27/03/2016 07:57 GMT+7

TBT Nguyễn Phú Trọng: “Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì?”

ĐÀ TRANG - V.V.THÀNH
ĐÀ TRANG - V.V.THÀNH

TTO - Cho rằng hiện nay dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... Tổng bí thư nói nếu có thì phải sửa, nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng câu hỏi này.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 hôm qua 26-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Cứ vào đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Có cái gì ‘luồn’ vào trong cái tình cảm ấy?”.

Tổng bí thư cho rằng hiện nay dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... “Bây giờ người ta đang nói chạy cả... luân chuyển. Cán bộ luân chuyển được một vài năm lại nhấp nhổm chạy về”.

Nếu có (chuyện chạy) thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Phải xử lý bằng pháp luật

Tổng bí thư đề nghị hội nghị thẳng thắn thảo luận, nhìn thẳng vào sự thật xem những chuyện đó có hay không, mức độ thế nào để cho rõ ràng.

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: “Nếu có (chuyện chạy) thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?”.

Yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng vừa nêu, Tổng bí thư cho rằng không chỉ có kêu gọi, làm công tác tư tưởng bởi đó là việc đương nhiên. Vấn đề là phải xử lý bằng luật pháp, quy chế, quy định, kiểm tra đôn đốc ráo riết.

“Và trước hết người làm công tác tổ chức cán bộ phải thực sự liêm chính, trong sáng, công tâm” - ông nhấn mạnh.

Tổng bí thư giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2016 chú ý các đề án đã được trung ương giao:

1- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

2- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

3- Xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bầu, phê chuẩn 37 chức danh

“Phần cứng” và “phần mềm”

Ban Tổ chức trung ương cho biết sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đối với cán bộ theo hướng xây dựng quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị; bổ sung quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp gồm “phần cứng” theo ngạch, bậc và “phần mềm” theo hiệu suất, sáng kiến.

Theo trung tướng Trần Bá Thiều - tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an), Tổng bí thư đã thể hiện sự day dứt khi đề cập một số tiêu cực trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, cũng là lần thứ hai Tổng bí thư có phát biểu về vấn đề này và không nên để Tổng bí thư phải phát biểu đến lần thứ ba.

Đây chính là thái độ, trách nhiệm của chúng ta. Ban Tổ chức trung ương nên nghiên cứu, làm việc với tinh thần cao nhất để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này.

Tướng Thiều cho biết đến nay Bộ Công an đã thực hiện luân chuyển 41/63 giám đốc công an các tỉnh thành không phải người địa phương. Trong nhiệm kỳ này sẽ triển khai 100%.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nêu thực trạng tỉnh nhà thừa tới hơn 170 cán bộ quy hoạch, không biết phải bố trí thế nào cho hợp lý. Ông đề nghị trung ương phải có quy định hướng dẫn để thực hiện cho thống nhất, đồng bộ, nếu không sẽ rất khó khăn.

Tại hội nghị, cách giải quyết khó khăn của Quảng Ninh được nhiều ý kiến tán đồng. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đưa ra dẫn chứng: trước đây vịnh Hạ Long có rất nhiều cơ quan quản lý, như ngành GTVT, du lịch, quản lý thị trường... và lại có cả ban quản lý vịnh nhưng nay tất cả gom về một đầu mối quản lý.

Ông Đọc cho biết: “Quảng Ninh đã nhất thể hóa bí thư huyện ủy là chủ tịch UBND huyện, 63 bí thư là chủ tịch UBND xã, phường, 449 bí thư chi bộ là trưởng thôn... Phấn đấu tới đây nhất thể hóa 100% cấp thôn, 50% cấp xã phường và 20% cấp huyện”.

Quảng Ninh cũng đã nhất thể hóa 9 người là trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, 7 chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra, 5 trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ...

Tỉnh Quảng Ninh đã được Ban Bí thư cho thí điểm mô hình “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội dùng chung một cơ quan giúp việc” và Chính phủ cho thí điểm mô hình “Trung tâm phục vụ hành chính công”.

Đưa ra thực tế địa phương mình, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết Đà Nẵng đã thí điểm bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp quận huyện, phường xã phát huy hiệu quả. Qua đó giúp thống nhất chỉ đạo điều hành, Đảng “hóa thân” vào chính quyền, tránh được tình trạng Đảng ủy ra nghị quyết mà UBND chậm triển khai thực hiện.

Nhưng đến nay Đà Nẵng dừng thực hiện thí điểm chủ trương này do có nhiều ý kiến cho rằng quyền lực tập trung vào một người mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát thì có thể dẫn đến độc đoán chuyên quyền. Tuy nhiên, theo ông, nếu chọn đúng người thì không có gì đáng lo.

“Nếu trung ương cho phép thì Đà Nẵng xin thực hiện trở lại thí điểm chủ trương nêu trên và trung ương có thể tính toán ở cấp cao hơn” - ông Xuân Anh nói.

Kết luận hội nghị, ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương - khẳng định thực tiễn cho thấy ở những nơi làm tốt là nhờ quyết tâm chính trị của cấp ủy và đặc biệt người đứng đầu.

Tình hình kinh tế - xã hội không tốt thì không thể ổn định xã hội, ổn định chính trị. Đây là vấn đề cần quan tâm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Theo ông Chính, tuần tới Quốc hội sẽ bắt đầu thực hiện kiện toàn bộ máy (Quốc hội miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn - PV) với 37 chức danh nhà nước. Về mặt luật pháp và thực tế không có vấn đề gì, không vi hiến, không vi phạm luật pháp.

Các đồng chí đứng đầu cấp ủy và trong thường vụ cần làm tốt công tác tư tưởng để đạt kết quả cao nhất trong việc kiện toàn các chức danh nhà nước. Sự lựa chọn của chúng ta là hợp lý nhất trong điều kiện có thể. Quá trình thực hiện rất dân chủ, các cơ quan có thẩm quyền đều thống nhất rất cao.

Thăng, phong hàm trên 150 sĩ quan cấp tướng

Theo báo cáo của Ban Tổ chức trung ương, năm 2015 cơ quan này đã phối hợp thẩm định nhân sự trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với 37 thứ trưởng và tương đương; bổ nhiệm chức vụ, thăng, phong hàm cấp tướng đối với trên 150 sĩ quan quân đội, công an; thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch trên 4.300 cán bộ.

Trong công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, 28 người được quy hoạch vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư (đợt I: 22, đợt II: 6); 310 người được quy hoạch Ban Chấp hành trung ương (đợt I: 290, đợt II: 20).

Năm 2015, toàn Đảng kết nạp trên 200.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng lên trên 4,65 triệu.

ĐÀ TRANG - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp