17/12/2024 11:45 GMT+7

Tay chân tê cóng ngày lạnh, đeo găng tay vẫn lạnh: Đừng chủ quan

Loại trừ nguyên nhân do cơ thể tiếp xúc lâu trong môi trường lạnh khiến tay chân lạnh cóng, còn nếu đã đi tất, đeo găng tay… mà tay chân vẫn lạnh, cần phải nghĩ tới các bệnh lý nguy hiểm và tìm cách khắc phục.

Tay chân tê cóng ngày lạnh, đeo găng tay vẫn lạnh: Đừng chủ quan - Ảnh 1.

Tay, chân lạnh có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm - Ảnh minh họa

Lạnh tay, chân gây nhiều tổn hại cho sức khỏe

Lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng cho biết rất nhiều người (đặc biệt là phụ nữ, người già, người gầy yếu, người bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém…) thường bị lạnh tay, chân khi mùa đông tới. Mặc dù đã đi tất, mặc quần áo ấm nhưng chân, tay vẫn bị lạnh cóng, tê cứng, thậm chí còn đau nhức.

Nguyên nhân không phải chỉ do thời tiết, mà chủ yếu là do khí huyết không lưu thông hoặc lưu thông kém khi nhiệt độ xuống thấp do các mạch máu trong cơ thể bị co lại, khi đó các khu vực nằm xa tim như tay hoặc chân bị thiếu máu nên dễ bị lạnh, nhợt nhạt, tái.

Cũng có thể do hệ tuần hoàn bị trục trặc, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là lượng máu cung cấp cho bàn tay, chân. Ngoài ra người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp... cũng thường có biểu hiện chân, tay lạnh.

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết lạnh, cước (sưng và đổi màu da) tay chân và tai là bệnh thường gặp trong mùa đông. Theo Đông y, nguyên nhân gây cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí. Bệnh nhân sống ở vùng ẩm ướt, hay tiếp xúc với nước lạnh (đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng), khí hậu lạnh lẽo, hay đi chân đất, nằm ngồi hoặc ngủ dưới đất lâu ngày hàn và thấp khí xâm nhập vào da thịt, gân mạch mà sinh bệnh.

Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh thì bệnh thường phát nặng hơn. Bệnh gây tổn hại cho sức khỏe, nên cần biết cách phòng ngừa và trị bệnh.

Tay chân tê cóng ngày lạnh, đeo găng tay vẫn lạnh: Đừng chủ quan - Ảnh 2.

Xoa bóp tay, chân làm khí huyết lưu thông giúp tay chân bớt lạnh - Ảnh minh họa

Biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tay, chân lạnh ngắt hoặc hay bị tê thì không thể coi thường, bởi có thể là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm.

- Thiếu máu và tuần hoàn kém: Thiếu máu cục bộ ở các đầu ngón tay, ngón chân thường gây ra co thắt, da nhợt nhạt, yếu và bàn tay lạnh.

- Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng: Đói, thiếu i ốt, chế độ ăn kiêng quá khắt khe, không đảm bảo chất dinh dưỡng, thiếu vitamin B12 - vitamin có vai trò quan trọng trong việc hình thành các tế bào máu đỏ dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt, lượng hồng cầu trong máu hạ thấp làm cho chân, tay lạnh và có cảm giác tê buốt như bị kim châm.

- Suy giáp: Tuyến giáp là tuyến nhiệt chủ yếu trong cơ thể chúng ta. Khi bị suy giáp, cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi, tóc rụng nhiều, trí nhớ giảm sút và chân, tay dễ bị lạnh vào mùa đông.

- Huyết áp thấp: Những người khỏe mạnh nhưng có huyết áp thấp thường tập trung dòng máu vào phần thân mình, khiến các đầu ngón tay, chân bị lạnh.

- Tâm lý lo lắng và căng thẳng quá độ: Căng thẳng hay lo lắng cao độ cũng là nguyên nhân khiến chân, tay lạnh. Cơ thể của người thường xuyên lo lắng có một phản ứng khá tự nhiên là sản xuất ra hormone adrenaline, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng ngoài cùng của cơ thể.

- Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường: Người bị đái tháo đường có lượng đường trong máu cao, mạch bị thu hẹp, giảm lượng máu cung cấp đến các tế bào. Không chỉ bị lạnh chân, người bệnh còn có các triệu chứng khác như ngứa ran hoặc có cảm giác như bị kim châm, tê hoặc đau rát ở bàn chân và các ngón chân.

- Thoái hóa đốt sống cổ: Thường xuyên bị tê ở một tay có thể do thoái hóa đốt sống cổ, chủ yếu do tăng sản xương cổ lâu ngày, thoát vị đĩa đệm… dẫn đến chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ hoặc động mạch đốt sống, dẫn đến hàng loạt rối loạn chức năng. Gần 70% triệu chứng tê tay là do bệnh lý rễ đốt sống cổ gây ra.

- Nhồi máu não: Nếu tình trạng tê ngón tay xuất hiện ở một bên chi, còn bên kia hoàn toàn bình thường, kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt thì bạn nên cảnh giác với bệnh nhồi máu não. Tình trạng tê chân, tay do bệnh này gây ra thường cấp tính và bạn phải nhanh chóng đi khám.

- Bệnh gút: Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy khoảng 1% bệnh nhân tê tay là do bệnh gút, nguyên nhân có thể là do sự kết tủa của axit uric ở dây thần kinh giữa.

- Bệnh về tim mạch: Khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi, khả năng lưu thông máu tới các chi của những người mắc một số bệnh về tim mạch có thể bị giảm.

- Bệnh phong thấp: Trong Đông y phong thấp là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh như đau đầu, viêm khớp dạng thấp, rối loạn mỡ máu, đau nhức xương khớp và đặc biệt là ra mồ hôi tay, chân.

Điều này xảy ra là do dương khí trong cơ thể bị thoát ra ngoài làm tắc nghẽn đường kinh ở tứ chi khiến bàn tay, bàn chân thường xuyên đổ mồ hôi và lạnh. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người bị ra mồ hôi và lạnh tay chân trong mùa lạnh.

- Bệnh lupus: Căn bệnh này có thể tấn công các mạch máu nhỏ trong da của bàn tay, bàn chân và ngăn ngừa sự di chuyển máu bình thường. Kết quả là bàn tay, bàn chân bạn bị lạnh hoặc ra mồ hôi.

Một số biện pháp giúp giữ ấm chân, tay

Tê tay, chân là biến chứng thường gặp của nhiều bệnh, dễ tái phát và khó chữa dứt. Để cải thiện, ngoài dùng thuốc, cần chú ý:

- Luôn mặc ấm, giữ kín cổ, đội mũ, đeo găng tay, đi tất khi thời tiết lạnh. Hạn chế mặc quần áo quá bó sát.

- Uống nhiều nước ấm để giảm độ nhớt máu, ngăn huyết khối, cải thiện tuần hoàn.

- Ngâm tay và chân trong nước ấm (40 độ C) có thể cho thêm chút muối và vài lát gừng tươi trong khoảng 20 phút. Trong khi ngâm, có thể kết hợp với mát xa bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu.

- Tập thể dục hằng ngày để cải thiện tình trạng lưu thông máu và làm ấm cơ thể hiệu quả; Đối với những người ngồi văn phòng lâu, cần tăng cường hoạt động, tập một số động tác thể dục tại chỗ để tăng cường tuần hoàn máu.

- Sử dụng túi sưởi để giữ ấm cơ thể khi ngủ; nên mang tất và găng tay cả trong khi ngủ.

- Chà xát, mát xa tay và chân để làm tăng lưu thông máu, làm ấm nóng gan bàn chân tay.

- Bổ sung cho cơ thể vitamin B1, B2, F và những thực phẩm có nhiều calo, chất béo, chất sắt để cung cấp thêm năng lượng làm ấm nóng cơ thể; Ăn những thực phẩm như sữa, trứng, thịt lợn, bơ, các loại hạt và ngũ cốc…

- Ngủ đủ giấc, tránh stress: Nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đầy đủ sẽ giúp cơ thể giữ ấm tốt hơn.

- Kiểm tra huyết áp, mỡ máu thường xuyên, điều trị nếu có bất thường.

- Nếu tê lạnh tay, chân kéo dài, hãy đến bệnh viện kiểm tra, không tự ý điều trị.

Tay chân tê cóng ngày lạnh, đeo găng tay vẫn lạnh thì đừng chủ quan - Ảnh 3.Thiếu nữ 19 tuổi bị tổn thương tủy cổ ngang, tê yếu tay chân vì lạm dụng bóng cười

Chiều 21-9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa điều trị cho nữ bệnh nhân 19 tuổi bị tổn thương tủy cổ ngang, tê yếu tay chân, đi lại khó khăn do ngộ độc khí N₂O sau thời gian dài lạm dụng bóng cười.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp