Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (phải) và đồng nghiệp làm việc tại Hải Dương - Ảnh: ĐỨC TÙY
Bác sĩ Cấp sẽ ở lại Hải Dương đến qua Tết Nguyên đán. Năm nay là "năm COVID-19 thứ 2" và cũng là cái Tết thứ 2 anh vắng nhà. Tết trước, ông cũng phải thường trực ở bệnh viện trong mùa COVID-19 đầu tiên.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 25 tháng chạp (6-2), bác sĩ Cấp cho biết ông và 6 anh em đã về Hải Dương tối 28-1, sáng 29-1 bắt tay vào xây dựng Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế Chí Linh.
Đến nay bệnh viện có nhóm hỗ trợ từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và 28 bác sĩ, 50 điều dưỡng của Trung tâm Y tế Chí Linh, đã tiếp nhận 164 bệnh nhân COVID-19, một số trong đó có tổn thương phổi nhưng chưa có ai suy hô hấp.
* Công việc chính của các ông ở bệnh viện dã chiến hiện nay là gì? Bà xã ông có phàn nàn gì khi Tết đến, thời điểm mọi người đoàn tụ sum vầy mà ông lại không thể về nhà dù ở cách nhà chưa đầy trăm cây số?
- Điểm mấu chốt nhất mà chúng tôi đang nỗ lực nhất là đào tạo để anh chị em ở Chí Linh biết kiến thức phòng hộ và bảo vệ bản thân; sắp xếp, bố trí công việc để nguy cơ lây nhiễm thấp nhất mà vẫn đảm bảo điều trị.
Bệnh viện dã chiến chỉ có vài giờ chuyển đổi từ bệnh viện thông thường sang, trong thời gian ngắn ấy phải phân chia công việc để làm sao anh chị em đã vững chuyên môn hỗ trợ anh chị em khác, đảm bảo công việc thông suốt.
Hôm 28-1, tôi được lệnh đi Chí Linh thì chỉ có ít thời gian thu xếp vài bộ quần áo, khi đến thì gọi cho vợ báo là đã đến nơi. Bà xã tôi cũng hiểu khi tôi đi Hải Dương lúc này là... lâu lâu mới về. Năm trước cũng như vậy, cô ấy đã quen rồi.
* Trong một thời gian ngắn thiết lập bệnh viện và đón 164 bệnh nhân vào điều trị, các ông có gặp khó khăn gì không?
- Thực ra là có những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi đang cố gắng làm sao để bệnh viện hoạt động ổn nhất, tạo ra phương pháp làm việc để sau này khi nhóm hỗ trợ rút về rồi thì anh em ở đây có thể duy trì được công việc như bình thường, mọi việc trơn tru và nhóm hỗ trợ có thể kiểm soát công việc từ xa.
Anh em ở đây tiếp cận một bệnh lý hoàn toàn mới, trước đây chưa bao giờ tiếp cận, do đó để anh em theo dõi, chăm sóc, điều trị, phòng lây nhiễm... trơn tru là một chặng đường dài, nhưng như hiện nay anh chị em đã đảm đương những phần công việc đúng như chúng tôi dự liệu.
* Những ngày giáp Tết này, khi đang ở xa nhà, ông và các đồng nghiệp có "tâm trạng" một chút không?
- Chúng tôi đang lên kế hoạch đón Tết ở đây cùng các anh em. Những ngày này không chỉ chúng tôi mà ngay y bác sĩ tại chỗ, nhà ngay cổng bệnh viện mà cũng không thể về vì bệnh nhân mình đang điều trị là bệnh lây, rồi anh chị em các ngành công an, quân đội, cán bộ địa phương, cả các bạn học sinh sinh viên tình nguyện cũng sẵn sàng ở lại. Các nhóm đều lên kế hoạch đón một cái Tết đầm ấm.
Riêng tôi có kế hoạch 30 Tết sẽ cùng anh chị em ở địa phương đi thăm người dân đang cách ly tại hơn 10 điểm cách ly của Chí Linh. Và cũng chỉ ngày mai, ngày kia là các anh chị em ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương và các bệnh viện trong tỉnh sẽ đến tăng cường tại Bệnh viện dã chiến số 3. Tất cả cũng đều sẽ đón Tết tại đây.
* Khi đến Hải Dương lần này, có khi nào ông nghĩ tình hình phức tạp như bây giờ? Với tình hình hiện nay thì bao giờ ông có thể về nhà?
- Tình hình hiện nay vẫn khá phức tạp, tất cả mọi người đều vất vả. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy dịch đang được kiểm soát tốt. Tôi thì nghĩ rằng mình và các anh em từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có thể về nhà sau Tết một tuần, tức là trong khoảng nửa tháng tới.
Buồn như... Tết
Nơi tôi ở là một khu phố sầm uất. Mọi năm từ 19 tháng chạp phố phường, chợ búa đã rộn rã lắm. Năm nay thì vắng lặng, 6 giờ tối đường đã không có bóng người. Hầu như nhà nào cũng có người phải đi cách ly tập trung.
Ban đầu có một số cháu làm trong nhà máy bị nhiễm COVID-19. Chín ngày trước khu phố tôi có một đám cưới, làng trên xóm dưới đến dự, trong đó có các cháu. Sau đám cưới, các cháu được phát hiện mắc bệnh và những người tiếp xúc đều bị đưa đi cách ly.
Nhà tôi cũng dự đám cưới nhưng dự vào hôm trước, thành ra được ở nhà. Thành phố chúng tôi đã phong tỏa nội bộ, những người ở nhà cũng chẳng thể đi đâu được vì ở đâu cũng có rào chắn để đo thân nhiệt, ai không đeo khẩu trang bị phạt 2 triệu đồng.
Ở phố có những nhà đã nhập hàng hóa Tết hàng trăm triệu đồng về bán nhưng giờ chẳng có ai mua. Những người trồng rau, nuôi thủy hải sản trông vào vụ Tết cũng không bán được hàng, chịu lỗ vốn, khó khăn còn kéo đến cả năm sau.
Nhà tôi năm nay con gái ở Hà Nội, con trai ở thành phố Hải Dương đều không thể về, chỉ còn hai ông bà. Nếu dịch vào ngày thường thì cũng đỡ nhưng lại vào ngay dịp Tết, cũng buồn...
Bà Đỗ Thị Tiến (Đại Tân, Hoàng Tân, Chí Linh, Hải Dương)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận