04/05/2021 10:48 GMT+7

Tây Ninh: Đẹp hơn, hiện đại hơn

T.D.V - THANH NAM
T.D.V - THANH NAM

Tây Ninh đang thực sự chuyển mình thoát khỏi góc khuất ở miền Đông Nam bộ để thu hút nhiều khách du lịch hơn và phát triển nhanh hơn trên nền cơ sở hạ tầng khang trang và nền nông nghiệp xanh, hiện đại.


Tây Ninh: Đẹp hơn, hiện đại hơn - Ảnh 1.

Quang cảnh đường 30/4 sau khi ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông

Thật vậy, nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, chúng ta dễ dàng nhận thấy Tây Ninh giờ đổi mới rất nhiều, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy những con đường, công trình mới mọc lên. Tây Ninh giờ khác xưa nhiều!

Từ đại lộ đến cao tốc

tn 2

"Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm tạo ra đột phá về cải cách hành chính và môi trường đầu tư, Tây Ninh sẽ phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với truyền thống quê hương trung dũng, kiên cường.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Cùng ngồi kể chuyện tỉnh nhà, nhà báo, nhà văn Nhất Phượng tâm đắc: " Tui là tui thích nhất đại lộ 30/4. Nó thoải mái gì đâu!". Đường 30/4 bây giờ phải gọi là đại lộ. Con đường duy nhất trên toàn tỉnh không còn cảnh dây điện, dây cáp treo lòng thòng vướng mắt, tất cả được "ngầm hoá", nâng thành phố Tây Ninh lên tầm cao mới, hiện đại hơn, khang trang hơn.

Không chỉ đường 30/4, trong 5 năm qua, rất nhiều con đường đẹp được xây dựng. Đường Điện Biên Phủ với chiều dài 4,3 km, kéo dài từ Tòa thánh Tây Ninh đến núi Bà Đen, được hoàn thiện cuối năm 2017. Đây là một trong những con đường trọng điểm, giúp thúc đẩy lưu thông, thuận tiện cho phát triển du lịch tỉnh nhà. Rồi còn đường 782-784,786,788...

Mới đây, tỉnh vừa khánh thành công trình đường và cầu Bến Cây Ổi bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, nối liền hai xã Hòa Thạnh và Phước Vinh, huyện Châu Thành. Công trình được thông xe vào cuối tháng 7-2020, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại, vận chuyển hàng hóa, và hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các xã biên giới này.

Cuối năm 2019, Tây Ninh thực hiện một sự kiện có ý nghĩa chiến lược. Đó là kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Nghĩa là, trong tương lai rất gần, dự án đường cao tốc thành phố Tây Ninh - Mộc Bài được triển khai với số vốn lên đến hơn 10 ngàn tỉ đồng, có chiều dài toàn tuyến 53,5 km. Sau khi hoàn thành (dự kiến năm 2025), thời gian đi TP.HCM sẽ từ 2,5 giờ còn lại 1 giờ. Có hạ tầng vững chắc, khát vọng làm giàu cho quê hương sẽ rất nhanh thành hiện thực.

Nơi du khách "không thể không đến"

4 giải pháp đột phá

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tây Ninh xác định 4 giải pháp đột phá, gồm:

1. Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông;

2. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị;

3. Phát triển du lịch, trọng tâm là phát triển Khu du lịch (KDL) núi Bà Đen trở thành KDL đẳng cấp quốc gia, điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam bộ;

4. Phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Đầu năm 2017, Tây Ninh tổ chức Hội nghị Quốc tế về "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm ở Tây Ninh". Đây là Hội thảo được đánh giá là "bước ngoặc" của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, đánh dấu Tây Ninh chính thức chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Hội thảo, lãnh đạo tỉnh khẳng định, đưa nông nghiệp chuyển dịch lên sản xuất chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh là yêu cầu bức thiết đặt ra từ lâu với lãnh đạo và nhân dân toàn tỉnh. Nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang (hiện là Phó Bí Thư thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh "tỉnh quyết tâm xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu phát triển bền vững và đời sống của người dân được ấm no".

Truớc đó, vào giữa năm 2016, tại hội thảo quốc tế "Nhận diện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam" do Bộ NN-PTNT tổ chức, Tây Ninh đã đăng ký tham gia phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và chủ động tái cấu trúc ngành theo chuỗi giá trị, định hướng thị trường. Chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang tập trung, an toàn sinh học và bảo đảm môi trường. Tổ chức những cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hoá đồng bộ...

Hiện Tây Ninh có 658 trang trại, trong đó có 52 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đặc biệt, thu hút được những nhà đầu tư lớn đầu tư vào nông nghiệp, như nhà máy chế biến cây ăn quả Tanifood có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày. Trang trại bò sữa Vinamilk quy mô trên 8.000 con; trang trại gà đẻ của Công ty Farm Việt Nam với quy mô trên 1 triệu con…

Cũng trong năm 2017, Hội thảo quốc tế về "Du lịch Tây Ninh - Tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển" được tổ chức tại Tây Ninh. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành du lịch. Với chiến lược kêu gọi bài bản của tỉnh, Tập đoàn Vingroup đã khai trương tổ hợp Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Khách sạn 5 sao Vinpearl và nhà phố thương mại Shophouse.

Năm 2020, Tập đoàn Sun Group đưa vào vận hành hệ thống cáp treo mới hiện đại tại Khu du lịch (KDL) Quốc gia Núi Bà Đen. Đây là hạng mục đầu tiên trong quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain được Sun Group đầu tư xây dựng tại Tây Ninh. Có thể nói rằng, Tây Ninh đã trở thành điểm "không thể không đến" của người mê du lịch. Khát vọng đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đang trở thành hiện thực rất gần.

Trong 5 năm tới, dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức. Chính vì vậy, những thành tựu đã đạt được sẽ tạo tiền đề quan trọng để xác định mục tiêu, nhiệm vụ góp phần xây dựng Tây Ninh giàu đẹp hơn nữa.

Đưa nguồn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ

Châu Thành và Bến Cầu là 2 trong 5 huyện biên giới của tỉnh, chia cắt với các địa phương khác bởi sông Vàm Cỏ Đông. Năm 2018, UBND tỉnh đã khởi công dự án xây dựng công trình tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Đây là công trình có hệ thống đường ống máng trên trụ có quy mô khá "khủng", với số vốn trên 1.000 tỉ, dẫn nguồn nước theo đường ống tự chảy tưới mát 17.000 ha đất nông nghiệp. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2022 và tưới tự chảy cho gần 17 nghìn ha đất thuộc hai huyện Châu Thành và Bến Cầu trải dài từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam của tỉnh. Không chỉ cung cấp nguồn nước có chất lượng, dự án tưới tiêu này còn góp phần đẩy rửa phèn cho cả cánh đồng khô cằn rộng lớn.

Dự án đi vào hoạt động sẽ là cơ hội để chuyển đổi vùng phía Tây sang sản xuất cây công nghiệp, hoặc các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tại lễ khởi công, một anh nông dân ở huyện Bến Cầu vui mừng kể: "Tôi có 2ha đất, trước giờ chỉ làm được 1 vụ lúa và 1 vụ mì. Nhưng cây mì thì mất nửa năm mới thu hoạch, lời lỗ vô chừng. Khi dự án hoạt động, tôi sẽ mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn".

T.D.V - THANH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp