Hạn hán khiến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương này ngày càng khan hiếm, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ; mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 15-35% (một số khu vực xuống thấp hơn từ 40-60%); trên 35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước.
Tính đến cuối tháng 2-2016, toàn vùng đã có khoảng 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất; 1.100 ha lúa có nguy cơ mất trắng và trên 40.000 ha cây trồng thiếu nước tưới (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu).
Dự báo trong 2 tháng tới, nền nhiệt ở Tây Nguyên cao hơn trung bình nhiều năm, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn. Điếu này tác động xấu đến lượng nước trong một số hồ chứa thủy điện lớn ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk…
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực chỉ đạo phòng, chống hạn với nhiều giải pháp. Trước hết là tập trung chỉ đạo gieo trồng sớm so với lịch thời vụ thông thường. Đến cuối tháng 2-2016, toàn vùng đã gieo trồng 104.000 ha cây hằng năm vụ Đông Xuân, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.
Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng khó khăn về nguồn nước (xa sông suối, khai thác nước ngầm hạn chế); tăng công suất các trạm biến áp phục vụ bơm nước từ hệ thống sông chính vào ao, hồ chứa nước; nạo vét tu sửa kênh mương, gia cố chống rò rỉ các hồ chứa.
Ngành nông nghiệp nhiều nơi tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện giải pháp phân phối nước tiết kiệm, giảm số lần tưới để bảo đảm nước luân phiên cho nhiều diện tích cây trồng. Các nhà máy thủy điện vẫn ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn.
Trước mắt, cần tập trung ưu tiên bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho dân; kiên quyết không để người dân thiếu nước dùng hằng ngày và không để trâu, bò chết vì thiếu nước như đã từng xảy ra trong mùa khô 2005.
Cố gắng đến mức cao nhất duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống ở những nơi tập trung đông dân cư. Đối với các nhà máy thủy điện, tuy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát điện nhưng vẫn phải ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng quy định, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.
Huy động tối đa các nguồn lực để chống đói, chống rét cho người nghèo, khắc phục thiếu đói giáp hạt ở các địa bàn nông thôn. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần nắm chắc tình hình, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực để cứu đói, không để gia đình nào thiếu đói đứt bữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận