Ông Văn Bảy là người chịu trách nhiệm tổ chức bản thảo cho cuốn sách Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn. Lợi nhuận cuốn sách từng giúp tay trống Nguyễn Trung Vinh trang trải cuộc sống.
Trong chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông kể về giai đoạn 10 năm cuối đời của ông Vinh, trong đó có một mong ước đã không thể trở thành hiện thực.
"Sống trong nghèo khổ tận cùng, anh vẫn cười rất tươi"
Văn Bảy kể hồi nhỏ ở quê, ông đã nghe rất nhiều ca khúc của ban nhạc Phượng Hoàng nhưng không biết tên ban nhạc.
Lúc đó trong các ban nhạc đám cưới ở quê, có những người chơi trống rất điệu nghệ, mãi sau này mới biết họ chịu ảnh hưởng, bắt chước nét chơi hào hoa, tự do của tay trống Trung Vinh.
Ông Vinh chơi trống trong một khoảng thời gian không phải là dài, chừng 15 năm đổ lại.
Sau năm 1975, vì nhiều lý do, rồi sức khỏe, ông không còn lên sân khấu nữa. Dù vậy dấu ấn ông để lại trong giới chơi nhạc rất đậm nét.
Trước khi vào Phượng Hoàng, tay trống Nguyễn Trung Vinh từng chơi trong một vài ban nhạc khác, trong đó có Teddy Bears.
Ông Vinh giỏi tiếng Pháp. Dù nhiều năm không dùng nhưng khi gặp người nói tiếng Pháp, ông hoàn toàn có thể trao đổi một cách sâu sắc với họ về những vấn đề văn hóa, nghệ thuật, cho thấy sự tài hoa, tài năng của ông.
Theo ông Văn Bảy, 10 năm cuối đời, nghệ sĩ bị tai biến và nhiều bệnh tật bủa vây. "Sống trong hoàn cảnh tận cùng, nghèo không thể nghèo hơn nữa, anh vẫn cười rất tươi".
Ước mơ sau cùng
Ban nhạc Phượng Hoàng gồm những thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ca sĩ Elvis Phương và tay trống Nguyễn Trung Vinh.
Thi thoảng một trong những thành viên này có việc bận đột xuất thì có thêm một vài người chơi thay.
Em trai Văn Hiển của Trung Vinh là một trong số đó. Vì vậy trước thời điểm ông Vinh mất, trên danh nghĩa ban nhạc Phượng Hoàng chỉ còn Elvis Phương và Trung Vinh nhưng trong thực tế, còn có thêm một, hai người nữa.
Hồi trước, thỉnh thoảng ca sĩ Elvis Phương vẫn nhắn ông Vinh lên TP.HCM gặp nhau, nói chuyện cũ.
Ông Văn Bảy nói "mỗi lần nhắc tới ban nhạc Phượng Hoàng, gương mặt anh Vinh đều rất hân hoan, vui vẻ rồi khóc. Lần nào cũng như lần nào. Có lẽ anh cũng rất nhớ một thời oanh liệt, rực rỡ đó".
Từng có một tuổi trẻ năng nổ nên khi tuổi già đến, bệnh tật đầy người, ngồi trong phòng trọ nhỏ, những kỷ niệm thời xưa như những điều quý báu nhất. Nếu không có Phượng Hoàng, ông không nghị lực để sống tiếp.
"Anh ấy có một ước mơ, đó là khi nào anh khỏe chút, mong một lần đứng trên sân khấu cùng em trai Văn Hiển chơi đàn, đánh trống, còn Elvis Phương hát một vài ca khúc của ban nhạc Phượng Hoàng", nhà báo Văn Bảy nói "tiếc là điều đó đã không thành hiện thực", nhưng anh ấy vẫn luôn "Cười lên đi em ơi/ Dù nước mắt rớt trên vành môi/ Hãy ngước mặt nhìn đời/ Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười...".
Nguyễn Trung Vinh mất lúc 2h sáng 25-10. Sáng cùng ngày, người em vợ của ông đưa ông đi hỏa táng, tro cốt sẽ gửi ở nhà thờ Lái Thiêu. Vì neo người nên gia đình không làm tang lễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận