02/01/2025 22:22 GMT+7

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng

Mọi năm, thời điểm này thương lái nườm nượp đến thủ phủ hoa cúc miền Trung ở Quảng Ngãi xem hoa đặt cọc. Năm nay, chỉ vài người đến hỏi nhưng không vội chốt, người trồng hoa Tết lo lắng.

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 1.

Ông Được đang lo lắng khi còn 1.300 chậu hoa cúc chưa có người mua - Ảnh: TRẦN MAI

Theo người trồng hoa, dù thời tiết bất lợi, mưa liên tục nhưng cúc vẫn nở đúng Tết, riêng hoa vạn thọ coi như mất trắng.

Vắng người mua, người trồng hoa Tết lo lắng

Những ngày đầu tháng chạp, dọc vựa trồng hoa cúc chưng Tết ở sông Vệ (huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu cho nụ. Chủ vườn tranh thủ thuê người lặt nụ, phun thuốc dưỡng hoa và lá.

Người trồng hoa lo chăm bẵm để có chậu cúc đẹp nhất phục vụ Tết. Nhưng điểm rất lạ là rất ít thương lái đến đặt vấn đề mua hoa.

Trước cảnh vắng bất thường, nhiều chủ vườn đã mang biển "bán hoa cúc" kèm số điện thoại treo dọc tuyến đường liên xã.

Cô Lê (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vừa lặt nụ vừa lắc đầu ngao ngán: "Thời điểm này những năm trước thương lái đã đặt cọc hết rồi, năm nay chẳng thấy ai đến hỏi".

Dù vật tư trồng hoa tăng cao hơn so với mọi năm, nhưng giá hoa cúc vẫn "giậm chân tại chỗ". 

Giá hoa cúc hiện người dân bán tại vườn tùy theo kích cỡ chậu (từ 50cm - 1m) dao động từ 130.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/chậu.

Xã Nghĩa Hiệp có 500 người trồng hoa trên diện tích khoảng 30ha. Hiện có khoảng 250.000 chậu hoa cúc sẵn sàng cho Tết. Thống kê của chính quyền địa phương, chỉ có khoảng 50% hoa cúc được thương lái đặt cọc, mua.

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 2.

Bà Phương trồng 600 chậu cúc, đến giờ mới bán được 30 chậu - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Đinh Trình Được (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) thở dài khi 2.500 chậu cúc mới bán được 1.200 chậu, số còn lại đang gặp khó.

"Số hoa tôi bán được là nhờ những mối cũ, chứ chẳng ai đến vườn xem hoa. Chẳng hiểu sao năm nay chậm vậy", ông Được nói. Không chỉ vậy, thời tiết bất lợi khiến 200 chậu vạn thọ của gia đình xem như mất trắng khi chưa chịu cho nụ.

Bà Phương trồng cúc cho biết: "Mọi năm khu này người đến mua hoa đông như 30 Tết, năm nay loe hoe vài người. Sáng nay có người đến hỏi, tôi chốt dạ theo ý họ rồi, vậy mà họ nấn ná rồi bỏ đi mất".

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 4.

Thị trường ảm đạm, sức mua giảm, nhiều người trồng hoa treo biển và số điện thoại chờ thương lái - Ảnh: TRẦN MAI

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 5.

Hai thương lái đến xem hoa ở vườn bà Phương, sau khi trao đổi thì tiếp tục "đi dạo" chưa chốt cọc - Ảnh: TRẦN MAI

Thương lái dè chừng, sợ sức mua hoa Tết và thời tiết

Anh Đinh Trường Giang, một thương lái từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi xem hoa. Sau khi dạo khắp nơi, hai vợ chồng đứng trầm ngâm. Dù người trồng hoa cam kết hoa nở đúng Tết nhưng anh Giang vẫn lo lắng. "Dự báo ngày mai mưa sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng, tôi sợ hoa không nở kịp, đặt cọc mua, ôm vào bán không được là lỗ chết", anh Giang nói.

Trong khi đó, một vài thương lái khác lại lo lắng "sức mua" hoa Tết sẽ giảm. Anh Tuệ (Bình Định) có kinh nghiệm 15 năm mua hoa cúc ở Quảng Ngãi mang vào Bình Định và Gia Lai bán dịp Tết tỏ ra dè chừng: "Thói quen dịp này tôi ra Quảng Ngãi xem hoa, nhưng thiệt tình không dám chốt mua. Kinh tế khó khăn, sợ bán không trôi, năm ngoái ổn hơn mà thức trắng, bán tới tận giao thừa mà lời có mấy đồng".

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 6.

Thời tiết bất lợi, người trồng hoa tỉ mẩn chăm sóc, cố gắng để hoa nở đúng Tết - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Nguyễn Văn Tuyên, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho rằng dù hoa cúc Nghĩa Hiệp được chứng nhận OCOP nhưng đa phần người dân trồng theo kinh nghiệm truyền thống, không rõ định hướng, khó tiếp cận thị trường.

Vậy nên việc sản xuất hoa Tết vẫn theo kiểu "may nhờ rủi chịu". Việc xuất bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chỉ cần vắng người mua là bà con như ngồi trên lửa. Địa phương mong có cơ quan chuyên môn quảng bá, tăng đầu ra cho vựa hoa cúc lớn nhất miền Trung.

"Có như vậy, nghề trồng hoa Tết truyền thống ở nơi đây mới bền vững được", ông Tuyên nói.

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 7.

Hàng trăm ngàn chậu hoa cúc đang chờ người mua - Ảnh: TRẦN MAI

Tết đến gần nhưng vắng người mua, thủ phủ hoa cúc miền Trung lo lắng - Ảnh 8.'Hồi hộp' với trái cây mùa Tết

Thời tiết thất thường, nắng hạn, mưa trái mùa... khiến nguồn cung các loại trái cây như bưởi, xoài, thanh long... cho dịp Tết được dự báo sẽ giảm nhiều, giá tăng so với năm ngoái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp