Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08 của Triều Tiên trong một lễ duyệt binh. Hwasong-14 là một biến thể nâng cấp của KN-08 - Ảnh: Reuters |
Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) tuyên bố tên lửa Hwasong-14 đã đạt độ cao 2.802km và đánh trúng mục tiêu giả định một cách chính xác sau hành trình bay 933km trong thời gian 39 phút.
Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát buổi bắn thử sáng nay (4-7).
"Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và đã sở hữu loại ICBM có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới", đài KCTV hân hoan nhấn mạnh.
Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có thực sự làm chủ được công nghệ đưa đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên tên lửa hay đưa tên lửa quay trở lại bầu khí quyển trái đất hay chưa. Tuy nhiên vụ bắn thử lần này có thể làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ.
Tiến sĩ David Wright, một chuyên gia về vũ khí, nhận định Triều Tiên đã cố tình bắn tên lửa ở góc cao để hạn chế tầm xa. Nếu được bắn theo quỹ đạo chuẩn, theo ông Wright, tên lửa được sử dụng lần này của Triều Tiên có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ.
"Với hành trình bay khoảng 950km và mất 37 phút để đạt tới độ cao tối đa hơn 2.800km, nếu các thông số trên là chính xác, tên lửa của Triều Tiên có thể đạt tới tầm xa hơn 6.700km nếu được bắn theo quỹ đạo chuẩn" - hãng tin Yonhap dẫn lời chuyên gia Wright.
Bản tin của KCTV về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sáng 4-7 - Nguồn: Youtube |
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ trước đó thông báo tên lửa được Triều Tiên sử dụng lần này chỉ là tên lửa đạn đạo tầm trung. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, khi triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, đã cảnh báo nhiều khả năng đây là ICBM chứ không phải tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường.
Đây là vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm xa nhất được Triều Tiên tiến hành trong năm nay. Liên tục trong những tháng vừa qua Bình Nhưỡng đã tiến hành bắn thử nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, từ tầm chiến thuật đến tầm trung và thử nghiệm các loại động cơ tên lửa thế hệ mới.
Ngay sau tuyên bố của bắn thử thành công ICBM Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh. Đại diện ngoại giao Trung Quốc khẳng định các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã định rõ những quy định đối với các vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên. Bắc Kinh kiên quyết phản đối Bình Nhưỡng vi phạm những điều này, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh trong buổi họp báo ngày 4-7. |
Bộ Ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận trước sự việc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R McMaster hồi tuần rồi đã cảnh báo Washington sẽ hành động nếu cảm thấy Triều Tiên đặt ra mối đe dọa hiện hữu với người dân và nước Mỹ.
Vụ bắn thử diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh G20 tại Đức, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ "chạm mặt" với các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.
Trong những ngày vừa qua, thậm chí ông Trump đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Nhật với nội dung quan trọng vẫn là mối đe dọa từ Triều Tiên.
Như vậy, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn không đoái hoài đến những cuộc ngoại giao con thoi bên ngoài và tiếp tục chính sách tăng cường hạt nhân và tên lửa của mình.
Uy lực tên lửa Triều Tiên Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được cho là KN-14, biến thể mới nhất của ICBM KN-08, theo chuyên trang về tên lửa của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Hiện vẫn chưa rõ đây là tên lửa 2 hay 3 tầng bởi số tầng này có thể quyết định đến tầm bắn của tên lửa. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, KN-14 là loại 2 tầng, tầm bắn từ 8.000 đến 10.000km và sử dụng nhiên liệu lỏng. Tháng 4-2016, Triều Tiên đã thử thành công một loại động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng UDMH. Theo trung tâm CSIS, việc sử dụng loại nhiên liệu có hiệu quả đốt cháy cực cao này có thể tăng thêm tầm bắn cho tên lửa Triều Tiên như loại KN-14. |
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin Triều Tiên bắn tên lửa sáng 4-7 - Ảnh: Reuters |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận