Tàu “hải cảnh” 13 là tàu chiến giả dạng, dẫn đầu một nhóm tàu Trung Quốc các loại lao ra truy cản các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam - Ảnh: My Lăng |
Sáng 14-6, các biên đội tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam vẫn tiếp tục cơ động tìm cách đi sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 để tuyên truyền, xua đuổi các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Pháo được che kín
Khi các biên đội tám chiếc tàu kiểm ngư và cảnh sát biển, trong đó có tàu KN 22, nhận lệnh theo hướng đông đông nam tiến vào giàn khoan thì chạm trán ngay một đội tàu hơn 10 chiếc của Trung Quốc lao ra cản trở, thậm chí tàu “hải cảnh” số hiệu 13 còn tìm cách áp sát, đe đọa tàu cảnh sát biển 4032.
Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt - hải đội trưởng hải đội 201 Vùng cảnh sát biển 2 - cho biết Trung Quốc đã điều hai tàu mới là tàu hải cảnh 2166 và 31 lần đầu tiên xuất hiện trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu “hải cảnh” số hiệu 13 thực chất là tàu pháo giả dạng, bởi trên tàu này có gắn bốn buồng pháo loại 76 li bố trí ở phía trước mũi tàu, sau lái. Còn trên nóc cabin có hai khẩu đang được che kín. Lúc 11g05, tàu 4032 phát hiện tiếp một tàu pháo của Trung Quốc mang số hiệu 839 chạy với tốc độ cao xen lẫn trong đội hình tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Cách khu vực giàn khoan 4 hải lý, một tốp tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc tự bật vòi rồng phun với nhau mà không rõ lý do. Trong sáng 14-6, tàu cảnh sát biển 4032 là tàu áp sát sâu nhất vào khu vực giàn khoan với khoảng cách chừng 8,5 hải lý. Tàu cảnh sát biển 4032 đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát. Sau một hồi bám đuổi nhưng bất thành, các tàu Trung Quốc rút lui trở lại khu vực giàn khoan, trong khi đó các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư trong biên đội tàu KN 22 được lệnh rút ra khỏi khu vực giàn khoan chừng 13 hải lý. Đến 9g05, các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đã thoát khỏi vòng vây an toàn. Trưa 14-6, gió ở khu vực Hoàng Sa tiếp tục thổi mạnh trở lại.
Dàn hàng dọc
Đến 17g ngày 14 -6, tại khu vực Hoàng Sa biển động mạnh nên các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam được lệnh tiếp tục nằm vòng ngoài chờ cơ hội tiến sát vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan
Theo phân tích của các kiểm ngư viên trên tàu KN 22, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật, thay vì đưa tàu hải cảnh ra vòng ngoài, tổ chức đâm húc các tàu Việt Nam thì lần này Trung Quốc lại đưa toàn bộ các tàu có khả năng đâm va mạnh, tầm sát thương cao ra vòng ngoài gây cản trở không nhỏ cho tàu thực thi pháp luật của Việt Nam làm nhiệm vụ. Hôm qua, Trung Quốc cũng đưa một máy bay cánh bằng bay một vòng xung quanh khu vực giàn khoan để quan sát và thị uy.
Thiếu tá Hoàng Quốc Đạt cho biết ngày 14-6, các tàu Trung Quốc đã dàn hàng dọc để cản trở các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Trung Quốc đã bố trí cho tàu tốc độ chậm đi trước, tàu tốc độ nhanh đi sau với ý đồ có thể mở đường cho tàu của Việt Nam vào để rồi tàu lớn vây ép, tàu nhỏ đâm va. Đoán trước ý đồ đó, tàu cảnh sát biển 4032 đã xử lý tình huống để không rơi vào bẫy của các tàu Trung Quốc.
Ngư dân đấu tranh đòi ngư trường Trong ngày 14-6, các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường gần khu vực giàn khoan 981, tổ chức các hoạt động đấu tranh với cường độ cao ở khu vực cách giàn khoan 8-11 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các tàu cá của ngư dân ta vẫn tiếp tục bám trụ tại ngư trường truyền thống của mình, cách giàn khoan 35-40 hải lý để tổ chức đánh bắt thủy sản và đấu tranh phản đối Trung Quốc, đòi ngư trường. ĐỨC BÌNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận