John David Washington và Robert Pattinson trong Tenet - Ảnh: WARNER BROS
Phim của Christopher Nolan luôn có hình ảnh đẹp, bối cảnh khổng lồ, kỹ thuật ấn tượng. Dung lượng một bài báo không đủ để khen Tenet về các mặt này, nên có thể bỏ qua phần đó và ra thẳng rạp để chiêm ngưỡng (phim công chiếu tại Việt Nam từ ngày 28-8).
Chẳng hạn để quay cảnh máy bay Boeing đâm vào tòa nhà phát nổ, đạo diễn mua một chiếc Boeing thật và cho nó đâm vào một tòa nhà thật. Cảnh này hớp hồn khán giả vì độ chân thực.
Còn điểm yếu là kịch bản và nghệ thuật kể chuyện của Nolan luôn quá tham vọng. Ông muốn làm những bộ phim chưa từng có về những chủ đề quen thuộc, như ở Tenet là chủ đề du hành thời gian. Vấn đề là: Tenet có đủ sức kéo khán giả theo cùng, hay sẽ bỏ rơi họ giữa chừng?
From Director Christopher Nolan
Ý nghĩa sâu xa đằng sau "Tenet"
Về từ ngữ, "Tenet" là một trong 5 từ khắc trên viên đá cổ hình vuông Sator Square (hay Rotas Square) được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó lâu đời nhất là trong đống đổ nát của thành Pompeii.
5 từ trên viên đá là: Sator, Arepo, Tenet, Opera, Rotas. Dễ thấy, Sator đối xứng Rotas, Arepo đối xứng Opera; còn Tenet nằm ở trung tâm, là trục đối xứng của các từ theo chiều ngang lẫn dọc.
Về ý nghĩa, câu "Sator Arepo tenet opera rotas" có cách dịch khả dĩ nhất là "Người nông dân Arepo làm việc bằng máy cày".
Còn ở bộ phim, Tenet là tên phim và tên một tổ chức ở thời tương lai trong phim, Sator là tên một nhân vật quan trọng (Kenneth Branagh đóng), Arepo là tên một nhân vật phụ, Opera là chi tiết liên quan đến một cảnh phim, còn Rotas là tên một công ty.
Cảnh phim Tenet
Việc Arepo và Opera nằm giữa Sator và Rotas trên viên đá cổ cũng rất khớp với các tình tiết phim, cho thấy Nolan sắp đặt kỹ lưỡng để mọi thứ khớp vào vị trí như những quân cờ.
Xét riêng ý nghĩa tên phim, "tenet" tiếng Anh nghĩa là "học thuyết, nguyên lý", dựa trên nguyên tắc và niềm tin. Đại diện cho điều đó là nhân vật chính - Protagonist (John David Washington), khi anh thực hiện sứ mệnh nhưng không rõ mình đang làm việc cho ai và chống lại điều gì.
Khi đó, thứ người ta cần là "trục" niềm tin vững chắc vào sứ mệnh của mình để không lung lạc giữa ma trận âm mưu và các tuyến thiện ác. Đã có lúc, Protagonist hoài nghi cộng sự, giận dữ kẻ thao túng nhưng anh vẫn bám sát nhiệm vụ.
Cảnh phim Tenet
Có cần phức tạp đến vậy?
Tenet kể về Protagonist - điệp viên có sứ mệnh ngăn chặn một tội ác bí ẩn. Anh thu nạp cộng sự Neil (Robert Pattinson), họ cùng lần theo một đường dây buôn vũ khí, đối đầu với Andrei Sator (Kenneth Branagh) - một tài phiệt nắm trong tay công nghệ đạn đảo ngược và có khả năng giao tiếp với tương lai.
Nhiều khán giả nói phim "quá khó hiểu", nhưng đó chỉ là do choáng ngợp trước danh tiếng của Nolan. Tenet, giống như "người anh ruột" Inception, đều có thể hiểu được khoảng 60-70% qua lần xem đầu.
Cả hai phim đều quá nhiều chi tiết. Và sau khi biết cái kết của Tenet, lần xem thứ hai trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Tương tự Inception, để giúp khán giả và các nhân vật hiểu điều gì đang diễn ra, phần lớn lời thoại là những lời giải thích đậm tính học thuật. Những thuật ngữ "dễ hiểu" như "gọng kìm thời gian" xuất hiện dày đặc. Lời thoại do đó ít tính điện ảnh và ít tính đời, khiến khán giả khó nảy sinh cảm xúc với nhân vật.
Cảnh phim Tenet
Điểm khác biệt là Tenet không hấp dẫn bằng Inception. Phim đề ra cơ chế du hành thời gian phức tạp, nhưng đôi lúc khán giả phải tự hỏi: có cần phức tạp đến vậy hay nhà làm phim muốn tung hỏa mù người xem?
Nhưng phải khen chiến thuật "gọng kìm thời gian" là sáng tạo mới lạ của Tenet. Đó là phương thức kẹp chặt đối thủ từ hai phía, bởi chính phiên bản hiện tại và phiên bản đảo ngược thời gian.
Các nhân vật liên tục nhảy qua nhảy lại giữa các dòng thời gian, có người nhảy đến gần 10 lần. Mỗi lần họ tịnh tiến hay đảo ngược thời gian lại phải tuân thủ những nguyên tắc khác nhau, do đó phim để lọt nhiều "sạn". Những "hạt sạn" này không dễ tránh, nhưng gây thất vọng bởi vì đây là phim của Christopher Nolan.
Bên cạnh những đoạn được phức tạp hóa, có những đoạn dài dòng không cần thiết. Ở những cảnh đáng ra nên kiệm lời, cô đọng và thật đắt giá, nhân vật lại nói quá nhiều. Khâu dựng phim là điểm yếu lớn của phim, bên cạnh nhạc nền phô trương và điều khiển cảm xúc một cách khó chịu.
Nhiều báo Mỹ cho rằng phần lớn thành bại của phim nằm ở khả năng diễn tay đôi giữa John David Washington và Robert Pattinson, khi nhân vật của họ là bạn bè vào sinh ra tử. Tiếc thay, bộ đôi thất bại trong sứ mệnh này. Trong cảnh đáng lẽ cảm động nhất phim, họ cũng không thể khiến khán giả bùng nổ cảm xúc.
Không chỉ Washington và Pattinson, hầu hết nhân vật trong Tenet đi lại và hành động như những cỗ máy, kể cả một người mẹ được cho là rất thương con.
Cảnh phim Tenet
Việt Nam không có dấu ấn trong phim
Nhiều khán giả thích thú khi hai tiếng "Việt Nam" vang lên trong Tenet. Việt Nam là nơi kẻ phản diện Sator và người vợ Kat (Elizabeth Debicki) đi nghỉ trong chuyến du lịch hàng triệu USD. Việt Nam cũng là nơi diễn ra một cảnh rất quan trọng của phim.
Nhưng những cảnh này chỉ xoay quanh chiếc du thuyền đậu trên một vùng biển chẳng có chút dấu ấn Việt Nam nào rõ ràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận