09/07/2020 09:06 GMT+7

Tây Nguyên căng mình dập dịch bạch hầu

TRUNG TÂN  -  HUỲNH CÔNG ĐÔNG
TRUNG TÂN - HUỲNH CÔNG ĐÔNG

TTO - Đến chiều 8-7, toàn vùng Tây Nguyên đã có 67 người dương tính với bệnh bạch hầu. Có hơn 10 ổ dịch ở các khu dân cư người dân tộc thiểu số. Nhiều ngôi làng đã được khoanh vùng, cách ly để truy vết nguồn bệnh.

Tây Nguyên căng mình dập dịch bạch hầu - Ảnh 1.

Ngành y tế tỉnh Gia Lai khám sàng lọc, điều trị dự phòng cho người dân tại thôn Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Hàng ngàn người nghi ngờ, tiếp xúc gần hoặc ở trong vùng có dịch được khám, tiêm kháng sinh phòng điều trị. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh này, Thủ tướng, Bộ Y tế đã thống nhất sẽ cấp miễn phí vắcxin bạch hầu - uốn ván (Td) và vật tư y tế để Tây Nguyên đủ sức ngăn chặn dịch, tiến tới thanh toán mầm bệnh nguy hiểm này…

Mầm bệnh trong tự nhiên

Ông Đặng Thành - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông - xác nhận đến chiều 8-7, toàn tỉnh đã có 8 ổ dịch tại 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk R’lấp với tổng số 28 người dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 2 người tử vong (đều ở huyện Đắk Glong). 

Ổ dịch thứ 8 tại bon Bu Ndoh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) đã phát hiện 3 người dương tính, nhiều người nghi vấn đang được kiểm tra y tế, lấy mẫu để thực hiện các biện pháp điều trị. Hơn 300 người dân tại đây được cách ly hoàn toàn đến ngày thứ 7. 

Tại các ngả đường vào xã, chính quyền địa phương đã nhanh chóng lập các chốt kiểm soát để tẩy trùng, khử độc, đảm bảo an toàn chung…

Ông Thành thông tin sau khi xuất hiện nhiều ca bệnh tại các cộng đồng người Mông, CDC và các địa phương đã rà soát, điều tra dịch tễ để truy vết nguồn lây. Qua rà soát, có đến 7/8 ổ dịch tại Đắk Nông nằm trong các khu dân cư người Mông, di cư từ ngoài Bắc vào nên khó điều tra lịch sử tiêm chủng của người dân. 

Không những vậy, các khu dân cư này tỉ lệ tiêm chủng mở rộng rất thấp, chỉ khoảng 40%, việc giữ vệ sinh cá nhân, cộng đồng tại các khu dân cư lại rất kém - điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bạch hầu phát triển.

Ông Thành cho biết thêm tại Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn còn tiềm ẩn mầm bệnh bạch hầu trong tự nhiên. 

"Chúng tôi theo dõi, 3 năm trở lại đây tỉnh Kon Tum đều xuất hiện ổ dịch bạch hầu, còn Gia Lai và Đắk Lắk từ năm 2019 trở lại đây đều xuất hiện rải rác. Đắk Nông năm nay mới xuất hiện trở lại dịch bạch hầu kể từ năm 2004 (thành lập tỉnh). Tuy nhiên diễn biến của bệnh lại hết sức phức tạp, lây khá nhanh…

Bệnh nguy hiểm nhưng không đáng lo

Theo ông Hà Văn Hùng - phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, nguyên nhân dẫn đến 2 ca tử vong từ đầu mùa dịch tại Đắk Nông là do ngành y tế phát hiện thụ động. Các bệnh nhân sốt, mệt mỏi nên đi khám, các cơ sở y tế mới phát hiện và báo cho địa phương thực hiện công tác khoanh vùng, cách ly. 

"Khi đã rà soát, sàng lọc thì các ca dương tính sau này đều được điều trị kịp thời, khi chưa xuất hiện triệu chứng bệnh nên sức khỏe các bệnh nhân sớm ổn định. Vì vậy, có thể khẳng định bệnh bạch hầu không đáng lo vì có kháng sinh điều trị đặc hiệu và có vắcxin phòng ngừa", ông Hùng nói.

Phân tích về nguyên nhân bùng phát dịch bạch hầu, ông Nguyễn Đình Tuấn - phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai (tỉnh có 16 ca dương tính, 1 ca tử vong do bạch hầu) - cho rằng do vùng Tây Nguyên, tây Quảng Nam… sống ở nơi xa xôi cách trở, nằm ở vùng "lõm" về giáo dục, y tế nên không hiểu biết hết chương trình tiêm chủng quốc gia. 

 Vậy nên các địa phương chỉ còn cách tăng cường biện pháp tuyên truyền, đưa chương trình tiêm chủng mở rộng đến các khu dân cư xa xôi nhất mới mong ngăn chặn, "xóa sổ" bạch hầu.

Về khám sàng lọc, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, quan điểm của ngành y tế Đắk Nông là khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (tại mỗi ổ dịch - PV) thì phải khoanh vùng, cách ly để sàng lọc, chữa trị kịp thời những ca nghi nhiễm. 

"Bệnh bạch hầu cũng lây qua đường hô hấp và có biến chứng rất nhanh, vô cùng nguy hiểm nên việc phát hiện sớm rất quan trọng", bà Hương nói.

Theo bà Hương, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 30.000 người Mông rải rác ở nhiều khu, cụm dân cư tại nhiều huyện là những nhóm "nguy cơ cao" với bệnh bạch hầu. 

"Hiện nay, 10.000 liều vắcxin uốn ván - bạch hầu do Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ đang được triển khai tiêm ở những khu dân cư có dịch, nguy cơ cao. Chúng tôi dự tính sẽ cần 100.000 liều (3 mũi) như vậy nữa để tiêm đủ cho số dân cư người Mông này bằng nguồn hỗ trợ của Chính phủ hoặc ngân sách địa phương. Sau đó, trong chiến dịch thanh toán bệnh bạch hầu giai đoạn tới ngành sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, tham mưu tỉnh quyết định", bà Hương nói.

Thủ tướng yêu cầu ngăn kịp thời dịch bạch hầu

Thủ tướng Chính phủ ngày 8-7 đã có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu. Theo đó, từ tháng 6 đến nay bệnh bạch hầu bùng phát và lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên, đã có 67 ca mắc và 3 trường hợp tử vong.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành xác định vùng và đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vắcxin phòng bệnh, đảm bảo đủ phương tiện, kinh phí, vật tư phòng dịch. Yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo cung ứng đủ vắcxin phòng bệnh cho các tỉnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí phòng dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ.

Cùng ngày, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản yêu cầu 3 bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn về chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các tỉnh Tây Nguyên, do có địa phương trong khu vực rất lâu không ghi nhận bệnh nhân bạch hầu (từ 2004 đến nay), dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác và người bệnh dễ có biến chứng, tử vong.

Hôm nay 9-7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên về phòng chống bệnh bạch hầu và phát động chiến dịch phòng chống dịch này.

L.ANH

Cần tiêm đủ liều vắcxin phòng bệnh bạch hầu

Ông Nguyễn Đình Tuấn - phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai - khẳng định bạch hầu lây nhiễm phần lớn do không tiêm vắcxin phòng bệnh. Tuy nhiên, nhiều người đã tiêm vắcxin phòng bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh bạch hầu.

Nguyên nhân nhiễm bệnh, theo bác sĩ Tuấn, có thể là do người "được tiêm vắcxin đủ liều nhưng không tạo đủ kháng thể" nên suy giảm khả năng phòng bệnh.

Phát hiện sớm, trị kịp thời

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Hà Văn Hùng - phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông - cho biết tại các tỉnh Tây Nguyên bệnh bạch hầu chủ yếu ở trẻ em nhưng nay xuất hiện cả ở những người lớn tuổi. Bệnh này nguy hiểm vì bệnh nhân vừa nhiễm khuẩn, vừa nhiễm độc dẫn đến suy tim, tử vong...

"Đến nay Việt Nam chưa thanh toán được bệnh bạch hầu nên dịch vẫn xuất hiện rải rác một số nơi trên cả nước, cũng như trên địa bàn Tây Nguyên. Mầm bệnh vẫn tiềm ẩn trong tự nhiên nên công tác phòng chống dịch bệnh hết sức khó khăn. Chúng ta phải chạy theo dịch với tinh thần phát hiện sớm, điều trị kịp thời", ông Hùng cho biết.

Biểu hiện ngoài da của bệnh bạch hầu

benh bach hau em be 09072020 4(read-only)

Biểu hiện ngoài da của bệnh bạch hầu - Ảnh: The New England Journal of Medicine

Một bé gái 5 tuổi, đã được tiêm phòng đầy đủ, nhập viện khoa cấp cứu với các tổn thương ngứa và loét ở cẳng chân. Bé không sốt lúc nhập viện, có các vết loét chảy máu ở vùng giữa dưới cẳng chân (T). Các tổn thương này đã xuất hiện 3 tuần khi bé ở Sierra Leone (Tây Phi) và tăng kích thước dần.

Xét nghiệm kiểm tra miễn dịch ELEK dương tính cho thấy bệnh bạch hầu này sản sinh độc tố. Biểu hiện ban đầu của bệnh bạch hầu ở da có thể xuất hiện dưới dạng các vết loét có bờ không rõ và điều trị khó lành.

Sau khi phát hiện vi khuẩn gây bệnh bạch hầu ở bệnh nhân này, chỉ định dùng kháng sinh được thay đổi thành Clarithromycin.

Những người tiếp xúc với bệnh nhân cũng đã được theo dõi và điều trị dự phòng. Các tổn thương loét da đã lành hẳn sau 1 tuần sau khi thay đổi kháng sinh thành Clarithromycin.

BS LÊ ĐỨC THỌ (The New England Journal of Medicine)

Đắk Nông khẩn cấp cách ly ổ dịch bạch hầu thứ 8 Đắk Nông khẩn cấp cách ly ổ dịch bạch hầu thứ 8

TTO - Do bệnh bạch hầu phức tạp, địa phương muốn cách ly hoàn toàn ổ dịch thứ 8 để dập dịch, bảo vệ sức khỏe người dân.

TRUNG TÂN - HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp