Ngày 29-4, đại tá Trần Tuấn Anh - chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, cho biết cơ quan chức năng dừng tìm kiếm 5 ngư dân mất tích sau khi tàu kéo và sà lan chìm ở khu vực biển cách đảo Lý Sơn 3 hải lý về phía Bắc.
Khả năng sống sót rất thấp
"Khả năng 5 thuyền viên mất tích còn sống sót rất thấp. Vì vậy biên phòng quyết định dừng tìm kiếm, đưa các tàu chức năng về đảo Lý Sơn ứng trực, sẵn sàng ứng phó khi có diễn biến mới.
Chúng tôi cũng chỉ đạo các đồn biên phòng dọc bờ biển Quảng Ngãi tăng cường tuần tra tìm kiếm các thuyền viên", đại tá Tuấn Anh nói.
Trước đó, trưa 23-4, đại diện Công ty TNHH Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu kéo và sà lan gặp nạn chở đá hộc từ đất liền ra đảo Lý Sơn) đến cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) làm thủ tục xuất bến cho tàu.
Danh sách thuyền viên có 5 người, gồm: ông Phạm Văn Hiệp (51 tuổi, trú Long An), thuyền trưởng; ông Võ Tấn Khương, máy trưởng; Võ Văn Nhiều, thợ máy; Bùi Minh Trí, thủy thủ (cả 3 cùng trú huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) và thủy thủ Đặng Minh Phương (trú Long An).
Trưa 23-4 tàu kéo sà lan chở theo 1.200 tấn đá hộc từ cảng Kỳ Hà đi Lý Sơn.
Tối cùng ngày, ông Nhiều, ông Trí, ông Khương có liên lạc với gia đình, thông báo sắp về đến Lý Sơn.
Đến 4h sáng 24-4, tàu kéo và sà lan gặp nạn khi cách đảo Lý Sơn 3 hải lý về phía Bắc.
Lực lượng chức năng tìm kiếm vớt được 4 thi thể, gồm: Trần Minh Phúc (trú Quảng Ngãi), Võ Như Song (trú Tiền Giang) và Đặng Văn Ước, Đặng Văn Nhung (cùng trú Long An).
Những người này không có tên trong danh sách rời cảng Kỳ Hà.
Lực lượng chức năng phát hiện có nhân chứng nhìn thấy thời điểm biên phòng kiểm tra tàu kéo sà lan, có 4 người nói giọng miền Tây qua tàu Mỹ An 26 neo gần đó. Khi tàu kéo sà lan nổ máy rời cảng đã chở theo 4 người này.
Tại sao tàu và sà lan chìm nhanh đến mức không ai kịp thoát thân?
Đến giờ, vấn đề khó lý giải là nguyên nhân nào khiến tàu kéo bị chìm nhanh đến mức các thuyền viên không thoát ra được.
Và việc sà lan lật úp cũng khó lý giải bởi nguyên lý sà lan rất khó lật úp, nhất là trên sà lan có 1.200 tấn đá.
Kiểm tra thời tiết khu vực rất ổn định, các thiết bị giám sát hàng hải không ghi nhận được tàu thuyền nào lớn đi qua khu vực, giả thuyết tai nạn không xảy ra.
Sau khi xảy ra tai nạn, đội thợ lặn chuyên nghiệp đã lặn xuống độ sâu 45m nơi tàu kéo bị chìm và khu vực đá hộc đổ xuống đáy biển nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường.
Gia đình 3 thuyền viên người Lý Sơn đăng ký rời cảng đã đến cơ quan chức năng xác nhận việc những người này có đi trên tàu.
Điều này giúp cơ quan chức năng bước đầu loại bỏ khả năng thuyền viên đăng ký một đường, thực tế lái tàu một nẻo.
Tất cả chung nhận định trên tàu có 9 người, khả năng 5 thuyền viên mất tích còn sống là rất thấp.
Một thông tin liên quan, dữ liệu trên trang Marine Traffic cho thấy tín hiệu cuối cùng của tàu kéo sà lan gặp nạn được phát lúc gần 2h sáng 24-4. Vị trí được trang này xác định cách đảo Lý Sơn 5km về phía Đông Bắc.
Đây là vụ việc đau lòng, số lượng người chết, mất tích lớn. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc, điều tra nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn và những bí ẩn liên quan đến vụ tàu kéo và sà lan bị chìm.
Dù dừng tìm kiếm quy mô lớn, nhưng Biên phòng Quảng Ngãi vẫn liên tục kết nối với ngư dân và tàu khai thác trên biển phải lập tức thông báo nếu phát hiện bất thường. Các tàu cứu hộ ứng trực ở đảo Lý Sơn ngay lập tức sẽ nhận thông tin và đến hiện trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận