Chiếc tàu gỗ với 8 thi thể bốc mùi được phát hiện tại Oga, tỉnh Akita ngày 27-11 - Ảnh: REUTERS
Trong khi phía Triều Tiên cho rằng sự xuất hiện của các tàu cá ở gần biển Nhật Bản chẳng qua là do đánh bắt theo mùa, nhưng những lo ngại là có thật ở Nhật Bản.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tàu cá Triều Tiên, một số trống trơn, số khác trôi dạt vào bờ với những thi thể bốc mùi, đã làm dấy lên sự hoang mang của người dân các vùng ven biển Nhật Bản.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tỷ lệ thuận với mối lo gián điệp Triều Tiên xâm nhập bằng đường biển vào Nhật Bản, dẫn đến việc tuần duyên Nhật Bản phải tăng cường tuần tra.
Dù trong một trường hợp bắt gặp được một tàu của hải quân Triều Tiên, họ vẫn không thể ngăn được những hoang mang xuất phát từ những con tàu gỗ của Triều Tiên dạt trên bãi biển.
Tổng cộng, 28 chiếc tàu được cho là của Triều Tiên đã bị phát hiện đang lênh đênh không người điều khiển trên biển hoặc dạt vào bờ Nhật Bản chỉ trong tháng 11-2017, gấp 7 lần cùng thời điểm năm trước.
Một trong số này có một chiếc tàu bằng gỗ, dài khoảng 14m. Lúc bị phát hiện ngoài khơi đảo Hokkaido, trên tàu đang có 14 người. Một tấm biển hình vuông ghi ngắn gọn dòng chữ "Quân đội Nhân dân Triều Tiên, Đơn vị số 854" bằng tiếng Triều Tiên.
Họ được dẫn giải ngay sau đó. Những người đã thẩm vấn họ giữ im lặng khi được báo chí hỏi.
Một chiếc tàu gỗ trôi dạt vào bờ Yurihonjo, tỉnh Akita ngày 24-11 - Ảnh: AP
Một ngày trước khi chiếc tàu đó được phát hiện, người ta tìm thấy một chiếc thuyền khác với 8 thi thể đang bốc mùi trên bãi biển. Những chiếc áo phao có chữ Triều Tiên được tìm thấy bên trong khoang.
"Chính phủ nhận thức được rằng điều này đang gây ra sự lo lắng cực độ cho người dân địa phương. Cảnh sát và tuần duyên đang tích cực phối hợp làm rõ chuyện này. Một khi chúng tôi đã nắm được vấn đề, chúng tôi sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ", Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo đầu tuần này.
"Tôi không muốn làm thổi bùng sự sợ hãi", ông Tetsuro Fukuyama, một nghị sĩ đối lập Nhật Bản nói trong cuộc họp Quốc hội ngày 5-12. Vị này viện dẫn đến trường hợp 8 người đàn ông Triều Tiên bị bắt gặp lang thang trên bờ biển Nhật Bản cách đây không lâu để đặt vấn đề.
"Nguy cơ từ những người này sẽ là gì nếu họ thật sự là những gián điệp vừa mới đổ bộ cho một chiến dịch quân sự đang diễn ra?", ông Fukuyama chất vấn.
Chỉ là tàu cá?
Tuần duyên Nhật Bản theo sát một tàu đánh cá bằng gỗ của Triều Tiên ngoài khơi Matsumae, Hokkaido ngày 29-11 - Ảnh: Tuần duyên Nhật Bản
Các phân tích cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá đang tăng mạnh ở Triều Tiên và việc phải cạnh tranh với các tàu Trung Quốc đã đẩy ngư dân Triều Tiên ra các vùng biển xa bờ hơn trước.
Tờ Rodong Sinmun của chính quyền Triều Tiên hồi tháng trước kêu gọi ngư dân phải chiến đấu vì "cuộc chiến quan trọng" đáp ứng chỉ tiêu thủy sản hàng năm. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng kêu gọi ngư dân đánh bắt xa bờ nên sử dụng các phương tiện lớn hơn, thay cho những con tàu nhỏ chạy bằng động cơ không đáng tin cậy.
"Cá cũng giống như các viên đạn và đạn pháo", tờ Rodong Sinmun viết.
Giáo sư Ken Kotani thuộc đại học Nihon (Nhật Bản), nói rằng ông không nghĩ rằng các tàu thuyền nói trên là dấu hiệu của một chiến dịch gián điệp của Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Satoru Miyamato, giáo sư tại Đại học Seigakuin, cho hay ông nghi ngờ nhu cầu về cá là nguyên nhân khiến nhiều ngư dân Triều Tiên ra khơi trong những chiếc thuyền chật hẹp.
"Số người giàu có (ở Triều Tiên) đang tăng lên và họ đang tìm kiếm một chế độ ăn uống lành mạnh. Câu cá là đáp ứng nhu cầu đó", ông Miyamato nói với hãng tin Reuters.
Vị trí các nơi tàu gỗ nghi của Triều Tiên bị trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản trong tháng 11 - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận