Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 1-10 đã có văn bản khẩn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh thành, đề nghị phối hợp với ngành GD-ĐT để tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch tại trường học, trường học cần có đủ phương tiện rửa tay cho học sinh và người chăm sóc để đảm bảo phòng bệnh.
Số ca bệnh phải điều trị tại Đồng Nai cao gấp đôi so với các tháng trước khiến nhiều khoa của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai rơi vào tình trạng quá tải.
Lực lượng y bác sĩ phải gồng mình "chiến đấu" cùng bệnh nhi trong mùa dịch bệnh; không ít bác sĩ, điều dưỡng đổ bệnh do căng thẳng, làm việc liên tục.
Tương tự, tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM số ca bệnh cũng tăng đột biến và diễn biến phức tạp. Các y bác sĩ phải cật lực, thức trắng đêm để cứu người, dập bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.
Hai bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm trên một giường tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - Ảnh: X.MAI
Thời điểm này, chúng tôi đối đầu với rất nhiều bệnh truyền nhiễm ở trẻ nên dường như làm việc không có ngày nghỉ, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn qua loa, ăn trái bữa như ăn sáng thành ăn trưa, ăn tối là ăn khuya. Việc này hết sức bình thường
BS Nguyễn Trần Nam (trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM)
Tay chân miệng tăng gấp 3-4 lần
Dọc hành lang khoa nhiễm của các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP đều phải kê thêm nhiều giường bệnh để điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết... Nhiều thời điểm 2 trẻ/giường.
BS Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho biết số lượng trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng TP trong 2-3 tuần qua tăng gấp 3-4 lần tháng trước. Trong đó, có những ca nặng (cấp độ 3, 4) cần phải điều trị gấp.
Hiện bệnh viện đang huy động y bác sĩ cũng như giường bệnh ở các khoa khác về khoa nhiễm để hỗ trợ.
"Không chỉ điều trị nội trú mà điều trị ngoại trú về các loại dịch bệnh trên tại Bệnh viện Nhi đồng TP đều tăng, khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải" - BS Nam nói.
Tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, BS Đỗ Châu Việt - trưởng khoa - cho biết số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thời điểm hiện tại tăng gấp 3 lần so với tháng trước. Việc tăng này kéo theo số lượng trẻ mắc bệnh nặng cũng tăng theo.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị nội trú tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó khoảng 10% các trường hợp cần hỗ trợ hồi sức, theo dõi sát, 1 trường hợp cấp độ 4 phải lọc máu.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, số lượng trẻ mắc tay chân miệng sẽ tăng nhanh.
Ghi nhận từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tính đến ngày 27-9, bệnh viện đã tiếp nhận 1.629 ca tay chân miệng, 856 ca sốt xuất huyết. Trong đó, chỉ riêng tháng 9 có 519 ca tay chân miệng (chiếm 32%) và 242 ca sốt xuất huyết (chiếm 28%).
Thức trắng đêm cứu chữa
Đã gần 11h trưa, BS Nguyễn Hoàng Bá Huy (khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP) mới vội ăn ly mì cho bữa sáng. Mặc dù ca trực của BS Huy từ 16h hôm trước đến 7h sáng hôm sau và tiếp tục khám bệnh cho đến 11h là hoàn thành nhưng BS Huy vẫn ở lại làm thêm đến 4h sáng hôm sau.
"Đặc thù bệnh tay chân miệng diễn tiến rất nhanh, phức tạp nên cần theo dõi sát sao nhằm phát hiện kịp triệu chứng, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trong mùa cao điểm như hiện nay, khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP thường xuyên tiếp nhận nhiều ca nặng, ca khó nên tôi sẵn sàng ở lại làm thêm đến 4h sáng để kịp thời cứu chữa các em" - BS Huy tươi cười chia sẻ.
Ghi nhận tại khoa bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kín mít, hàng chục giường bệnh, võng được xếp dọc hành lang và trong phòng.
BS Nguyễn Thanh Quyền - quyền trưởng khoa bệnh nhiệt đới - cho biết trước đây, mỗi ngày chỉ có 10-20 ca nhập viện, nội trú khoảng 60-70 ca.
Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng bệnh tăng gấp đôi, trung bình mỗi ngày đón 60-70 ca, số nội trú cũng tăng lên 130-140 ca, cao điểm lên đến 150 ca.
Trong khi đó, tiêu chuẩn của khoa chỉ có 100 giường. Để giải quyết tình trạng quá tải, không để bệnh nhi nằm ghép, khoa phải kê thêm giường tràn ra hành lang, phòng tiếp nhận bệnh, tăng cường thêm máy móc, trang thiết bị, thuốc men, bình thở oxy...
Theo BS Quyền, số ca bệnh đông quá, người nhà bệnh nhi cũng biết, thông cảm và hợp tác với đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là nhân lực. Cụ thể, cả khoa chỉ có 7 bác sĩ, 25 điều dưỡng chia làm 3 ca thay nhau trực.
Việc làm quá giờ, ăn trễ bữa, ăn qua loa hay thậm chí nhịn ăn thường xuyên diễn ra. Một vài điều dưỡng đã đổ bệnh xin nghỉ, gánh nặng đổ dồn lên những người còn lại.
"Bệnh nhân đông, việc nhiều nên cả khoa ai cũng rất mệt mỏi, từ bác sĩ đến điều dưỡng, nhất là những ngày cuối tuần" - BS Quyền bộc bạch.
Tương tự, tại khoa hồi sức tích cực - chống độc cũng rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là cuối tuần trước. Chỉ tiêu tối đa của khoa là 28 giường bệnh nhưng cao điểm có đến 42 bệnh nhi điều trị, buộc khoa phải kê thêm giường bệnh, trang thiết bị.
Bên cạnh đó, khoa đã xin thêm nhân lực nhưng bệnh viện chỉ điều động được thêm 1 - 2 người "tiếp viện" do các khoa khác cũng trong tình trạng chật kín bệnh nhân. Các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý nghỉ ở nhà cũng được điều động tăng cường tối đa.
Từng có 20 năm phòng chống dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, cho biết mỗi năm khi vào mùa dịch bệnh là lực lượng y bác sĩ trong khoa đều đuối do ăn ngủ thất thường.
Nhiều người bị bệnh nhưng không được nghỉ, phải lên khoa làm tại chỗ vì thiếu người.
Quan trọng là phòng bệnh
Theo BS Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính.
Việc phòng bệnh là hết sức quan trọng, phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ...
Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng trong và xung quanh nhà. Sử dụng bình xịt côn trùng, kem xua muỗi, ngủ mùng để không bị muỗi chích.
Cả nước có 53.500 ca mắc tay chân miệng
Bệnh nhi điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-10, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết 9 tháng đầu năm cả nước đã có đến 53.500 ca mắc tay chân miệng, 6 bé trong đó đã tử vong.
Điểm khác lạ của mùa dịch này là số mắc gia tăng nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội và có nhiều ca bệnh diễn biến nặng.
"Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng" - ông Phu cho biết.
Cũng theo ông Phu, hiện dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc có dịch sởi. Dịch sởi hiện đã gia tăng tại Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, một số tỉnh miền Trung và miền Nam.
Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm vét cho khu vực miền núi và đang chuẩn bị chiến dịch tiêm vét văcxin sởi diện rộng trên toàn quốc.
Riêng tại Hà Nội, số mắc sởi đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2017 và là mức tăng cao nhất trong 4 năm kể từ 2015 đến nay.
LAN ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận