Tạm tóm gọn hành trình "học và làm" của anh Nguyễn Văn Màng (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM) là vậy. Anh vừa được Thành Đoàn TP.HCM tuyên dương "Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi" năm 2022.
Hai lần là điển hình "làm kinh tế giỏi"
Anh Màng kể hồi đó đang làm công nhân, cái bỏ ngang về nhà… nuôi gà, nuôi cả giống gà Đông Tảo có giá trị kinh tế khá cao. Rồi anh còn thu mua gà của các hộ nuôi khác cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn để tăng thêm thu nhập. Chính mô hình chăn nuôi hiệu quả ấy mà Màng từng được Thành Đoàn TP.HCM tuyên dương điển hình nông thôn làm kinh tế giỏi hồi năm 2014.
Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi của TP.HCM không chăn nuôi trong khu dân cư để đảm bảo môi trường không ô nhiễm vì chất thải chăn nuôi, anh chuyển sang trồng nấm. Mua phôi nấm về trồng song năng suất không cao, và anh nghĩ phải tìm cách tự làm phôi nấm cho mình.
Anh lên mạng, tìm thêm sách đọc, bắt đầu mày mò tìm cách tự làm phôi nấm cho gia đình trồng. Những mẻ phôi đầu tiên cho năng suất khả quan hơn so với phôi giống mua về, tỉ lệ cứ dần tăng cao hơn. Và anh quyết định làm luôn giống phôi nấm cung cấp cho thị trường.
Với anh, nghề nông khá vất vả nhưng cũng mang đến nhiều niềm vui. Mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Màng dần được nhiều bạn trẻ biết đến, tìm tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Mà anh Màng chẳng giấu gì, bất cứ ai quan tâm và muốn trồng nấm, anh đều chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm đã có. "Nhiều bạn sau thời gian làm công nhân đã quay lại nghề nông, đến hỏi tôi cách trồng nấm và cũng đã có thu nhập tương đối ổn định", anh Màng kể.
Anh nông dân chân chất ấy nỗ lực từng ngày "cho đất nở hoa". Bù lại, anh đã nhận được nhiều khen thưởng các cấp. Năm 2020, anh Màng nhận bằng khen của UBND TP.HCM trao cho "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp TP" với sản phẩm phôi nấm linh chi, nấm bào ngư xám.
Hiện anh còn tạo thêm giống phôi nấm hồng ngọc, hoàng kim, cẩm tú cầu… cung cấp theo nhu cầu thị trường và cho giá trị kinh tế cao hơn.
Tự tìm tòi cải tiến quy trình
Cứ làm rồi tự cải tiến, anh đã chuyển đổi và tái tạo các phôi nấm cũ, dùng chính các phôi cũ để cải tạo, ủ thành những phôi mới và tiếp tục đưa vào sản xuất. Sáng kiến này của anh Màng đến từ quá trình nghiên cứu, tìm tòi dựa trên kinh nghiệm tự nuôi trồng của bản thân, kết hợp với những lần dự tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ do Đoàn - Hội và Hội Nông dân huyện Nhà Bè tổ chức.
Với một phôi giống nấm bào ngư xám giá thị trường 15.000 đồng nhưng khi tái sử dụng các phôi đã sản xuất, chi phí giảm chỉ còn 6.000 đồng/phôi. Với diện tích trồng 240m2 cho hơn 40.000 phôi giống, tỉ lệ cơ bản khi cấy phôi đạt từ 97 - 100%.
Kết quả sản lượng thu hoạch mỗi tháng dao động 150 - 210kg, giá bán khoảng 65.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, số tiền thu về mỗi tháng từ 37 - 45 triệu đồng.
Chính cách tái sử dụng này giúp tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư song lại giúp anh tăng doanh thu từ 520 triệu đồng lên 1,8 tỉ đồng mỗi năm. Đồng thời tạo việc làm cho ba bạn trẻ địa phương có mức thu nhập ổn định.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn, anh hướng dẫn cho các hộ nông dân rút ngắn một vài công đoạn không cần thiết trong chu kỳ nuôi trồng, năng suất vẫn tăng nhưng lại giảm bớt vất vả cho người làm.
Chia sẻ về dự tính sắp tới, anh Màng nói đang tiếp tục nghiên cứu, tìm địa điểm thích hợp để mở rộng trang trại, nâng quy mô sản xuất. "Mục tiêu tiếp nữa là hoàn thiện sản phẩm để được công nhận là sản phẩm OCOP, cũng là để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm", anh Màng nói.
Điển hình trẻ tích cực
Nhớ về khoảnh khắc được kết nạp Đảng cách đây ba năm, anh Nguyễn Văn Màng nói đó là dấu ấn không thể quên, cũng là động lực và lời nhắc nhở để bản thân luôn phấn đấu, luôn sống xứng đáng là người đảng viên. Cùng với nỗ lực làm kinh tế tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, anh luôn sẵn lòng chia sẻ với bất cứ ai trong khả năng của mình.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè - cho biết không chỉ là một đảng viên trẻ tiêu biểu, nhà nông trẻ với nhiều thành tích trong lao động, anh Màng còn rất tích cực tham gia các phong trào Đoàn - Hội tại địa phương.
Dù bận rộn nhưng anh luôn cố gắng sắp xếp thời gian để có mặt cùng anh em trong các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng cùng các chương trình do Đoàn - Hội tổ chức. Như trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM, anh Màng là tình nguyện viên đi chợ giúp dân và hỗ trợ địa phương trong nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Anh Màng cũng được ghi nhận đã tham gia hiệu quả phong trào xóa đói giảm nghèo tại địa phương, có uy tín và ảnh hưởng nhất định trong thanh thiếu nhi và với người xung quanh. "Anh luôn là người "cho đi", sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, không giấu nghề.
Sự nỗ lực của anh đã được minh chứng qua các giải thưởng, danh hiệu tuyên dương các cấp đã được nhận", chị Thanh Hằng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận