Homestay nhỏ xinh ở Giàng Tả Chải của Nguyễn Siêu Hạnh cùng bà con nơi đây - Ảnh: SIÊU HẠNH
Suốt 11 năm qua, Nguyễn Siêu Hạnh, 33 tuổi, ở TP.HCM, sáng lập tổ chức tình nguyện Hành trình tuổi trẻ (Journey Of Youth, viết tắt là JOY), gương mặt tình nguyện quốc gia nổi bật năm 2019, miệt mài theo đuổi nhiều dự án xã hội, như mang nước sạch đến vùng cao nguyên, hỗ trợ y tế.
Năm 2017, anh bắt đầu triển khai dự án Joy House, cùng bà con vùng cao Sa Pa (tỉnh Lào Cai) làm du lịch bền vững.
Khách Tây cần gì?
* Có cơ hội đi nhiều nước, làm việc ở nước ngoài, sống ở những thành phố năng động, nhưng rồi anh lại lựa chọn tìm về những bản làng vùng cao Tây Bắc. Điều gì ở nơi này cuốn hút anh đến vậy?
- Một ngày tôi nhận ra mình không phù hợp với cuộc sống miền xuôi, ở phố thị nữa, tôi muốn tìm về một nơi yên tĩnh để có thể tiếp tục làm việc, một nơi mình có thể sống.
Tôi đi nhiều nơi, Đà Lạt là lựa chọn đầu tiên như bao người khác. Nhưng lên đó rồi, tôi thấy Đà Lạt bêtông hóa nhanh quá, hơn nữa homestay ở đây đề cao trang trí nhưng không thấy yếu tố trải nghiệm văn hóa địa phương.
Gương mặt trẻ tình nguyện Nguyễn Siêu Hạnh (trái) miệt mài với nhiều dự án xã hội như dự án y tế, nước sạch và mới đây là phát triển du lịch bền vững - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cuối năm 2016, tôi ngược ra Sa Pa (Lào Cai), ở thị trấn cũng bình thường như bao thị trấn khác. Nhưng xuống bản trải nghiệm, tôi được gặp, nói chuyện với một số người nước ngoài, nghe họ nói ở thị trấn có quán bar, có cà phê, có karaoke, nhưng những thứ đó bên phương Tây có nhiều rồi, thậm chí còn to đẹp hơn mình, thì cớ sao họ sang Việt Nam, lên tận Sa Pa để chơi mấy thứ đó chứ? Họ muốn xem thứ gì đó mà đất nước họ không có, nơi họ sống không có, và quyết định tìm đến bản làng.
Tôi cũng tìm đến một vài làng ở Sa Pa còn hoang sơ. Tôi chuyển qua ở chung với người đồng bào, tìm hiểu câu chuyện của họ. Tôi nhận ra ở nơi này vẫn còn nguyên giá trị văn hóa bản địa - chính là thứ khách Tây đang tìm kiếm.
Và tôi quyết định mạo hiểm.
Một ngày nhận ra mình không phù hợp với cuộc sống phố thị náo nhiệt, nhiều người mong muốn tìm về một nơi yên tĩnh để tiếp tục làm việc - Ảnh: SIÊU HẠNH
* Joy House ra đời, anh bắt tay vào thực hiện ra sao?
- Tôi bắt đầu mở homestay nhỏ ở làng Giàng Tả Chải Mông. Nơi đây có hai bản của người Mông và người Dao, cách nhau chỉ một thác nước. Du khách có thể trải nghiệm cuộc sống văn hóa của hai dân tộc này rất tiện.
Đầu năm 2017, Joy House ra đời. 12h trưa chính thức mở cửa online, chỉ mấy tiếng sau khách đặt phòng vào ở luôn.
Nhưng trước lúc mở homestay, tôi đã có thời gian ở cùng với một gia đình người Mông. Bà con dành cho tôi một căn phòng nhỏ, tôi giúp họ về chi phí sửa sang lại bếp núc, nhà vệ sinh, đóng lại bàn ghế, làm dây, đèn điện. Chi phí chưa đến 20 triệu đồng nhưng cũng hoàn thiện xong một homestay đáp ứng các điều kiện cơ bản.
Đến du lịch vùng Tây Bắc, khách có thể đi chăn trâu, đi cấy lúa, gặt lúa cùng bà con, tùy thời gian thích hợp - Ảnh: SIÊU HẠNH
Hiện tại chúng tôi có 3 căn nhà lớn, 3 căn nhà nhỏ tại Giàng Tả Chải. Homestay này không phải riêng mình tôi quản lý mà cả người dân cùng chung tay, nên mỗi khi tôi đi đi về về giữa TP.HCM và Lào Cai hay đi đâu xa, họ thay tôi chăm sóc.
Tất cả những thứ có ở đây, ở homestay này đều là chất liệu văn hóa của địa phương, của người đồng bào nơi này. Khách có thể đi chăn trâu, đi cấy lúa, gặt lúa cùng bà con, tùy thời gian thích hợp mà du khách có thể trải nghiệm bắt cá, bắt lươn với những đứa trẻ trong bản.
Du khách còn được đi trekking những cung đường bản làng thô sơ, đi tắm thác nước, trải nghiệm văn hóa thêu tay của người Dao, vẽ sáp ong của người Mông. Những trải nghiệm đó mang lại thu nhập cho người dân bản địa.
"Xâm chiếm văn hóa" rất nguy hiểm
* Với bà con người Mông, anh là người "ngoại lai", vậy làm thế nào để bà con tin và nghe theo anh?
- Tôi làm bạn với họ trước. Không nên đề cao quá sâu vấn đề kinh doanh, chủ yếu tôi xây dựng mối quan hệ với cộng đồng dân cư. Giống như họ có một người bạn từ phương xa đến, sau khi ở với nhau một thời gian, chúng tôi hiểu tính nhau.
Điều đặc biệt là người Mông nói tiếng Anh rất tốt, đó là lợi thế khi mình tiếp khách nước ngoài. Bây giờ thì bà con người Mông lo từ A - Z cho khách Tây luôn, khách nói gì các bạn hiểu hết.
Du khách được đi trekking những cung đường bản làng thô sơ, đi tắm thác nước - Ảnh: SIÊU HẠNH
* Gắn bó với Tây Bắc hơn 3 năm qua, anh có những hiến kế gì để phát triển du lịch bền vững tại nơi này?
- Không riêng gì khu vực miền Bắc, mà Việt Nam mình được trời phú cho thiên nhiên quá đẹp. Mình có núi có biển, có thể khai thác tiềm năng du lịch Việt Nam ở rất nhiều loại hình từ mạo hiểm cho đến nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, thực trạng là hiện nay người ta sẵn sàng san phẳng quả núi chỉ để xây dựng một cái resort, nó diễn ra ở khắp Việt Nam chứ không riêng gì ở Sa Pa.
Có nhiều cơ hội ra nước ngoài, tôi thấy mặc dù thiên nhiên của họ không bằng mình, nhưng họ tận dụng tối đa từng cái cây, từng con sông, tận dụng khai thác thiên nhiên theo hướng bền vững chứ không chặt phá và lấn chiếm.
Giá trị văn hóa bản địa chính là thứ khách Tây đang tìm kiếm - Ảnh: SIÊU HẠNH
Tôi tiếp xúc với một số người dân từng khai thác rừng trái phép, thực ra tôi thấy họ chính là tầng lớp đáng thương nhất trong chuỗi phá rừng, được trả công thấp nhất. Tiền công của họ một ngày chỉ có vài trăm ngàn nhưng cái giá phải trả thì có thể bị truy tố hình sự. Đằng sau họ là vợ con, không làm thì không biết lấy tiền đâu để nuôi mấy đứa con.
Do đó, cần tạo ra môi trường kinh doanh khác để tạo thu nhập cho người dân. Để phát triển du lịch bền vững, cần tạo ra sinh kế cho người dân.
Những người làm du lịch nên tận dụng văn hóa bản địa, đừng đưa văn hóa của người miền xuôi lên miền ngược, bởi việc "xâm chiếm văn hóa" rất nguy hiểm. Bản thân người đi du lịch phải ý thức được mình đang đi ở đâu, mình sẽ gặp ai để ứng xử văn hóa cho phù hợp.
Phần đông khách Tây tôn trọng văn hóa địa phương, tôn trọng sự khác biệt rất rõ. Khi họ thấy người đồng bào có cách ăn uống, mặc đồ khác mình, họ lấy đó là sự thú vị và muốn tìm hiểu sâu hơn vì sao người đồng bào này có cách sống như vậy.
Du khách trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải - Ảnh: SIÊU HẠNH
* Được biết nhóm anh đang triển khai dự án trồng rừng, anh có thể chia sẻ về dự án này?
- Năm 2020, chúng tôi triển khai dự án trồng rừng ở Tây Nguyên, ở Đắk Nông, đúng ra là trồng thêm rừng trong "Farm", làm dự án nông nghiệp dưới tán rừng.
Chúng tôi học hỏi từ các anh chị, cô chú nông dân đi trước, cùng với người dân trồng xen kẽ cây nông nghiệp và trồng rừng, tạo ra hệ sinh thái bảo vệ lẫn nhau.
Mỗi năm Joy House cam kết trồng 1.000 cây rừng thông qua Journey Of Youth, và không sử dụng chai nhựa trong hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, dự án "Joy Adventures" cũng cam kết tương tự. Tổng cộng 2 mô hình du lịch này cam kết trồng ít nhất 2.000 cây rừng mỗi năm.
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận