1. Lúc anh về đến, gia đình em đang quây quần bên nhau nấu bánh tét. Nghe ba em giải thích, anh mới hiểu thêm về món ăn này. Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền Trung, miền Nam có bánh tét. Nếu chiếc bánh chưng vuông vức thì bánh tét có hình trụ dài.
So với bánh chưng, bánh tét cũng có các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh nhưng thịt có thể có hoặc không. Bánh tét không thịt bảo quản lâu hơn bánh chưng và nó có thể ăn đến sau Tết.
Bánh tét miền Trung ngon nhất là ở Huế bởi bánh tét làng Chuồn ở xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nổi tiếng cả nước. Tại làng này từ xưa đã khoanh vùng khoảng hai mươi mẫu ruộng để cấy nếp ngon.
Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng. Em nhớ không, anh với em đã ngồi nói chuyện tâm tình bên nồi bánh tét đến khi trời tối thì anh mới về lại thành phố Huế?
2. Anh ngồi trên bục gỗ của cầu ngói, thảnh thơi tận hưởng hương mạ non phảng phất. Gió thổi. Anh thấy mình nhẹ tênh, bay lên thành gió trời vi vu khắp đồng ruộng, len lỏi vào từng lá mạ. "Chỗ này đã có ai ngồi chưa anh?" - tiếng nói nhỏ nhẹ khiến anh khẽ giật mình.
Anh quay đầu lại nhìn. Một cô gái. Một cô gái có đôi mắt bồ câu đang tròn xoe nhìn. Em đội một chiếc mũ vành rộng với những sọc carô tím, khuôn mặt tròn trĩnh đến ưa nhìn trong một mái tóc dài đen.
"Anh là người dân ở đây hay là du khách đến chơi?" - em bắt chuyện với anh. Anh ngớ ngẩn người ra với giọng nói dịu dàng. "Không! Anh chỉ là một kẻ lãng du". Câu trả lời của anh khiến em cười tươi. "Em cũng vậy". Nụ cười khiến anh và em xích lại gần nhau.
Từ cầu ngói Thanh Toàn nhìn sang phía bên kia con hói là ngôi chợ quê. Những ngày Tết, ngôi chợ đông vui, nhộn nhịp với hội bài chòi.
Người làng đầu trần chân đất mặc những bộ quần áo đồng áng kéo nhau ra chơi, người làng khác cũng xúng xính đến trong những bộ áo quần đẹp nhất rồi mê luôn tiếng rao khàn đục của người hô thai luống tuổi. Ngày đó, em đứng xem ba mẹ chơi bài chòi.
3. Hôm đi chơi hội hoa xuân ở công viên Thương Bạc, em nói em sắp phải xa anh để cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
Em đã hỏi anh có buồn không? Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng. Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương.
Lời bài hát Biển nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ chiếc rađiô của một hàng quán khiến không khí càng thêm buồn rười rượi.
Tết của 5 năm sau, anh đợi em ở cầu ngói Thanh Toàn như em đã hẹn với anh. Lòng anh rối như tơ vò. "Không biết người thương có đến với cây cầu Ô Thước này không?".
Từ trên cầu ngói, anh thấy một đoàn du khách bước xuống trên một chiếc xe du lịch. Họ thích thú đứng xem hội bài chòi với sự hướng dẫn của một người nữ trong đoàn. Anh chợt nhận ra người đó chính là em.
Ánh nắng chói chang khắp muôn nơi. Bầu trời trong xanh như ngọc. Gió mát thổi quanh những tán cây. Những cánh én chao liệng đón chào sự thay đổi. Cây cối hân hoan đâm chồi nảy lộc. Những nụ hoa vội trở mình nở rộ đủ sắc màu...
4. Có chàng trai viết lên cây lời yêu thương cô gái ấy. Mối tình như gió như mây, nhiều năm trôi qua vẫn thấy. Giống như bức tranh vẽ bằng dịu êm ngày thơ. Có khi trong tiềm thức ngỡ là mơ. Lời bài hát trong bộ phim Mắc biếc khiến em khẽ tựa đầu vào vai anh.
Lúc này, anh và em đang chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Lúc này, anh mới biết mình không phải là nằm mơ. Anh thường mơ anh sẽ lấy được em làm vợ.
Nhưng bây giờ giấc mơ đó mới trở thành sự thật. Anh chợt nhận ra người cùng đón những mùa xuân với mình trong suốt cuộc đời này phải là em. Khi nghe anh nói lên câu nói đó, đôi mắt em trong veo như ngày em và anh có với nhau nụ hôn đầu.
Đường về nhà em trong dịp Tết năm đó cũng là khởi đầu cho tình yêu của anh và em. Đường về nhà em đã nâng bước đôi ta đi tới một mái nhà chung.
Cảm ơn hơn 400 bạn đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].
Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.
Tính đến ngày 29-1, cuộc thi đã nhận được hơn 400 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận