Trong 7 ngày nghỉ Tết (8 đến 15-2), khoa đột quỵ não bệnh viện tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và chuyển tuyến đến điều trị với số lượng rất lớn.
Cao điểm nhất là mùng 4 Tết, bệnh viện tiếp nhận 15 bệnh nhân đột quỵ, tăng 20-30% so với ngày thường.
Đa số bệnh nhân được cấp cứu khẩn cấp và bệnh nhân nặng chuyển tuyến từ các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực miền Bắc.
Ca đột quỵ tăng trong dịp Tết
Tương tự, một số bệnh viện cũng ghi nhận số ca đột quỵ gia tăng. Bệnh viện E (Hà Nội) cũng tiếp nhận số ca nhập viện cấp cứu do đột quỵ gia tăng.
Theo bác sĩ Phạm Xuân Hiếu - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện E, trong dịp Tết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận cấp cứu cho khoảng 10 bệnh nhân đột quỵ, tăng 20 - 30% so với ngày thường.
"Trong dịp Tết nhiều người đến viện trong tình trạng muộn dẫn đến khó khăn trong điều trị, bỏ lỡ thời gian vàng can thiệp", bác sĩ Hiếu thông tin.
Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, trong dịp Tết Giáp Thìn mỗi ngày tiếp nhận 30-40 bệnh nhân nhập viện, trong đó có khoảng 15 ca cấp cứu, chủ yếu là các bệnh lý tim mạch, hô hấp và đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến - chủ nhiệm khoa đột quỵ não, phó viện trưởng Viện thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết những dịp lễ Tết thường số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển tuyến nhiều hơn.
"Tuy nhiên chưa năm nào tăng đột biến như năm nay, tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết", bác sĩ Tuyến nhận định.
Cẩn trọng bệnh nền, tránh đột quỵ
Nhận định về nguyên nhân khiến ca đột quỵ gia tăng, bác sĩ Tuyến nói trước kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn miền Bắc đón đợt rét đậm, rét hại. Sau đó, khí hậu ấm lên trong dịp Tết. Khí hậu thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ.
Bác sĩ Tuyến cũng cảnh báo không chỉ dịp Tết, mà trong dịp lễ hội đầu năm người dân cần chú ý, phòng tránh đột quỵ.
Lễ hội đầu năm nhiều tiệc tùng, nhiều người du xuân nên thay đổi thói quen sinh hoạt, lạm dụng bia rượu. Những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp bởi đây là các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ.
"Một số bệnh nhân dừng không uống thuốc điều trị huyết áp (đặc biệt là bệnh nhân trẻ) hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường, dẫn đến đột quỵ não.
Bởi vậy, kể cả người trẻ tuổi có bệnh nền nên thực hiện lối sống lành mạnh và đặc biệt tuân thủ chế độ dùng thuốc khi điều trị bệnh nền như tăng huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ não", bác sĩ Tuyến khuyến cáo.
Ông cũng nhắn nhủ khi đi du xuân dịp lễ hội đầu năm, người mắc các bệnh mãn tính cần chú ý mang theo thuốc điều trị, hạn chế rượu bia, duy trì vận động và tái khám theo đúng lịch hẹn.
Bên cạnh đó nhiều lễ hội đông đúc, chen lấn, những người có bệnh nền cũng nên tránh tham gia để phòng nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ qua FAST
FACE: Mặt có cảm giác tê cứng, khi cười một bên mặt bị lệch, cười méo miệng, rối loạn thị lực.
ARM: Tay và chân tê mỏi hoặc không nâng được tay, chân một bên.
SPEECH: Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
TIME: Cần gọi cấp cứu đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ não càng nhanh càng tốt.
Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu tay chân, nói khó), hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay không trì hoãn.
Khung giờ vàng để có kết quả điều trị tốt nhất là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc đột quỵ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận