26/01/2015 12:02 GMT+7

​Tàu ghe vô tư chở quá tải

NGỌC ẨN - VÂN TRƯỜNG
NGỌC ẨN - VÂN TRƯỜNG

TT - Tàu ghe chở hàng quá tải đang trở thành chuyện bình thường trên các tuyến sông, kênh từ TP.HCM về các tỉnh miền Ðông, miền Tây và ngược lại...

Đội thanh tra số 2 thanh tra Sở GTVT đang kiểm tra các phương tiện đường thủy - Ảnh: N.Ẩn

Biết là như vậy nhưng dường như các cơ quan chức năng đều bất lực.

Ông Trần Ðỗ Liêm (phó chủ tịch Hiệp hội Ðường thủy nội địa VN) cho biết sau một thời gian nhiều sà lan bị “xẻ thịt” bán sắt vụn, nay nhu cầu vận tải đường thủy tăng trở lại.

“Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là xuất khẩu cát sang Singapore, xuất khẩu đá sang Campuchia tăng. Nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi từ Campuchia về VN cũng tăng. Ðặc biệt là nhu cầu cát san lấp tại TP.HCM và miền Ðông đang tăng mạnh” - ông Liêm phân tích.

Trước tình hình như vậy, nếu không siết chặt kỷ cương thì chuyện tàu ghe hay sà lan chở hàng quá tải là điều tất yếu diễn ra.

Chở đúng tải không có ăn

Trong những ngày giữa tháng 1 này, trên kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), sà lan chở cát chạy ken đặc từ hướng miền Tây về TP.HCM, còn sà lan chở đá và tàu chở container chạy hướng ngược lại. Dù đây là tuyến đường thủy độc đạo nhưng luồng tàu chạy qua khu vực này có 10km rất hẹp, chỉ 27m. Tàu ghe, sà lan phải chạy với tốc độ rất chậm, xếp hàng nối đuôi nhau.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi ngày có trên dưới 1.400 phương tiện vận tải lưu thông qua kênh Chợ Gạo.

Ðiều dễ nhìn thấy là phần lớn sà lan chở cát và đá qua kênh Chợ Gạo đều trong tình trạng khẳm, tức chở quá tải. Mớn nước mấp mé, thậm chí ngập luôn phần lối đi hai bên mép sà lan.

Một tài công giải thích: “Chở đúng tải thì không có ăn. Vả lại từ sông Tiền, sông Hậu về đến TP.HCM ít sóng, chở khẳm chút đỉnh cũng không sợ chìm. 10 chiếc sà lan trên sông thì có tới chín chiếc chở dư tải”.

Theo Phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang, chỉ riêng năm 2014 lực lượng CSGT tại các trạm từ Mỹ Thuận đến Chợ Gạo lập biên bản xử lý trên 13.140 phương tiện, lỗi vi phạm chủ yếu là chở quá tải.

Theo một cán bộ ngành đường sông, phần lớn chủ phương tiện chở hàng quá tải đều được sự “đồng thuận ngầm” của đơn vị quản lý cấp phép.

Một sà lan chở quá tải rất dễ phát hiện, chỉ cần nhìn vạch sơn mớn nước ở thân tàu hoặc sà lan là có thể xác định rõ. Vị này còn nói có xử phạt phương tiện chở quá tải thì cũng chẳng đủ để răn đe. Mức xử phạt chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/lần vi phạm, phạt tái phạm 3 triệu đồng là quá thấp.

Khó xử lý

Ông Vũ Kim Lân, đội trưởng đội 2 thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho rằng 100% phương tiện thủy chở vật liệu xây dựng trên các sông rạch TP đều chở quá tải. Nhưng việc xử phạt hoàn toàn không đơn giản.

Theo thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cơ quan này không có chức năng dừng phương tiện thủy đang chạy để kiểm tra, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Trong trường hợp xác định rõ phương tiện vi phạm thì cũng không xử phạt được bởi chủ phương tiện thường có sẵn biên bản xử phạt ghi rõ vi phạm chở hàng quá tải do một cơ quan chức năng kiểm tra trên sông ở các địa phương khác cấp.

Theo quy định, một lỗi chỉ xử phạt một lần, không thể xử phạt lần nữa. Các chủ ghe, sà lan chở hàng hóa quá tải đều biết rất rõ điều này, nên cứ vô tư chở hàng từ Kiên Giang về TP.HCM qua các tỉnh Ðồng Tháp, Tiền Giang, Long An.

“Với tờ biên bản xử phạt trong tay, chẳng khác nào lá “bùa” hoặc tờ giấy cho phép chở hàng quá tải trên tất cả tuyến sông rạch từ TP.HCM, các tỉnh miền Ðông đi các tỉnh miền Tây và ngược lại” - một cán bộ thanh tra Sở GTVT TP nói.

Tại sao chỉ xử phạt tiền phương tiện thủy chở hàng quá tải mà không áp dụng biện pháp hạ tải?

Ông Vũ Kim Lân nói việc hạ tải trên tuyến đường thủy khó khăn hơn tuyến đường bộ. Các phương tiện thủy có sức chở hàng ngàn tấn hàng, thường chở quá tải đến vài trăm tấn, trong khi đó ngành chức năng chưa được đầu tư bến bãi và trang thiết bị (xe cẩu) hạ tải.   Việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện thủy vi phạm cũng rất khó, cả TP.HCM chỉ có một địa điểm ở Q.8 với mặt bằng hẹp.

Theo ông Phan Văn Duy - cục phó Cục Ðường thủy nội địa VN Bộ GTVT, khẳng định đã yêu cầu các sở GTVT phải quyết liệt và tăng cường xử phạt phương tiện thủy chở hàng hóa quá tải. Cục yêu cầu các lực lượng chuyên ngành thanh tra, lực lượng cảng vụ khu vực tổ chức kiểm tra kiểm soát ngay từ đầu ở các bến. Kiên quyết không cấp phép cho phương tiện chở hàng quá tải rời bến cảng.

Theo ông Duy, Cảng vụ Ðường thủy nội địa khu vực 3 đã yêu cầu các bến cảng thực hiện cam kết không xếp hàng quá tải lên các phương tiện thủy, đây là một trong những biện pháp xử lý phương tiện thủy chở hàng quá tải.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ngoài các nhánh sông Tiền, sông Hậu, ĐBSCL có vô số tuyến kênh ngang dọc là những trục giao thông thủy huyết mạch. Dọc nhiều tuyến kênh lớn tại An Giang, Kiên Giang như Cái Sắn, Tri Tôn, Thoại Hà... đều thấy những dãy nhà sàn, nhà bêtông kiên cố xây lấn ra lòng kênh. Kèm theo đó là vô số bến bãi, băng tải lên hàng của các nhà máy chế biến lúa gạo, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng nhiều tàu thuyền neo đậu.

Theo báo cáo của Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 13, các tuyến trên địa bàn Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đều bị lấn chiếm. Trong số 20.000 căn nhà, công trình kiến trúc xâm phạm hành lang bảo vệ luồng có những công trình lấn từ bờ ra 12-15m, khoảng cách từ công trình đến mép luồng chỉ còn 1-2m.

Trong khi đó, theo thanh tra Sở GTVT TP.HCM, kênh rạch TP đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông thủy. Cụ thể là các tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, rạch Ông Lớn, kênh Cây Khô và sông Chợ Đệm trên 30 năm nay không được nạo vét. Các tuyến sông, kênh rạch này đang bị bồi lắng, cạn, luồng hẹp.

Tại Kiên Giang, theo Ban an toàn giao thông Kiên Giang, kết quả thống kê mấy năm gần đây cho thấy phần lớn vụ tai nạn giao thông đường thủy đều có nguyên nhân do phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ theo quy định.

Ông Lê Việt Bắc, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, cho biết đến thời điểm này Chi cục Đăng kiểm đã cấp chứng nhận cho khoảng 83% phương tiện giao thông đường thủy (toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 phương tiện giao thông thủy nội địa đã được thống kê). Nhưng đây chỉ là con số thống kê tương đối, bởi rất khó thống kê chính xác tổng số phương tiện giao thông thủy đang lưu hành.

Đ.VỊNH - K.NAM - V.TRƯỜNG - N.ẨN

NGỌC ẨN - VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp