17/01/2020 09:19 GMT+7

'Tết không về quê được, đừng cho ai biết cô đang sống ở đây nha con!'

PHẠM MINH CHÂU
PHẠM MINH CHÂU

TTO - "Mua giúp cô chút đồ đi con!". Tôi im lặng, đưa tay làm hiệu với dáng điệu chẳng muốn quan tâm. Câu mời chào lắp bắp lần nữa trong cái se lạnh đêm xuân. Tôi quay đầu, người phụ nữ chợt tháo chạy.

Chuyến xe ngày 27 tết lao trong đêm như xé nát màn sương đặc quánh. Tiếng nhạc xuân nhẹ nhàng của một người khó ngủ cứ râm ran chảy đều trên xe. 

Tôi cũng trăn trở vì nao lòng. Không biết ba có khỏe không? Bệnh xương khớp của mẹ có đau nhức trong những hôm lạnh buốt như thế này? Hai đứa em đã sắm sửa tết gì chưa? Những dòng suy nghĩ ấy cứ hiện lên như một điều quen thuộc mỗi độ xuân về. Cảm xúc ấy cứ lâng lâng khó tả hơn khi nhìn dòng người xuôi ngược trở về quê hương.

Bất chợt, xe ngừng bánh. Anh lơ xe nhắc nhở hành khách xuống trạm để nghỉ ngơi đôi chút. Tôi cũng lò mò bước xuống. Vài người ngái ngủ, kéo mền trùm kín đầu rồi nằm yên bất động. Xuống xe, tôi cảm nhận tiết trời lạnh hơn khi đêm về. 

Trạm dừng chân này khá đông khách. Vài người bán hàng rong cũng lượn lờ chung quanh để buôn bán. Họ không dám bước vào bên trong. Tôi dạo quanh những chiếc xe nằm yên nơi bến đỗ. Đủ loại bảng số của mọi miền đất nước, nhưng tất cả đều làm chung nhiệm vụ, trung chuyển những con tim ngóng đợi trở về quê hương. 

Bất chợt, có tiếng mời chào: "Mua giúp cô chút đồ đi con!", tôi im lặng, đưa tay làm hiệu với dáng điệu chẳng muốn quan tâm. Câu mời chào lắp bắp lần nữa trong cái lạnh đang bao trùm. Tôi quay đầu, người phụ nữ chợt tháo chạy. Tôi cũng kịp nhận ra người quen. 

Tôi lao nhanh theo chiếc bóng đổ dài. Cô dừng lại rồi bảo: "Tết cô không về quê được. Châu đừng cho ai biết cô đang sống ở đây nha con!". Tôi gật đầu rồi kéo cô vào dãy ghế đá của trạm dừng chân. Hai hàng nước mắt trên khuôn mặt lam lũ của cô trào ra tự lúc nào.

Đó là cô Sương hàng xóm của tôi. Tôi hay tin cô đã bỏ xứ đi biền biệt nửa năm nay. Làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất khiến cô không thể trụ vững. Tôi biết, căn nhà của cô ở quê đã bị cầm cố. Chồng cô cũng đi xa, chỉ còn hai đứa con bơ vơ bên nhà ngoại. 

Tôi hỏi cô tính sao khi những ngày tết đã cạnh kề. Cô lấy nước mắt để trả lời cho câu hỏi vô tình của tôi. Tôi cũng im lặng giữa những âm thanh rôm rã của trạm dừng chân.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng chứa đầy cảm xúc chợt đứt quãng khi tiếng còi xe inh ỏi vang lên. Động cơ chiếc xe đưa tôi về quê đã nổ máy, đèn xe bật sáng, dòng người vội vàng lên xe. Tôi chỉ biết nắm tay cô thật chặt như muốn an ủi cô cố gắng vượt qua khó khăn này. 

Bất chợt, cô bảo tôi đợi cô vài phút rồi lao đi. Tôi cũng xin bác tài thêm chút thời gian nán lại. Cô trở ra rồi đặt vào tay tôi: "Châu gửi giúp bà Chín khoản tiền này, bảo rằng cô Sương xin lỗi vì tết nay không về. Còn hai bộ đồ này cô mới mua gấp bên trong, Châu gửi hai đứa nhỏ, cái này của bé Ti, nó thích hình con mèo này lắm!".

Cầm trên tay những món đồ cô Sương trao, nước mắt tôi chợt đọng lại nơi khóe mắt. Cô chúc tôi đón tết vui vẻ bên gia đình. Cô gửi lời thăm ba mẹ tôi rồi ôm giỏ hàng rời đi. Tôi bước lên xe, nhưng ánh mắt vẫn hướng nhìn dáng người phụ nữ khuất dần từ đằng xa. Dáng người xiêu vẹo như phận đời ngả nghiêng.

Tôi nằm yên nhìn qua ô cửa kính. Lớp sương mỏng bám nhẹ trên mặt gương. Tiếng nhạc của một người khó ngủ ban nãy đã chuyển sang bài mới: "Xuân nay con không về". Tôi thầm nghĩ trong lòng, chẳng lẽ trùng hợp vậy sao! Tôi đang trở về nhà, nhưng bài hát ấy lại lay động tâm trạng tôi quá đỗi. 

Nhưng rồi, tôi chợt hiểu, tôi đang đồng cảm với cô Sương, một phận đời chênh vênh như lớp sương mỏng phủ đầy mặt kính, rồi tan dần khi nắng lên. Tôi cũng xót xa cho những con người không thể trở về quê nhà để đón tết như cô.

Những ngày này, khi không khí Tết Canh Tý đã ùa về, tôi lại nhớ về chuyến xe tết khó quên ấy. Cô Sương cũng đã trở về nhà từ năm ngoái. 

Năm nay, tôi cũng sẽ làm điều đã làm như mọi năm, tôi sẽ đến và đón tết cùng gia đình cô. Tôi biết, cô sẽ lặng lẽ cười và nhắc lại chuyến xe tết khó quên năm nào.

Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).

Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

Mời bạn đọc kể chuyện "Đường về quê ăn tết" Mời bạn đọc kể chuyện 'Đường về quê ăn tết'

TTO - Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?... Bạn hãy kể với mọi người thông qua tuyến bài này nhé!

PHẠM MINH CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp