24/01/2025 11:16 GMT+7

Tết đến rồi, bao lì xì nhẹ thôi!

Nổi lên trong Tết này có vẻ nhiều bạn trẻ đang tìm về những giá trị giản dị, từ mái tóc đen tự nhiên, bộ đồ chân phương đến thói quen săn đồ "si" (hàng cũ) và giản lược luôn chuyện lì xì, quà cáp.

Tết với người trẻ giản dị thôi! - Ảnh 1.

Bạn trẻ dần chọn đón Tết giản dị theo cách của mình, tìm về những giá trị của Tết cổ truyền và tận hưởng hạnh phúc từ những điều bình dị - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Giới trẻ có xu hướng tạo ra cái Tết tiết kiệm mà ý nghĩa, không chạy đua với trào lưu thời trang hay một vài tiêu chuẩn xã hội vốn nặng nề.

Không phải làm theo những chuẩn mực hay khuôn mẫu của xã hội, người trẻ có thể đón Tết theo cách họ cảm thấy thoải mái và phù hợp với mình. Việc này làm cho mối quan hệ xã hội trở nên tự nhiên hơn, đừng ràng buộc bởi nghĩa vụ quà cáp mà là sự quan tâm và chia sẻ thật lòng với nhau.

TS LÊ THỊ LÂM

Tóc đen, đồ cũ, bao lì xì nhẹ thôi

Ngụp lặn trong đống kệ đầy quần áo cũ tại cửa hàng thanh lý, ký gửi thời trang trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Đà Nẵng), Thanh Tình (23 tuổi) khoe sẽ chọn quần áo "si" thay vì chạy theo xu hướng thời trang hiện tại. Tết này cô tiếp tục lựa các món đồ cũ, giày dép đã qua sử dụng nhưng vẫn rất thời trang.

Lý do Tình lựa chọn vậy vì quần áo "si" vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần giảm lượng rác thải thời trang ra môi trường, lại hợp túi tiền.

"Chỉ cần biết cách chọn lựa, những món đồ còn độ mới cao, đường may chỉn chu, kiểu dáng và màu sắc đơn giản sẽ là món đồ không bao giờ lỗi mốt", Thanh Tình chia sẻ.

Cả kiểu và màu tóc cũng được nhiều bạn trẻ chọn giữ nguyên mái tóc đen tự nhiên mà không kém phần cuốn hút. Thủy Tiên (26 tuổi, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) và mấy người bạn của cô cũng quyết định để mái tóc đen dài tự nhiên dịp Tết này.

Tiên nói tóc đen không chỉ gợi lại nét đẹp truyền thống mà còn giúp mình cảm thấy nữ tính và gần gũi hơn.

"Năm nay tôi không mua quần áo mới mà lựa những món đồ sẵn có của mình và phối khác đi để tạo phong cách riêng. Cảm giác mặc những bộ đồ thân thuộc, không quá cầu kỳ nhưng lại có vẻ đẹp riêng biệt khiến tôi cảm thấy vui vẻ hơn", Tiên khoe.

Thủy Tiên nói sau ba năm ra trường và làm công việc văn phòng, bản thân đã thay đổi khá nhiều khi nghĩ về Tết. Đó là dịp để trở về với bản thân, cảm nhận những điều bình dị bên gia đình và bạn bè nên càng đơn giản càng mang lại sức hút và giá trị đẹp.

Thêm nữa, nếu trước đây nhiều bạn trẻ mới đi làm có suy nghĩ phải cố dành dụm chuẩn bị những bao lì xì nặng nặng xíu tặng người thân, thì nay nhiều người đã không quá đặt nặng giá trị vật chất trong bao lì xì.

"Chúng tôi lì xì cho nhau vài chục ngàn đồng, gìn giữ phong tục đẹp của Tết thay vì bị áp lực phải lì xì số tiền lớn", Tiên bày tỏ.

Tìm lại giá trị Tết cổ truyền

TS Lê Thị Lâm, giảng viên khoa tâm lý - giáo dục (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng), cho rằng việc giản dị hóa Tết như tiết kiệm chi tiêu, giảm bớt những áp lực về chuyện lì xì, quà cáp và sắm sửa có thể mang lại nhiều thay đổi tích cực cho tinh thần của người trẻ, đặc biệt trong mối quan hệ với gia đình và xã hội.

TS Lâm phân tích khi không còn bận tâm quá nhiều việc mua sắm hay tặng quà, các bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn trong việc đón Tết. Thay vì gồng mình thể hiện sự thành đạt hay giàu có qua những món quà vật chất, họ được tận hưởng Tết theo cách tự nhiên, thoải mái, cũng không bị đè nặng bởi các kỳ vọng xã hội. Như vậy sẽ giải tỏa căng thẳng và hướng đến những giá trị thực của ngày Tết như ở bên cạnh gia đình, bạn bè.

Hơn nữa, việc không đặt nặng quà cáp hay lễ nghi phức tạp cũng tạo điều kiện cho người trẻ có thêm thời gian dành cho gia đình. Những khoảnh khắc gần gũi trò chuyện, ăn bữa cơm thân mật hay ôn lại kỷ niệm cũ trở thành sợi dây gắn kết tình cảm gia đình, làm cho Tết thêm phần ấm cúng và ý nghĩa, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ.

"Tôi cho rằng việc đơn giản hóa Tết không chỉ giúp người trẻ giảm áp lực, căng thẳng mà còn khuyến khích họ quay trở về với những giá trị cốt lõi của tình thân, sự sẻ chia và niềm vui giản dị. Nhờ vậy, các bạn sẽ tận hưởng cái Tết đúng nghĩa và tràn đầy yêu thương", TS Lâm nhận định.

Từng áp lực vì lì xì

Thành Tín (26 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ từng khá áp lực chuyện lì xì mấy năm trước. Sinh viên mới ra trường nhưng khi về quê ăn Tết, anh đều phải tiết kiệm chi tiêu từ trước đó để dành cho việc lì xì. "Tôi đã phải nhét bao lì xì ít nhất 50.000 đồng, còn với các cháu, anh chị em hay ông bà, số tiền thường dao động từ 200.000 - 500.000 đồng", Tín kể.

Áp lực chi tiêu chỉ vài ngày Tết cũng khiến anh căng thẳng, nhất là khi kinh tế không dư dả. Tín thật thà chia sẻ từng nghĩ đi làm rồi nên cần phải lì xì cho đẹp mặt để không ai nói mình keo kiệt. Tuy nhiên vài năm gần đây kinh tế khó khăn hơn, những bạn trẻ tự lập chẳng dễ dàng gì.

"Tôi nhận ra thay vì cố gắng lì xì một khoản lớn, mình có thể chọn cách đơn giản hơn vì giá trị của bao lì xì không phải số tiền mà là ở ý nghĩa tinh thần và lời chúc chân thành", Tín bộc bạch.

Tết nơi công sở trao gửi chân thành

Kha khá bạn trẻ khi được hỏi đều cho biết năm nay họ sẽ giản lược việc quà cáp, nhất là những món quà đắt tiền trong môi trường công sở.

Thay vào đó, mọi người ưu tiên gửi nhau những lời chúc chân thành hay những món quà tự tay chuẩn bị nhưng đầy ý nghĩa. Với họ, Tết là dịp gắn kết yêu thương chứ không phải để so sánh hay trưng bày giá trị vật chất.

Tết với người trẻ giản dị thôi! - Ảnh 2.Nhà ông bà không có WiFi, con không thích về quê ăn Tết

"Vé máy bay tôi đã mua rồi, chỉ còn một ngày nữa là bay về quê. Nhưng đến hôm nay mà hai con gái của tôi vẫn giữ nguyên ý định không về quê ăn Tết".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp