20/10/2021 13:08 GMT+7

Tàu ngầm - bí ẩn cuộc chiến dưới đáy đại dương - Kỳ 1: David Bushnell, cha đẻ tàu ngầm tấn công

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tháng 9-2021, Úc hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm diesel-điện của Pháp để chọn tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh. Tàu ngầm ban đầu bị xem là vũ khí lén lút của bọn hải tặc và đã từng bị Mỹ, Anh, Pháp chê bai.

Tàu ngầm - bí ẩn cuộc chiến dưới đáy đại dương - Kỳ 1:  David Bushnell, cha đẻ tàu ngầm tấn công - Ảnh 1.

Dần dà từ tàu ngầm chạy bằng sức người đã tiến tới thế hệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và trở thành vũ khí chiến lược...

Ngày 7-5-2021, trong buổi lễ đặc biệt tại Nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk, đô đốc - tổng tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Yevmenov tuyên bố tàu ngầm phóng tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan đã chính thức gia nhập Hải quân Nga. 

Tàu ngầm Kazan được hạ thủy vào cuối tháng 3-2017, trang bị các tên lửa hành trình Oniks và Kalibr, sau này sẽ được nâng cấp trang bị tên lửa siêu thanh Zircon.

Đây là chiếc đầu tiên trong 8 tàu ngầm hiện đại lớp Yasen-M của Nga (dự án 885M) được hạ thủy. Tạp chí Futura Sciences (Pháp) đã gọi Kazan là tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới hiện nay. Nhiều tướng lĩnh Nga cũng nói rằng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của họ... "không có đối thủ".

Nông dân chế tạo tàu ngầm

Lịch sử phát triển tàu ngầm tấn công khởi đầu cách đây 245 năm, với vụ tàu ngầm Turtle (Con rùa) chạy bằng sức người do nhà phát minh David Bushnell chế tạo đã tấn công soái hạm HMS Eagle của Hải quân Anh ở cảng New York vào thời Bắc Mỹ còn là thuộc địa của đế chế Anh hùng mạnh. 

Vụ tấn công bằng tàu ngầm đầu tiên này trên thế giới đã không thành công.

David Bushnell chào đời năm 1740, là anh cả trong một gia đình nông dân tại Saybrook (nay là Westbrook) thuộc thuộc địa Connecticut. Sau khi Bushnell mất cha và các em gái, người mẹ sớm lập gia đình mới, để lại trang trại cho hai con trai Bushnell và Ezra. Người anh Bushnell bán phân nửa trang trại phần mình cho em trai để lấy tiền theo học Đại học Yale dù lúc đó đã 31 tuổi.

Tại trường đại học, Bushnell say mê khám phá khoa học tự nhiên trong thư viện đầy đủ tài liệu khoa học chuẩn mực của thế kỷ 18. Bushnell từng thử nghiệm cho thuốc nổ phát nổ dưới nước, khiến nhiều sinh viên phải kinh ngạc. 

Tháng 4-1775, năm đại học cuối cùng của Bushnell, tin tức về chiến sự ở Lexington và Concord gây rúng động Connecticut. Các trận đánh này đã mở màn cho Cách mạng Mỹ (năm 1775-1783) với 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ tuyên bố độc lập năm 1776 và thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. 

Trường đại học đóng cửa sớm, Bushnell quay về quê nhưng vẫn say mê nghiên cứu một loại tàu chở theo thuốc nổ chạy dưới nước.

Các nhà sử học không rõ khi nào Bushnell bắt đầu chế tạo tàu ngầm, mà chỉ biết tàu ngầm được đưa ra giới thiệu vào mùa thu năm 1776 với tên gọi tàu ngầm Turtle. 

Tàu ngầm dài 2,4m, rộng 0,9m, cao 1,8m, trông ngoại hình giống như hai mai rùa ghép lại với nhau. Thân tàu bằng gỗ sồi được các vòng sắt siết chặt như thùng rượu vang. Các bộ phận cơ khí do các thợ làm đồng hồ và chế tác chuông có tay nghề cao thực hiện.

Bushnell phải xử lý nhiều thách thức kỹ thuật để con tàu do một người lái có thể lặn xuống, nổi lên, tiến tới, lùi lại, chở theo mìn, có đầy đủ ánh sáng và không khí, định hướng và đo độ sâu. 

Người lái dùng bàn đạp bơm nước vào/ra két nước dằn để tàu nổi lên/chìm xuống, di chuyển, dùng tay quay và chân khởi động chân vịt phía trước tàu để đẩy tàu tiến lên/lùi lại. Chân vịt thứ hai phía trên tàu giúp đẩy tàu nổi lên. 

Ánh sáng chiếu qua các cửa sập nhỏ. Không khí vào qua hai ống thở, ống thở đóng lại lúc tàu lặn. Do không khí không nhiều vì kích thước tàu nhỏ nên tàu di chuyển nửa nổi nửa chìm và chỉ lặn xuống để tránh bị phát hiện và khi gài mìn.

Quả mìn giống thùng rượu vang dài 0,76m, đường kính 0,45m, chứa 68kg thuốc nổ. Để khai hỏa mìn và xác định thời điểm mìn nổ, hai thợ đồng hồ Isaac Doolittle và Phineas Pratt tận dụng chức năng đo thời gian của kim đồng hồ để kích hoạt cơ chế điểm hỏa như súng hỏa mai. 

Đá lửa đập vào sắt tạo ra tia lửa đốt cháy lớp thuốc súng mồi rồi từ đó đốt cháy thuốc nổ. Người lái tàu kích hoạt cơ chế hẹn giờ khi gài mìn để có đủ thời gian rời khỏi khu vực.

Tàu ngầm - bí ẩn cuộc chiến dưới đáy đại dương - Kỳ 1:  David Bushnell, cha đẻ tàu ngầm tấn công - Ảnh 2.

Bản vẽ tàu ngầm Turtle - Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

3 vụ tấn công tàu Anh

Tàu ngầm Turtle được vận chuyển từ trang trại em trai Ezra của David Bushnell ra sông Connecticut để thử nghiệm và huấn luyện điều khiển tàu. Lái tàu ngầm đòi hỏi phải có thể lực và sức chịu đựng nên Ezra đảm trách công việc này. 

Theo nhà bảo tồn Brenda Milkofsky - nguyên giám đốc sáng lập Bảo tàng sông Connecticut viết trên trang connecticuthistory.org, lúc bấy giờ nhà phát minh Benjamin Franklin đã biết đến dự án, đồng thời tướng George Washington và Thống đốc Jonathan Trumbull đều ủng hộ.

Tháng 6-1776, các tàu chiến và tàu vận tải Anh chở 50.000 quân phong tỏa cảng New York. Bushnell tin rằng có thể sử dụng tàu ngầm Turtle đánh chìm soái hạm HMS Eagle của đô đốc Anh Richard Howe. Chẳng may khi tàu ngầm từ sông Connecticut ra đến New York, Ezra lại bị sốt. 

Không muốn chờ cơ hội khác, Bushnell đề đạt với tướng Samuel Parsons, chỉ huy trung đoàn lục địa số 10 ở New York, tìm người. Trong số người  tình nguyện, Bushnell đã chọn trung sĩ Ezra Lee.

Sau hai tuần huấn luyện, kế hoạch đặt mìn đánh chìm tàu chiến Anh được tiến hành vào ngày 7-9-1776. Ezra Lee mô tả như sau: "Chúng tôi khởi hành từ thành phố, các tàu đánh cá voi kéo tàu ngầm đến gần tàu chiến đến mức có thể rồi thả tôi đi. 

Tôi nhanh chóng nhận ra còn quá sớm vì thủy triều lên đẩy tàu ngầm đến gần các tàu [vận tải]. Tôi lảng tránh và chèo suốt  2 tiếng rưỡi trước khi thủy triều rút xuống để có thể cập vào tàu chiến...".

Không thể chèo ngược thủy triều ("chèo" nghĩa là dùng chân lắc cần đạp và  quay tay quay), Lee cho tàu nổi lên để tránh bị nước cuốn. Đến lúc thủy triều xuống, Lee điều khiển tàu ngầm áp sát soái hạm HMS Eagle. Mặt trời ló dạng, Lee bắt đầu kiệt sức. 

Lee mô tả: "Khi chèo dưới đuôi tàu, tôi có thể nhìn thấy người, boong tàu và nghe họ nói chuyện. Tôi đóng các cửa sập lại, lặn xuống rồi nổi lên ngay dưới đáy tàu, dùng vít khoan vào vỏ tàu nhưng phát hiện khoan không thủng". 

Thiết bị khoan hoạt động từ bên trong tàu ngầm không thể xuyên qua thân soái hạm có bọc kim loại nên không thể gắn mìn.

Ánh nắng chiếu xuyên qua mặt nước, Lee quyết định đưa tàu ngầm vào bờ nhưng đã bị phát hiện. Các tàu Anh rời khỏi bờ, tiến về hướng Lee. Nhiều binh lính Anh leo lên pháo đài quan sát. Lee gỡ quả mìn bỏ lại. Một giờ sau khi Lee rút lui, quả mìn phát nổ nhưng không gây thiệt hại gì.

Sau vụ nổ mìn này, Hải quân Anh bắt đầu cảnh giác. Tàu ngầm Turtle tấn công tàu chiến Anh trên sông Hudson thêm một lần nữa nhưng thất bại. Tàu ngầm do Lee điều khiển bị phát hiện rồi bị thủy triều cuốn xa mục tiêu. 

Đến lần tấn công thứ ba, người lái tàu Phineas Pratt cũng không thành công vì tàu ngầm bị lộ dưới ánh trăng và bị bắn. Vài ngày sau, Hải quân Anh đánh chìm được một số tàu, trong đó có tàu chở tàu ngầm Turtle.

Tàu ngầm - bí ẩn cuộc chiến dưới đáy đại dương - Kỳ 1:  David Bushnell, cha đẻ tàu ngầm tấn công - Ảnh 3.

Tranh mô tả tàu ngầm Turtle gắn mìn vào soái hạm HMS Eagle - Ảnh: warfarehistorynetwork.com

Chiến tranh giành độc lập của Mỹ kết thúc, em trai Ezra qua đời năm 1786, David Bushnell rời Connecticut đến Warrenton (bang Georgia) giảng dạy tại Trường Franklin College (Đại học Georgia) và tiếp tục nghiên cứu mìn dưới nước.

Ít lâu trước khi qua đời năm 1826, ông đã liên lạc với Bộ Hải quân Mỹ để giới thiệu dự án ngư lôi nổi.

Phát minh về tàu ngầm Turtle và mìn dưới nước của Bushnell đã được chính thức công bố lần đầu tiên vào năm 1798. Bushnell đã được tôn vinh là cha đẻ của tàu ngầm tấn công.

Tàu ngầm đã từng bị giới quân sự chê bai thậm tệ nhưng chẳng mấy chốc đã trở thành vũ khí chiến thuật phòng thủ. Kỹ thuật chế tạo tàu ngầm cũng phát triển vượt bậc.

Kỳ tới: Tàu ngầm từng bị chê bai

Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 1: Buồng lặn cứu mạng 33 người Ly kỳ giải cứu tàu ngầm dưới biển khơi - Kỳ 1: Buồng lặn cứu mạng 33 người

TTO - Từ một số vụ giải cứu tàu ngầm thành công, đến nay việc cứu nạn thủy thủ tàu ngầm đã phát triển mạnh về công nghệ và hợp tác quốc tế nhưng hiểm nguy vẫn luôn ẩn hiện dưới đáy sâu đại dương.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp