30/05/2021 10:07 GMT+7

Tàu sân bay Mỹ vắng bóng tại châu Á

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Hải quân Mỹ sẽ đối mặt với sự thiếu hụt lực lượng lớn trong vài tháng tới, khi tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều động tham gia hỗ trợ quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Tàu sân bay Mỹ vắng bóng tại châu Á - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (phải) tiếp nhiên liệu từ tàu hậu cần USNS Pecos trên biển Philippines ngày 27-5 - Ảnh: US NAVY

Đài CNN ngày 28-5 dẫn 2 nguồn tin quân đội giấu tên cho biết tàu USS Ronald Reagan đang sẵn sàng khởi hành đến Afghanistan trong vài ngày tới. Cùng ngày 28-5, Hải quân Mỹ phát đi hình ảnh con tàu này đang di chuyển trên biển Philippines nên có thể sẽ tiến vào Biển Đông cuối tuần này.

Tín hiệu sai tới đồng minh châu Á?

Đây có thể sẽ là lần cuối cùng người ta thấy tàu sân bay Mỹ tại Biển Đông trước khi nó quay trở lại vào tháng 9 tới. USS Ronald Reagan là tàu sân bay thường trú duy nhất của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, với cảng nhà là căn cứ Yokosuka tại Nhật Bản.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt kế hoạch rút hết quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 năm nay, do đó khả năng USS Ronald Reagan sẽ ở lại Afghanistan cho đến thời điểm này. Hiện chưa rõ có bao nhiêu khu trục hạm và tuần dương hạm theo hộ tống USS Ronald Reagan.

Nhóm tàu sân bay này sẽ giải tỏa bớt áp lực cho các tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower. Theo tạp chí Wall Street Journal, tàu Dwight D. Eisenhower đã được điều động tới hai lần trong 36 tháng qua nên sẽ không đảm bảo an toàn nếu kéo dài nhiệm vụ qua mùa hè.

Việc USS Ronald Reagan tới vịnh Ba Tư sẽ giúp Mỹ tăng cường khả năng răn đe và bảo vệ binh sĩ tại Afghanistan trong suốt giai đoạn rút quân. Song điều đó cũng sẽ bỏ lại khoảng trống lớn về lực lượng tàu sân bay tại Đông Á, nơi tập trung các đồng minh và cam kết an ninh của Mỹ.

Trao đổi với Đài CNN, học giả Thomas Shugart thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng việc Mỹ đưa tàu USS Ronald Reagan tới khu vực khác khiến Washington đang tự mâu thuẫn.

"Chiến lược quốc phòng quốc gia gần đây đã nêu rõ cần ưu tiên đối phó các thách thức quân sự từ Trung Quốc thay vì can dự vào Trung Á và Trung Đông. Tôi thực sự hơi ngạc nhiên khi thấy Lầu Năm Góc quyết định rút USS Ronald Reagan khỏi khu vực" - ông Shugart bình luận.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng Trung Quốc sẽ nhân đó mà nói rằng Mỹ không thể thực hiện các cam kết quân sự ở châu Á.

"Sự vắng mặt của các tàu sân bay Mỹ sẽ là nhiên liệu thú vị cho bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh. Các nước trong khu vực sẽ cảm thấy lo lắng về lỗ hổng trong thế trận quân sự của Mỹ ở châu Á khi không có tàu sân bay" - ông Koh nói.

Mỹ đã có giải pháp?

Các tàu sân bay Mỹ đóng vai trò lớn trong việc duy trì khả năng răn đe ở châu Á - Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ có thể ngay lập tức phản ứng trước các sự cố trong khu vực, từ biển Hoa Đông đến Biển Đông, khi có tàu sân bay tại khu vực.

Theo tính toán của Hạm đội 7 (Mỹ), sẽ mất tới 17 ngày hoặc hơn để điều một nhóm tàu sân bay từ lãnh thổ chính của Mỹ đến Đông Á. Không chỉ đưa ra các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh còn duy trì 2 tàu sân bay rất gần khu vực tranh chấp.

Tuy vậy, theo cựu sĩ quan Carl Schuster của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, dù sẽ không còn tàu sân bay nào ở Đông Á, Lầu Năm Góc vẫn còn nhiều phương tiện khác để huy động mà vẫn đủ sức răn đe.

Hải quân Mỹ vẫn còn một tàu đổ bộ tấn công thường trú tại Nhật Bản nên có thể tạm thời lấp vào khoảng trống USS Ronald Reagan bỏ lại. Thiết kế đặc biệt của tàu đổ bộ tấn công này cho phép nó mang theo các tiêm kích tối tân F-35B nên khả năng răn đe sẽ không suy giảm đáng kể.

"Tôi nghĩ không quân Mỹ sẽ gửi máy bay ném bom qua Biển Đông trong khi tàu USS Ronald Reagan đi vắng. Dù điều này không tạo ra sự hiện diện thường xuyên giống như tàu sân bay, song các oanh tạc cơ vẫn có thể gửi cùng một thông điệp chính trị giống như tàu sân bay Mỹ" - ông Schuster lập luận với Đài CNN.

Trong khi đó, cây bút Henry Olsen của tờ Washington Post cho rằng sự vắng mặt của tàu sân bay Mỹ là hệ quả của những đầu tư quân sự dàn trải trước đây. Theo ông, trước các đe dọa mới từ Trung Quốc, Mỹ cần phải tăng ngân sách quốc phòng hơn nữa, tập trung đóng thêm nhiều tàu chiến.

"Không ai muốn chạy đua vũ trang, nhưng về mặt địa chính trị, chỉ cần một nước lớn khởi xướng thì cuộc đua sẽ bắt đầu. Mỹ phải tham gia cuộc chơi đó hoặc đối mặt với nguy cơ thua trận" - ông Olsen bình luận.

Anh sẽ hỗ trợ Mỹ

Thời gian tàu sân bay USS Ronald Reagan vắng mặt ở Đông Á trùng với thời gian nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông. Đây là đội tàu chiến "lớn nhất một thế hệ" mà Anh gửi đến châu Á để thúc đẩy chiến lược tham gia nhiều hơn vào khu vực.

Lầu Năm Góc đã đóng góp vào sứ mệnh hàng hải này 1 tàu khu trục và 10 tiêm kích F-35B hoạt động trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay Anh sẽ bù đắp khoảng trống của tàu sân bay Mỹ.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ghé Biển Đông, Anh Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ghé Biển Đông, Anh 'xoay trục' về Châu Á?

TTO - Sự hiện diện của nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Biển Đông là tín hiệu 'xoay trục' của Vương quốc Anh về châu Á, đánh dấu cột mốc quan trọng cho chiến lược 'Nước Anh toàn cầu' (Global Britain).

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp