10/12/2015 12:31 GMT+7

Ted Osius đạp xe xuyên Việt

QUỲNH TRUNG -
 VÕ VĂN THÀNH
QUỲNH TRUNG -
 VÕ VĂN THÀNH

TT - Ted Osius, một người sinh trưởng ở tiểu bang Maryland và từng làm ngoại giao tại châu Á trong gần 25 năm, từng chia sẻ rằng trở thành đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam chính là “giấc mơ thành hiện thực” của ông.

Ted Osius gần 20 năm trước, khi còn là viên chức của sứ quán Mỹ tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu ĐSQ Mỹ
Ted Osius gần 20 năm trước, khi còn là viên chức của sứ quán Mỹ tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu ĐSQ Mỹ

 Ông nói mình có cảm giác đã chuẩn bị cho công việc này trong 25 năm qua.

“Tôi từng có những trải nghiệm tuyệt vời ở đây và thấy mình có tình cảm sâu sắc với đất nước này. Khi nghĩ về Việt Nam, tôi nhớ tới những người dân hiếu khách, những thắng cảnh tuyệt đẹp, về cơ hội xây dựng một mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị vững mạnh với Việt Nam. Trở lại Việt Nam lần này, tôi vô cùng ấn tượng với những thay đổi đang diễn ra ở Hà Nội”.

Ông Ted Osius chia sẻ với Tuổi Trẻ trong buổi làm việc đầu tiên với tư cách là đại sứ ở Việt Nam vào ngày 24-12-2014 tại căn biệt thự kiến trúc Pháp dành cho các đời đại sứ Mỹ ở phố Tông Đản.

Chuyện 19 năm trước

Sau quyết định bình thường hóa, ngày 6-8-1995, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher thăm Việt Nam đồng thời chính thức mở sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Ông Lindsey Kiang, cựu tùy viên quân sự ở Đại sứ quán Mỹ đầu tiên tại Hà Nội năm 1995, kể với Tuổi Trẻ rằng do việc thành lập sứ quán Mỹ thời điểm đó quá gấp rút, chính quyền của tổng thống Bill Clinton kêu gọi các nhân viên tình nguyện đến làm việc cho sứ quán Mỹ ở Việt Nam.

Có rất nhiều người xung phong, bao gồm những cựu binh Mỹ, các quan chức Mỹ có vợ người Việt, Việt kiều và những cá nhân khác muốn trở thành một phần của thời khắc lịch sử trong quan hệ Mỹ - Việt.

Ted Osius là một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên làm việc cho sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với tư cách là viên chức chính trị từ năm 1996-1998. Osius đã hỗ trợ ông Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi bình thường hóa.

Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ làm việc cho Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), kể với Tuổi Trẻ rằng ông biết Ted Osius thông qua nữ trợ lý.

“Một hôm, nữ trợ lý của tôi trở về từ tòa đại sứ Hoa Kỳ và nói với tôi rằng có một chàng trai trẻ mới sang làm việc tên là Ted Osius. Sau đó, tôi có gặp cậu ấy và chúng tôi trở thành những người bạn. Ấn tượng ban đầu của tôi về chàng trai này là sự cởi mở và thông minh.

Lúc ấy tiếng Việt của cậu ấy cũng rất khá, khá hơn tôi rất nhiều. Cậu ấy rất chịu khó tìm hiểu về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Sau đó chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn, chúng tôi hẹn nhau ăn trưa, uống bia hơi vỉa hè và thảo luận rất nhiều về Việt Nam” - Chuck, hiện đang sinh sống ở Hà Nội, nhớ lại.

Cựu binh Chuck bảo lúc đó Ted là một chàng trai quá trẻ để thấu hiểu hết về chiến tranh nhưng lại rất ham học hỏi và đã đọc nhiều sách về cuộc chiến này.

“Cậu ấy hỏi tôi rất nhiều về chiến tranh Việt Nam, cuộc sống của những cựu binh cả hai bên chiến tuyến, và hỏi tôi nghĩ và hi vọng gì cho Việt Nam. Cậu ấy cũng rất háo hức góp công sức vào việc xây dựng một mối quan hệ mới với Việt Nam sau bình thường hóa” - Chuck kể.

“Ted là sự lựa chọn xuất sắc để làm đại sứ. Cậu ấy hiểu rõ lịch sử của hai nước và hiểu rõ chúng tôi cần phải làm gì để đưa hai quốc gia xích lại gần nhau” - Chuck kết luận.

Ted Osius chụp ảnh chung với những đứa trẻ VN cách đây gần 20 năm khi ông đạp xe xuyên Việt - Ảnh: tư liệu ĐSQ Mỹ
Ted Osius chụp ảnh chung với những đứa trẻ VN cách đây gần 20 năm khi ông đạp xe xuyên Việt - Ảnh: tư liệu ĐSQ Mỹ

Đạp xe hơn 1.930km

“Qua chín tháng làm việc tại Việt Nam với tư cách đại sứ, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ không?” - chúng tôi mở đầu cuộc trò chuyện với đại sứ Ted Osius tại khách sạn Mariott, Hà Nội vào một ngày cuối tháng 9.

Sau một thoáng ngẫm nghĩ, đại sứ Ted Osius bảo câu chuyện đáng nhớ nhất của ông không xảy ra trong thời gian chín tháng làm đại sứ, mà diễn ra cách đây gần hai thập kỷ khi ông gặp một phụ nữ Việt ở Quảng Trị.

Ông bảo thời gian đó ông rất thích đạp xe và ngắm những cảnh đẹp ở Việt Nam. Khi ông là tùy viên chính trị của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông đã thực hiện một chuyến hành trình bằng xe đạp với quãng đường hơn 1.930km từ Hà Nội tới TP.HCM.

“Tôi nhìn thấy cảnh đẹp ở khắp mọi nơi, miền Trung, miền Bắc, miền Nam. Trở lại Việt Nam lần này với tư cách đại sứ, tôi thấy cảnh vật vẫn đẹp như xưa dù ở thành phố lớn có sự thay đổi do phát triển kinh tế” - đại sứ Ted Osius bộc bạch.

Và trên cung đường Bắc - Nam ngày ấy, ông gặp gỡ một phụ nữ Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị. Ông từng đề cập câu chuyện này trong phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ trước khi nhận chức vụ đại sứ tại Hà Nội:

“Tại khu phi quân sự cũ, tôi đứng trên một cây cầu, nhìn chăm chăm vào những cái hố trông như những cái ao nằm rải rác. Một người phụ nữ lớn tuổi nói bằng tiếng Việt rằng đó không phải là ao, mà là những nơi bom trút xuống. Trong đó có cả ngôi làng của bà.

Khi tôi nói với bà rằng tôi đại diện cho chính phủ và nhân dân Mỹ, bà đáp lại bằng một câu khiến tiếng Việt trở thành thứ ngôn ngữ rất đỗi ấm áp: “Hôm nay chúng ta là chị em”.

“Khi người phụ nữ ấy nói với tôi “chúng ta là chị em”, tôi nhận ra ba điều giúp mình hiểu hơn về con người Việt Nam. Đó chính là sự tha thứ, tinh thần lạc quan luôn hướng về tương lai và văn hóa gia đình” - đại sứ Osius chia sẻ.

Ông cho biết điều thú vị nhất về ngôn ngữ tiếng Việt chính là đại từ nhân xưng.

“Ở Việt Nam có quá nhiều cách xưng hô. Nhiều người gọi tôi là “ông”, “ngài”, một số gọi tôi là em bởi vì tôi nhỏ tuổi hơn họ. Một nhân viên bảo vệ trong nhà tôi gọi tôi là “bác” một cách rất tôn trọng và thân thiện. Nhiều người khác lại gọi tôi là “chú”. Một số người thân quen và lớn tuổi hơn thì gọi tôi bằng “em”. Tôi rất thích được gọi bằng nhiều đại từ nhân xưng như vậy vì ở nước Mỹ, người ta chỉ gọi nhau là “You” and “I”.

Đại sứ Osius chia sẻ với nụ cười giòn rồi sau đó ông chỉ tay về phía ông Terry White, tham tán phòng văn hóa và thông tin của sứ quán Mỹ, đang ngồi cạnh đó và bảo: “Terry White hay gọi tôi là đại sứ. Nhưng đó không phải là tôi, không phải là Ted Osius. Tôi chỉ là trưởng đại diện của sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tôi nghĩ mình thích được gọi là “anh” và “em” hơn là “ngài”.

Đại sứ Osius lại cười.

Nói về chuyến hành trình Bắc - Nam bằng xe đạp của Ted Osius, cựu binh Chuck bày tỏ sự thán phục: “Thời điểm đó, một người nước ngoài làm vậy được xem là điều bất bình thường nhưng Ted vẫn quyết tâm thực hiện.

Tôi nghĩ đó là một chuyến hành trình quan trọng giúp cậu ấy tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống người Việt Nam từ Bắc đến Nam, đi đến tận những ngôi làng nhỏ, gặp gỡ những người dân tộc thiểu số. Đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời”.

_______________

Câu chuyện phía sau bức ảnh đại sứ Ted Osius ẵm con trai dưới trời mưa tầm tã và cùng chị gái dâng nước cho mẹ ruột tại chùa Quán Sứ, Hà Nội nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu.

Kỳ tới: Đội mưa lên chùa báo hiếu

QUỲNH TRUNG -
 VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp