11/12/2024 17:35 GMT+7

Tên các cục, vụ dự kiến sau hợp nhất hai bộ Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi trường

Dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên - Môi trường, sẽ giảm 25 đầu mối so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai bộ.

Tên các cục, vụ dự kiến sau hợp nhất hai bộ Nông nghiệp và Tài nguyên - Môi trường - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: C.HƯƠNG

Ban chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai bộ sau khi hợp nhất.

Đề xuất đặt tên "Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường"

Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất phương án sắp xếp theo chủ trương hợp nhất hai bộ như sau:

Về tên gọi: Theo kế hoạch số 141 ngày 6-12 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, tên bộ sau khi hợp nhất là "Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường".

Tuy nhiên, tại cuộc họp của ban chỉ đạo đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất bổ sung cụm từ "Nông thôn" vào sau tên gọi của bộ sau khi hợp nhất, cụ thể là "Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường".

Việc đề xuất tên gọi của bộ sau khi hợp nhất như trên bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hai bộ hiện nay. Đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông thôn.

Về chức năng, nhiệm vụ: có chức năng, nhiệm vụ, tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như hiện nay.

Khi hợp nhất hai bộ, chức năng, nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành sẽ được rà soát, điều chỉnh, phân định rõ theo đối tượng quản lý, bảo đảm tính thống nhất, khoa học, tổng thể và bao quát, khắc phục triệt để sự giao thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ.

Đồng thời tách bạch công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế.

Trên cơ sở đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy của bộ tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, có sự đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương; thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành.

Giảm 25 cục, vụ, đầu mối sau khi hợp nhất

Về cơ cấu tổ chức: Trên cơ sở đề xuất sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hai bộ như trên, ban chỉ đạo đã thống nhất đề xuất cơ cấu tổ chức của bộ sau khi hợp nhất.

Theo đó, cơ cấu của bộ mới có 29 tổ chức, gồm 8 đơn vị tham mưu tổng hợp, 17 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, 4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước.

Có 8 tổ chức tham mưu tổng hợp trên cơ sở hợp nhất các tổ chức có chức năng tương ứng của hai bộ, gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng bộ, Thanh tra bộ, Cục Chuyển đổi số.

Có 17 tổ chức trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường và nông nghiệp nông thôn, gồm: Cục Quản lý đất đai; Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Cục Bảo vệ môi trường; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Khí tượng thủy văn; Cục Viễn thám quốc gia; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi - Thú y; Cục Quản lý và khai thác công trình thủy lợi; Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm; Cục Thủy sản; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam/Cục Biển, Hải đảo và Kiểm ngư.

Có 4 đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị có chức năng tương ứng của hai bộ, gồm: Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường; Báo Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ cấu tổ chức của bộ mới sau khi hợp nhất có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai bộ (tương ứng với tỉ lệ giảm trên 45%).

Theo ban chỉ đạo, trường hợp tiếp tục duy trì Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhưng không đưa vào cơ cấu của bộ tại nghị định và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trong trường hợp này, cơ cấu hai bộ còn 29 đầu mối, giảm 26 đầu mối là các cục, vụ, đơn vị trực thuộc so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai bộ (tương ứng giảm tỉ lệ trên 47%).

Tên các cục, vụ, đơn vị dự kiến sau khi hợp nhất hai Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường - Ảnh 3.Phương án sắp xếp lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ sắp xếp, hợp nhất nhiều đơn vị và dự kiến hoàn thành dự thảo bộ mới xong trước 15-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp