất đẹp. Mình thích thì đi, mệt thì nghỉ".
Phương nói: "Hòa mình vào thiên nhiên ở những đoạn đường vắng rất "đã". Mình cũng hay dừng ở một số chỗ như rừng cao su Tân Phú - Đồng Nai, đồi chè Di Linh để chụp ảnh".
Nguyễn Phương dành hơn 7 tiếng để về Lâm Hà, Lâm Đồng vào dịp Tết các năm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Còn Thúy Vy thì chưa thuộc các tuyến đường nên phải đeo tai nghe theo chỉ dẫn của ứng dụng Google Maps, nhưng bị nhắc nhở vì phạm luật giao thông. Do đó, bạn phải dừng thường xuyên để kiểm tra hướng.
"Nhờ đi xe máy, mình mới được đi ngang huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) với Vườn quốc gia Tràm Chim, không khí trong lành và mát mẻ hơn thành phố nhiều lắm", Vy nói.
Thấy biển hiệu là thấy quê, Thúy Vy dựa theo biển số xe 67 rồi chạy theo đồng hương mà không cần đến bản đồ. Nhiên Nhiên thì dựa vào những bảng chỉ dẫn, cổng chào để biết mình đã đến địa phận nào để dò đường.
Phần quà tiếp sức về quê mà Nhiên Nhiên nhận được khi đến địa phận tỉnh Bình Dương - Ảnh do nhân vật cung cấp
"Đường về nhà là vào tim ta"
Tự mình cảm nhận cảm giác sắp về đến nhà có lẽ là một điều thiêng liêng với người trẻ, khi được thấy những cây hoa giấy nở rộ sắc hồng, thấy ánh vàng tươi của hoa mai đậm nét người miền Tây dịp Tết đến.
Ngồi trên phà nghe tiếng máy chạy, ngửi mùi sông nước, Nguyễn Phương biết mình đang ở nhà rồi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thúy Vy mãn nguyện: "Đi trên đường người quen gặp mình thì liền chào lớn, mình cũng dừng lại hỏi thăm lẫn nhau. Ba mẹ thấy mình về thì vui lắm, nhưng không quên la rầy vì con gái "liều" chạy xe đường xa…".
Thúy Vy chạy xe máy hơn 4 tiếng đồng hồ để về nhà - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mỗi năm, đoạn đường về nhà đều có những sự thay đổi, nhưng tự mình phượt hàng trăm cây số khiến họ cảm thấy bồi hồi vì biết rằng ở nhà, có người đang mong ngóng mình trở về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận