Điều đó phản ánh một trong nhiều nỗi lo dân sinh khi có thay đổi giấy tờ cá nhân và địa ốc, hoặc những lúc hồi tưởng, tìm lại ký ức phố phường.
Thật ra trong vấn đề này, chúng ta đã có giải pháp pháp lý nhưng nơi này nơi kia tùy thời điểm vẫn chưa thực thi đúng và đủ.
Năm 2005, Chính phủ có nghị định số 91 về quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng. Nghị định với 17 điều là công cụ pháp lý để phòng chống việc đặt tên đường một cách chủ quan và thiếu chuyên nghiệp, thậm chí tùy tiện.
Điều 5 của nghị định ghi rõ: "Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương, đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ".
Phải chăng các cơ quan địa phương "lỡ quên" nguyên tắc này khi đổi tên nhiều đường phố quen thuộc?
Điều 10 còn đưa ra định nghĩa người trong nước hay người ngoài nước được đặt tên đường phố phải là "người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận".
Nếu thực thi đủ điều này thì "quỹ tên" đường đâu chỉ tập trung cho các anh hùng liệt sĩ của nhiều thời kỳ đến mức phải lập lại trùng lắp ở nhiều quận huyện cùng một tỉnh thành và tránh bị "lọt lưới" những cái tên chỉ có trong huyền thoại, hoặc những cái tên không đáng.
Quan trọng không kém: điều 17 quy định "cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường phố, các công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi UBND tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hằng năm".
Việc này đã thực hiện đúng chưa hay chỉ làm qua loa, đặt và đổi tên đường là quyết định của riêng cơ quan chức năng? Cho nên đã xảy ra nhiều trường hợp khi đã đặt tên người dân mới biết và phát hiện nhiều điều chưa chuẩn thì "ván đã đóng thuyền"!
Tuy nhiên, bản thân nghị định 91 và thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin (thông tư số 36 năm 2006), sau 18 năm ban hành, cần được tu chỉnh để khơi thông một số vướng mắc còn lại.
Trước nhất, đó là điều 5 quy định "Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường phố và công trình công cộng".
"Nước chảy qua cầu" gần hai thập kỷ rồi, đã đến lúc xác định rõ thế nào là "ý kiến đánh giá còn khác nhau" và "chưa rõ về mặt lịch sử" đối với những nhân vật như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký.
Rất mong chính quyền và các ngành liên quan cần mạnh dạn "vào cuộc" tổ chức tọa đàm hay hội thảo để định hình lại những câu chuyện chưa tường minh, xác minh lại lịch sử trên cơ sở tư liệu và kiến giải mới.
Hai năm trước đây, chính quyền TP.HCM trả lại tên đường Lê Văn Duyệt ở khu vực linh thiêng Lăng Ông là một minh chứng tốt khi thực hành đúng các quy định của nghị định 91.
Suy cho cùng các tên gọi đường phố và công trình công cộng vừa là tiện nghi của văn minh, vừa là biểu tượng của tri ân. Đó cũng là một loại tài sản công, tài sản trí tuệ của xã hội chứ không riêng của cá nhân hay tổ chức nào.
Vậy nên việc đặt tên rất cần tiến hành một cách khoa học, dân chủ và nhân văn. Cũng như trong các vấn đề dân sinh, nếu đã có pháp lý về việc đặt tên thì xã hội cần tuân thủ và cần cập nhật và hoàn thiện theo thời gian nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận