29/01/2024 10:16 GMT+7

Tết giao bài tập nhẹ nhàng hay cho học sinh 'thả cửa'?

Chỉ còn một tuần nữa học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết. Năm nay các em được nghỉ Tết dài ngày, có nơi đến 16-18 ngày, có nên giao bài tập cho các em?

Minh họa:  DAD

Minh họa: DAD

Giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết là chuyện không mới và luôn đứng trước hai luồng ý kiến trái ngược: ủng hộ và phản đối.

Tôi cho rằng việc giao bài tập dịp Tết cho học sinh nên theo hướng khuyến khích các em, không nên là yêu cầu bắt buộc.

Thầy Trần Thanh Tùng (hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, TP.HCM)

Hai luồng ý kiến

Em Nhật Hà, học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận 10, TP.HCM, kể rằng 4 mùa Tết Nguyên đán đã qua ở bậc tiểu học em không được cô giáo giao bài tập về nhà làm vào dịp này.

"Do thời gian qua không lúc nào cô giao bài tập về nhà vào dịp Tết nên em không có cảm nhận phải làm bài tập trong dịp này là như thế nào. Năm nay, nếu có yêu cầu làm bài tập Tết thì em cũng sẽ hoàn thành thôi. Nhưng em thích cô chỉ giao cho ít bài vì... em còn phải đi chúc Tết" - Nhật Hà vui vẻ chia sẻ.

Với em Hoàng Minh, học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở TP Thủ Đức, việc làm bài tập trong dịp Tết là điều "không thích, không vui". Hoàng Minh kể rằng cũng có năm thầy cô giáo ra bài về nhà dịp Tết cho em và những năm đó có khi em làm, có khi em quên.

"Có năm đi chơi Tết về chuẩn bị đi học em phải cuống cuồng làm bài vì sợ thầy cô la, phạt. Em cho rằng thời gian này thầy cô không nên giao bài tập về nhà cho học sinh" - Hoàng Minh nói.

Khác với Hoàng Minh, một học sinh lớp 9 lại nói rằng việc thầy cô giao bài tập về nhà vào dịp Tết cũng không có gì đáng ngại. Bởi nữ sinh này cho rằng việc được làm bài tập về nhà sẽ khiến em vui chơi nhưng vẫn biết dành thời gian cho việc học và cũng là một chỉ dẫn trong việc đặt mục tiêu cho năm mới trong vấn đề học tập của em.

Trong khi đó chia sẻ với Tuổi Trẻ, em Minh Huyền - học sinh lớp 12 của một trường THPT có tiếng tại TP.HCM - cho rằng làm bài tập về nhà vào dịp Tết cũng là một việc cần thiết.

"Thời gian nghỉ Tết dài và nghỉ Tết xong thì thời gian dành cho việc học hành không còn nhiều, tiếp đó sẽ đến ôn luyện rồi thi cử nên em nghĩ thầy cô giao bài tập về nhà vào dịp này là cần thiết. Để chúng em nhớ bài cũng như tiếp tục nhịp học hành của mình trước đó" - Huyền nói.

Cũng như các em học sinh, phụ huynh cũng chia ra hai luồng quan điểm trong việc giao bài tập về nhà cho học sinh vào dịp Tết.

"Tôi thấy Tết là thời gian dành cho gia đình, là dịp để đoàn viên, cả năm chỉ có mấy ngày Tết mà các con cứ phải chuẩn bị bài vở, làm bài tập thì tâm lý các con không thoải mái, trọn vẹn được" - anh Lý, một phụ huynh có con đang học lớp 8 tại TP.HCM, nói.

Còn chị Hằng, cũng là một phụ huynh tại TP.HCM, cho rằng thời gian này nhà trường vẫn nên giao bài tập về nhà cho học sinh.

"Những em nhỏ thì thôi, những anh chị lớn hơn, bậc học lớn hơn thì nên giao bài về nhà. Vì khi đã lớn rồi thì các con biết sắp xếp thời gian nào dành cho gia đình và thời gian nào dành cho việc học. Quan trọng hơn, nhiệm vụ chính của học sinh là học tập nên các con cũng không nên quên nhiệm vụ" - chị Hằng nêu ý kiến.

Giao bài tập thế nào cho phù hợp?

Nhiều học sinh không muốn thầy cô giao bài tập về nhà, nhưng nhiều em lại cho điều này là bình thường - Ảnh minh họa: AFP

Nhiều học sinh không muốn thầy cô giao bài tập về nhà, nhưng nhiều em lại cho điều này là bình thường - Ảnh minh họa: AFP

Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, nhiều năm nay giáo viên không ra bài tập về nhà vào dịp Tết cho học sinh. Nhưng trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, giáo viên luôn nhắc nhở trên group lớp là các em xem lại bài vở để vào học trở lại trong thế chủ động.

"Dịp Tết là lúc học sinh có thời gian dành cho gia đình, nhất là đối với lứa tuổi nhỏ nên không năm nào nhà trường ra bài tập về nhà cho học sinh. Tôi cho rằng nếu ra bài tập cho học sinh vào dịp này thì nên ra ít và các bài tập này cũng hết sức nhẹ nhàng với các em.

Và thời nay, nếu muốn học sinh không quên các bài học do mải chơi Tết thì cũng dễ dàng hơn. Thông qua các group lớp, trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, giáo viên có nhắc nhở học sinh xem lại bài này, bài kia để vào lớp không quên bài, hoặc kết nối tốt với bài đang học" - cô Trần Thị Thu Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, nói.

Cũng với tinh thần này, Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8 không giao bài tập trong dịp Tết cho học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Trần Thanh Tùng, hiệu trưởng nhà trường, trường có nguồn học liệu số, học sinh có thể vào để làm bài tập nếu muốn.

Với nguồn học liệu số này, học sinh được nhà trường khuyến khích tự làm bài tập trong thời gian Tết nếu muốn và các em sẽ được chủ động về việc có muốn làm bài tập hay không.

Trường cũng không có chương trình ôn tập dành riêng cho học sinh lớp 9 trong dịp Tết. Theo hiệu trưởng nhà trường, việc học sinh khối 9 không làm bài tập về nhà dịp Tết không ảnh hưởng đến quá trình học tập và rèn luyện của các em.

"Có phụ huynh thích con làm bài tập trong dịp Tết, có phụ huynh lại không. Nhưng với nguồn học liệu số, học sinh có thể tự chọn việc có làm bài tập dịp Tết hay không" - thầy Tùng nêu quan điểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Lê Thị Như Quỳnh, giáo viên môn toán Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM, cho biết trong thời gian nghỉ Tết, cô có giao cho học sinh một số bài tập. Đối với khối lớp 11, tùy vào học sinh nào muốn làm bài tập trong dịp Tết, cô Quỳnh sẽ giao cho các em một ít để các em làm. Còn đối với học sinh lớp 12, cô giao bài tập cho tất cả học sinh.

Cô Quỳnh cho biết tỉ lệ học sinh lớp 12 hoàn thành bài tập gửi cô sau Tết thường lên đến 95%. "Tôi thấy học sinh lớp 12 các em rất tự nguyện làm bài tập, có tính tự giác cao. Có lẽ do đây là năm thi cử, nhiều học sinh thậm chí còn đề nghị tôi giao bài tập cho các em.

Tôi giao bài tập cho học sinh trên tinh thần không tạo áp lực cho các em, em nào không làm cũng không sao, nhưng nếu làm thì được cộng điểm, làm đầy đủ được cộng điểm nhiều hơn" - cô Quỳnh chia sẻ.

Không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh

ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khẳng định không nên ra bài tập cho học sinh dịp Tết, nhất là đối với học sinh tiểu học. Đây là thời gian để các em trải nghiệm, vui chơi và có thời gian tìm hiểu văn hóa, làm giàu tình cảm gia đình...

Đối với những học sinh ở bậc học cao hơn, cũng cần tùy vào đối tượng để nhà trường, giáo viên ra bài tập cho các em.

"Học sinh cuối cấp cần duy trì chế độ học tập đều đặn thì cũng chỉ cần những bài tập nhẹ nhàng, chứ không nên có những bài tập gây áp lực, căng thẳng cho học sinh dịp Tết" - ông Điệp nhấn mạnh.

Nên ra bài tập dạng vận dụng, ôn tập

Nhiều chuyên gia cho rằng bài tập dịp Tết nếu có thì nên mang tính vận dụng, ôn tập, gắn với những hoạt động ngày Tết. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM, trang trí hoa mai, hoa đào - Ảnh: MỸ DUNG

Nhiều chuyên gia cho rằng bài tập dịp Tết nếu có thì nên mang tính vận dụng, ôn tập, gắn với những hoạt động ngày Tết. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM, trang trí hoa mai, hoa đào - Ảnh: MỸ DUNG

Nhìn nhận về việc giao bài tập về nhà dịp Tết, TS Nguyễn Đức Danh - trưởng khoa khoa học giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng vẫn cần thiết nếu có cách làm phù hợp.

"Tôi thấy nếu giáo viên ra cho học sinh một số bài tập mang tính vận dụng, ôn tập những kiến thức đã học trong học kỳ 1 như việc sưu tầm, ghi lại những hình ảnh chuẩn bị Tết, lau dọn nhà, nấu bánh tét, đi chợ Tết, thăm ông bà... và gắn với nội dung môn

tiếng Việt, giáo dục công dân, lịch sử, hoạt động trải nghiệm... thì nên. Vì điều này không chỉ giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học mà còn giúp các em làm sâu sắc thêm các hoạt động Tết của mình với gia đình.

Bài tập nên thiết kế dạng trò chơi tương tác theo nhóm để học sinh vừa ôn bài, vừa giữ liên hệ với các bạn trong lớp. Và giáo viên nên có các biện pháp khuyến khích các hoạt động này như khen thưởng, lì xì cho các nhóm. Giáo viên nên cho học sinh củng cố các bài tập này bằng việc thực hiện qua công nghệ như Zalo, FB, Teams..." - ông Danh nói.

Thăm dò ý kiến

Tết học sinh được nghỉ nhiều ngày, theo bạn thầy cô có nên giao bài tập về nhà để các em ôn kiến thức và không thụ động sau khi đi học lại?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Diễn đàn Diễn đàn 'Để không còn khổ vì học': Giao bài tập kiểu... Tết

Tết Quý Mão 2023 sắp đến gần. Theo thông báo của các sở GD-ĐT, số ngày nghỉ Tết của học sinh có khác nhau, nghỉ ít nhất là 8 ngày (Hà Nội) và nhiều nhất là 14 ngày (Đồng Nai).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp