30/01/2019 14:07 GMT+7

Tết không phải dịp 'chặt chém'

LƯU NGỌC - TẠ TƯ VŨ
LƯU NGỌC - TẠ TƯ VŨ

TTO - Tuổi Trẻ ngày 29-1 có bài về việc nhà xe "làm xiếc" với phí gửi hành lý. Và vẫn còn nhiều kiểu "làm xiếc" khác. Hai ý kiến bạn đọc về câu chuyện "chặt chém" ngày cận tết.

Tết không phải dịp chặt chém - Ảnh 1.

Nhà xe Q.P có giá gửi xe máy từ TP.HCM về Quy Nhơn (Bình Định) là 460.000 đồng (gồm phí bốc vác hai đầu) - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Nhiều kiểu "làm xiếc"

Những chiếc xe máy và những kiện hành lý được gửi về quê với giá cước phí cao ngất ngưởng gây bức xúc cho hành khách. "Tết mà" nên giá phải tăng? Điều này hợp lý không?

Bức xúc vì việc tăng phí ở mức bao nhiêu chưa được quy định rõ ràng. Đến giờ lên đường, nhiều hành khách mới biết phải chi bao nhiêu (việc này nhiều khi do phụ xe quyết định). 

Có một thực tế trên những chuyến xe về quê ngày tết chật kín người và hàng, không hiếm những xe chở quá số người và hành lý cũng nhiều quá mức. 

Nhưng ai cũng muốn mang nhiều, mang hết hành lý, quà tặng các kiểu, kể cả xe máy, theo mình về quê. 

Thành ra nhu cầu gửi hành lý nhiều khi vượt quá khả năng của mỗi chuyến xe. Nhà xe tăng phí vẫn không lo ế.

Vẫn còn quá nhiều người có tâm lý tranh thủ ba ngày tết để nâng giá, “chặt chém”. Đáng buồn, đây chẳng phải là câu chuyện giá cả chợ tết. Đây là kiểu tính toán thu vén cho mình, chỉ tính lợi trước mắt.

Và điều này ảnh hưởng đến cả an toàn của từng chuyến xe ngày tết. Nên chăng, cần có quy định chung về giá hành lý (như quy định về giá vé) và quy định luôn về hành lý mang theo xe. 

Phí có thể tăng hơn ngày thường nhưng không phải kiểu mạnh xe nào xe nấy tăng, hoặc kiểu tùy tình hình, tùy mặt khách mà tính tiền.

Câu chuyện phí hành lý khiến tôi liên tưởng đến nhiều kiểu tự nâng giá ngày tết. Cứ đến tết, nơi nơi tăng giá giữ xe, nhiều hoạt động dịch vụ đều tăng giá hơn ngày thường. Việc mua bán hoa trái, rau củ ngày tết cũng vậy. 

Người này tăng giá, người khác tăng theo. Một tuần trước tết, dưa, bưởi... đầy chợ, bán giá trên trời, cao gấp 2 lần ngày thường. 

Rất ít người mua, đến gần giao thừa, hạ giá vẫn không bán được hàng. 5-7 năm trước, mọi thứ hàng bán tết được dọn dẹp giữa trưa 30.

Vài năm gần đây, người bán cứ phải ôm hàng đến giao thừa... Ai ở xa thì cuốn gói về quê, ai ở gần sang mùng bán hạ giá, giá thấp hơn ngày thường.

Đành rằng bán hàng tết, giá hoa quả vì thế có thể cao hơn ngày thường chút ít (nhiều người phải mất tiền thuê mặt bằng). 

Nhưng giá cao quá, người mua buộc phải cân nhắc, mua ít hơn. Vậy tại sao không thể bán giá phải chăng, lợi nhuận vừa phải? 

Người bán hết hàng cũng vui, người mua được giá rẻ hơn. Tết như vậy sẽ tiết kiệm hơn, vui vẻ hơn thay vì cứ nhóng giá cả ngoài chợ. Người bán cứ nói giá cao, người mua cứ chờ giá hạ mới mua.

Chuyện cũ, năm nào cũng tái diễn cảnh này. Vì sao? Tết, nhưng không phải giá nào cũng mua. Người đi chợ, ai cũng biết hàng hóa và hàng tết không hề khan hiếm, họ sẽ từ chối mở hầu bao nếu người bán "hét" giá quá bất hợp lý.

Hàng đầy chợ, sao vẫn tăng giá?

Tôi mua một cặp vé xe về Nha Trang. Tôi lựa chọn loại xe giường nằm mới nhất của hãng. Bình thường giá 400.000 đồng/vé. Nay giá vé đã nhảy vọt lên 620.000 đồng/vé vào ngày 25 tết. Cô nhân viên chỉ giải thích nhanh gọn: "Tết mà anh".

Vợ tôi làm nghề buôn bán nhưng cô ấy cũng nhức đầu với điệp khúc "Tết mà" từ những tiểu thương bán lẻ ngoài chợ. 

Hành, tiêu, ớt, tỏi, rau xanh... đều đồng loạt tăng giá theo tết, và càng cận tết thì xu hướng giá sẽ càng cao. 

Hầu như không có lời giải thích nào thỏa đáng cho việc bỗng dưng tăng giá đột ngột như vậy ngoài từ "Tết mà!".

Giá cả tăng thêm chút đỉnh theo thị trường là điều bình thường. Nhưng khi mọi thứ đều lên giá, từ các loại nhu yếu phẩm đến đồ ăn thức uống, chuyện đi lại... người tiêu dùng phải gánh thêm khoản chi lớn hơn bình thường, thành ra nỗi ngán ngẩm mùa tết.

Thời xưa, khi hàng hóa còn khan hiếm, đặc biệt là vào mùa tết, thì giá cả hàng hóa tăng ào ào là chuyện dễ hiểu. 

Thực tế bây giờ hàng hóa không thiếu thốn, nếu không nói là tràn ngập từ chợ đến siêu thị, giá cả vẫn tăng. 

Nhiều mặt hàng tăng đều đến 30 tết rồi xuống giá cũng nhanh như lúc tăng. Theo tôi, đây không phải là câu chuyện mua bán, giá cả, lắm khi là chiêu kinh doanh chỉ vì cơ hội kiếm lợi cho mình.

Cứ tết là tăng giá, kiểu này đã góp phần vào việc các đơn vị kinh doanh thoải mái "xuống tay" với người tiêu dùng ở nhiều mặt hàng. 

Cuối cùng, nhà nhà, người người buộc phải trả cao hơn cho bất cứ thứ gì muốn mua, trong khi nhiều thứ không hề thiếu trong dịp tết.

Cô nhân viên bán vé xe cho tôi thản nhiên: "Giá vé vậy, anh cứ đi tìm hãng khác nếu muốn" hoặc câu quen thuộc từ những tiểu thương ở chợ: "Anh, chị không mua ở đây thì thử kiếm nơi nào rẻ hơn thì mua". Tết, nghĩ cho cùng, không phải là cơ hội, là lý do chính đáng cho chuyện tăng giá.

Khách bị

TTO - Về vấn đề khách hàng bị 'chặt chém' phí vận chuyển hàng hóa vô tội vạ dịp tết, đại diện bến xe Miền Đông cho biết đơn vị này chỉ quản lý việc xuất bến, bán vé, còn việc nhận vận chuyển hàng hóa với giá cao thấp ra sao thì không thể can thiệp.

LƯU NGỌC - TẠ TƯ VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp