Điểm tặng cơm “0 đồng” tại số 63 Man Thiện, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) duy trì “đón khách” vào trưa thứ ba, năm, bảy hằng tuần - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều người lao động lại đang nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền, do Tết Nguyên đán Quý Mão sẽ đến chỉ sau hơn nửa tháng.
Tuổi Trẻ 2-1 có bài viết "Nghĩ về những người không có thưởng Tết". Bức tranh hiện hữu về một cái Tết "đặc biệt" đang và sẽ đến. Không thiếu niềm vui, tiếng cười nhưng cũng xen lẫn những tiếng "thở dài" trĩu nặng lo âu bởi dù cố gắng vẫn ít nhiều tồn tại sự chông chênh.
12 tháng trước, người dân vui vẻ nghỉ Tết trong tâm trạng lạc quan, tin rằng bước vào năm mới sẽ chắc chắn có việc làm, thu nhập. Hoàn cảnh "việc cần người" lúc ấy dĩ nhiên khác hiện nay. Hàng trăm ngàn người "được" nghỉ Tết quá sớm, trong đó khá đông phải nghỉ luôn, số còn lại cũng chưa nghe doanh nghiệp hẹn ngày "tái ngộ".
Vốn luôn sẵn có tinh thần "tự lực cánh sinh", tự cứu mình trước khi chờ cứu, có người tranh thủ về quê sớm để tiết kiệm chi phí lúc gian nan, có người tiếp tục bám trụ như đã từng ở lại cùng thành phố chống dịch. Vô số "thợ đụng" xuất hiện sẵn sàng làm những công việc khác nhau, miễn sao có cái ăn cái ở chờ qua cơn bĩ cực.
Vậy nên, không hề ngạc nhiên khi đội ngũ xe ôm công nghệ và shipper tăng đột biến, có cả những tài xế nữ gia nhập. Đội ngũ những người bán vé số dạo cũng được bổ sung "quân số" đáng kể. Dịch vụ tân trang, làm vệ sinh nhà đón Tết nở rộ hơn mọi năm. Những công trình xây dựng ngày nào cũng có người đến hỏi xin vào làm phụ hồ, trong đó không ít là phụ nữ.
Những quán ăn cần người phụ bưng bê, chạy bàn, các quán ăn uống không cần treo bảng tuyển người vì đã có người chủ động ghé hỏi việc làm. Những việc thời vụ ngày Tết năm nay vì vậy không lo thiếu nhân công, mặc dù thù lao giảm đôi chút song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tìm việc làm.
"Bụng đói đầu gối phải bò", với bao khoản chi tiêu cần trang trải, nhiều người chỉ mong được đi làm dẫu cho đầu tắt mặt tối, những ai có công việc và thu nhập lúc này mới thật sự may mắn.
Những hoạt động thiện nguyện được "kích hoạt" sớm hơn nhiều năm trước. Các ban ngành tập trung hoàn thành danh sách hộ gia đình cần được hỗ trợ, vận động nhà hảo tâm "lá lành đùm lá rách". Nhiều đội, nhóm thiện nguyện cũng khẩn trương hoàn tất chương trình "góp gió thành bão".
Suất ăn miễn phí tăng số lượng và tần suất trao tặng so với ngày thường. Các "chuyến xe 0 đồng" đưa người lao động về các tỉnh xa đón Tết đã được đặt kín chỗ. Dẫu chưa thể ôm trọn những phận đời đáng thương nhưng cũng đủ làm ấm lòng người trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Năm mới cũng hy vọng xa hơn, những chiến lược và chính sách an sinh xã hội căn cơ và lâu dài sẽ ngày càng hoàn chỉnh. Lường trước những rủi ro tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào để ứng phó, đảm bảo Tết an vui cho người lao động lúc rủi ro việc làm, không thu nhập.
Tôi chọn Tết tối giản
Nhìn lại một năm qua, chưa kịp tích lũy được gì đã thấy Tết sát bên. Nhiều người xung quanh bàn nhau ăn Tết tối giản, tiết kiệm hết mức. Người đang bận rộn công việc cuối năm đang thu xếp mọi việc chờ trong hai tuần tới để sau đó nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Dù sao đó cũng là những người "dễ thở" hơn vì ổn định việc làm, ít nhiều cũng có thưởng Tết.
Ít nghe thấy ai rôm rả bàn chuyện sắm Tết, bởi sẽ thiếu tinh ý và có phần "lạc quẻ" trong những ngày này khi bao người trầm lặng nén nỗi lo Tết nghèo thời mất việc, giảm lương, ít thưởng.
Tết tối giản, mua sắm những thứ thật cần thiết, thăm viếng người thân, giảm tiệc tùng..., nghỉ ngơi tại nhà cũng là sự lựa chọn tiết kiệm hơn trong những ngày bao người đang dè sẻn, bản thân mình cũng khó khăn hơn mọi năm.
Tết đang đến và sẽ đi qua nhẹ nhàng hơn, thắt lưng buộc bụng xíu cũng tốt hơn. Còn bạn, bạn sẽ nghỉ Tết cách nào?
MINH ĐỨC
TRẦN VINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận