Hình ảnh tại một buổi lễ trao vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông" cho 40 hộ nông dân tại tỉnh Tây Ninh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: CHÂU TUẤN
Cần thêm sự hỗ trợ
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản. Thấu hiểu được phương châm đó, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã áp dụng hàng loạt công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng và quy mô phát triển các mô hình công nghệ cao tại tỉnh này vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm nông sản truy xuất nguồn gốc đến vùng nguyên liệu. Trong khi đó, người sản xuất đa phần là người lớn tuổi, chưa quen với việc tiếp cận công nghệ thông tin.
Chưa có chương trình, dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang tính "đột phá" để đẩy mạnh đầu tư thu hút chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Việc chuyển đổi số ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mới, nên để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Nông nghiệp còn khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Sở này sẽ chú trọng chuyển đổi số một số ngành hàng chủ lực của tỉnh; rà soát hiện trạng ngành nông nghiệp để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực bao gồm: sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi,…
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện thí điểm chuyển đổi số trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm - đặc biệt là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm - PV).
Lựa chọn tổ chức, hợp tác xã có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Trương Văn Long (ngụ xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất biết ơn các ban, ngành tỉnh Tây Ninh đã luôn hỗ trợ bà con nông dân trong việc sản xuất, phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống" - Ảnh: CHÂU TUẤN
Dần ‘bắt nhịp’ với chuyển đổi số
Ông Nguyễn Đình Xuân - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký mã số vùng trồng và cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cho 9 cơ sở tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn trái.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường lớn như: EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Trung Quốc.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc cho 45 tổ chức, cá nhân với diện tích 280 ha. Đến nay, đã thực hiện truy xuất nguồn gốc cho 220 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 1.600 ha trên các loại cây bưởi, chuối, mãng cầu, xoài, nhãn, táo, bơ...
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong chăn nuôi với 8 trang trại, 4 cơ sở giết mổ sử dụng phần mềm TE-food để truy xuất nguồn gốc trên heo; một số trang trại ứng dụng công nghệ sử dụng hình ảnh trong chẩn đoán bệnh vật nuôi, sử dụng chip theo dõi tình trạng sức khỏe, năng suất sữa trên bò sữa.
Đồng thời, ngành nông nghiệp xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để có hệ thống quản lý thông tin hiện đại và đồng bộ, tạo liên kết chặt chẽ trong việc quản lý vận hành, khai thác công trình thủy lợi và bảo vệ công trình phục vụ sản xuất.
Kết quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đến nay, các mô hình công nghệ cao đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 35 hecta và mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nền nông nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Cường (chủ trang trại cây ăn trái tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) chia sẻ, từ khi mở rộng diện tích cây ăn trái, ông tích luỹ nhiều kiến thức từ các trang mạng.
Ông dễ dàng tìm được hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt rất hữu ích chỉ nhờ một "cú click chuột". Sử dụng mạng xã hội giúp ông kết nối với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để nhờ tư vấn, hỗ trợ và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian tới, nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ phối hợp với ngành liên quan, các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Tây Ninh lần đầu tiên tổ chức hội nghị chuyển đổi số
Trước đó, ngày 7-10, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị "Quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số năm 2022". Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết đây là sự kiện quan trọng, được tổ chức lần đầu tiên của tỉnh.
Theo ông Hùng, có thể coi năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng địa phương.
Để việc chuyển đổi số đạt kết quả cao, mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận