Trước đây tàu thăm dò của Trung Quốc đã thu thập và gửi đá Mặt trăng về Trái đất để nghiên cứu - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố thông tin tàu đổ bộ Mặt trăng Hằng Nga 5 (Chang'e 5) của nước này đã phát hiện các dấu hiệu của nước trên Mặt trăng, cung cấp bằng chứng mới về độ khô của vệ tinh này.
Nghiên cứu mới - được công bố trên tạp chí Science Advances vào hôm 8-1 và đã được bình duyệt - cho thấy đất Mặt trăng tại bãi đáp của tàu đổ bộ này chứa ít hơn 120 ppm (phần triệu) nước hoặc tương đương 120g nước mỗi tấn và một loại đá nhẹ chứa 180 ppm, khô hơn nhiều so với trên Trái đất.
Tàu đổ bộ Hằng Nga 5 đã sử dụng quang phổ kế để phân tích thành phần hóa học của đá và đất tại bãi đổ bộ, từ đó phát hiện nồng độ nước như trên. Đây là lần đầu tiên tàu đổ bộ Mặt trăng này phát hiện nước tại chỗ.
Lin Hong Lei, tác giả chính của nghiên cứu làm việc tại Viện Địa chất và địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), giải thích phần lớn nước trong đất Mặt trăng được cho là kết quả của "gió Mặt trời".
Bởi vì "gió Mặt trời" đưa các nguyên tử hydro lên bề mặt của Mặt trăng. Tại đây, các nguyên tử hydro phản ứng với oxy trong các khoáng chất trên bề mặt để tạo thành nước và hydroxyl.
Trước đây đã có các nghiên cứu tìm hiểu về sự hiện diện của nước trên Mặt trăng. Khi các phi hành gia sứ mệnh Apollo của Mỹ lần đầu tiên trở về từ Mặt trăng vào năm 1969, vệ tinh của Trái đất này được cho là hoàn toàn khô.
Mãi đến năm 2007, các nhà khoa học mới lần đầu tiên phát hiện ra phân tử nước trong đá Mặt trăng.
Năm 2018, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức xác nhận sự hiện diện của băng nước trong các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn quanh các cực của Mặt trăng. Hai năm sau đó, cơ quan này cho biết nước phân bố rộng rãi trên bề mặt Mặt trăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận