"Hộp đen" mà ông Mười vừa nhắc là thiết bị nhận dạng tự động (AIS) - một thiết bị bắt buộc phải có theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, áp dụng từ đầu năm 2023 với tàu chở khách du lịch từ 12 chỗ ngồi trở lên. Tàu trên 20 chỗ ngồi phải có thêm bộ đàm.
Chỉ chạy vài kilômet đường sông
Hơn hai năm qua, chiếc tàu du lịch hơn 30 chỗ ngồi của gia đình ông Mười chủ yếu nằm bờ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Nguồn thu dường như không có đồng nào, nhưng tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải trả. Giờ phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng để lắp đặt thiết bị AIS nữa thì không biết phải làm sao", ông Mười nói.
Theo ông Mười, việc lắp đặt đủ thiết bị AIS và bộ đàm tốn khoảng 22 triệu đồng, chưa kể tiền phí để duy trì thiết bị và phí hòa mạng 1,5 triệu đồng/năm trong khi tàu chỉ chạy loanh quanh vài km.
"Tàu tôi chỉ chạy trên một đoạn sông ngắn, đông người, nếu có gì chỉ cần kêu lên hay gọi điện cho nhau là xử lý được rồi", ông Mười cho biết.
Ông Phan Văn Thông, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre, cho biết địa phương này đang có khoảng 500 tàu phục vụ du lịch trên sông, với hơn một nửa phải lắp đặt thiết bị AIS và bộ đàm theo quy định.
"Ngành du lịch chỉ vừa mới phục hồi sau dịch, việc yêu cầu phải bỏ ra một số tiền lớn để lắp đặt thiết bị AIS và bộ đàm sẽ khiến các chủ tàu thêm khó khăn", ông Thông nói.
Ông Nguyễn Minh Toàn, một chủ tàu du lịch tại Tiền Giang, cho rằng thiết bị này chỉ phù hợp với tàu, thuyền chở du khách trên biển, ra các đảo... Còn các tuyến du lịch trên sông, rạch ở miền Tây chỉ trong bán kính vài km nên không cần thiết.
"Khi cần trao đổi thông tin hoặc hỗ trợ nhau, đã có các nhóm trên Zalo, thậm chí với khoảng cách gần, gọi nhau cũng nghe", ông Toàn nói.
Gánh nặng chi phí
Vừa cho cập bến sau một chuyến đưa khách ra chợ nổi Cái Răng, anh N.T.T. (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) than chưa biết đào đâu ra 22 triệu để gắn thiết bị. "Chạy tàu "bữa đực bữa cái", chủ yếu chở khách dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ, chưa kể khi máy móc hư phải sửa hoặc bảo dưỡng tàu... chi phí đội lên quá xá...", anh T. kể.
Theo anh H.V.Đ., một chủ tàu khác, tàu này chỉ chở du khách từ bến Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn hoặc Cù Lao Mây (Vĩnh Long) quãng đường di chuyển chỉ 8km, tàu chạy gần gần nhau. Việc lắp thiết bị giám sát không thực sự cần thiết, chưa kể khả năng bị mất cắp hoặc hư hỏng do tàu không có người giữ mà chỉ để tại bến.
"Việc đưa đón khách chỉ ăn theo tour, có khi 2 tour/ngày mà cũng có khi chỉ 1 tour/ngày. Chưa kể tiền tài công, bến bãi, dầu, bảo dưỡng tàu... Tiền vô nhỏ giọt vậy mà phải bỏ ra hai mươi mấy triệu để gắn thiết bị, tôi chưa biết đào đâu ra tiền...", anh Đ. nói.
Ông N.H.T., giám đốc một công ty du lịch tại Cần Thơ, cho biết công ty ông có ba chiếc tàu (25 chỗ), chủ yếu đưa đón khách từ bến Ninh Kiều, chỉ hoạt động từ 5h - 10h sáng, chở được nhiều nhất là hai đoàn khách và nằm bờ vào mùa mưa. "Việc chi hơn 60 triệu để gắn AIS cho ba chiếc sẽ là một gánh nặng trong thời buổi khó khăn hiện nay", ông T. lo lắng.
Sẽ miễn hoặc gia hạn thời gian lắp thiết bị
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Quốc Hưng - trưởng phòng tàu sông của Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết quy định lắp thiết bị AIS cho tàu chở khách là cần thiết. Ngoài việc phục vụ công tác quản lý các doanh nghiệp có tàu chở khách, thiết bị AIS cho phép các tàu trao đổi thông tin về vị trí, hướng, tốc độ của phương tiện với nhau để phòng tránh va chạm.
Tuy nhiên, một số chủ tàu du lịch hoạt động trong đường thủy nội địa kiến nghị chưa lắp vì khó khăn về kinh tế sau đại dịch COVID-19, tàu hoạt động trên tuyến ngắn, không gian lòng sông hẹp. Ngoài ra, các trạm thu phát tín hiệu của thiết bị AIS cũng chưa được đầu tư đầy đủ do thiếu kinh phí.
Do đó, theo ông Hưng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề xuất xem xét miễn lắp đặt hoặc gia hạn thời gian lắp đặt các thiết bị AIS, VHF với phương tiện hoạt động trên một số tuyến đường thủy nội địa mà chủ tàu, doanh nghiệp kiến nghị.
TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận