Tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP đi trên sông Sài Gòn - Ảnh: CHÂU TUẤN
Với hệ thống sông ngòi phong phú của TP.HCM và các tỉnh miền Tây, dự án du lịch đường thủy này được nhiều người đánh giá có tiềm năng phát triển. Vậy cần những yếu tố gì để việc khai thác được hiệu quả và phát huy tối đa ưu điểm của dự án này?
Thêm sự lựa chọn về phương tiện giao thông
Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - cho biết nếu dự án được đưa vào hoạt động chính thức, người dân sẽ có thêm sự lựa chọn là các phương tiện đường thủy, hạn chế phần nào tình trạng kẹt xe, đặc biệt là vào các dịp lễ.
Khi dự án đường thủy chở khách bằng tàu cao tốc đi từ TP.HCM đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại thực hiện hiệu quả, người dân sẽ có thêm một lộ trình du lịch sông nước giá rẻ. Dự án này có thể đưa tàu cao tốc đi các tỉnh như một phương tiện công cộng, do đó, giá thành cũng rẻ hơn việc thuê riêng tàu để đi du lịch.
"Điểm thú vị của dự án là người dân có thể vừa di chuyển, vừa được ngắm nhìn cảnh sông nước. Đây là điều mà rất nhiều người muốn được trải nghiệm từ loại hình du lịch này", ông Toản nói.
Là người thường xuyên đi từ TP.HCM về Tiền Giang, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc chia sẻ: "Vào các dịp lễ, tình trạng kẹt xe đường bộ khiến ai cũng ngán ngẩm, chuyến đi trở về nhà như hành xác. Tôi rất mong chờ dự án tàu cao tốc liên tỉnh này sẽ đi vào hoạt động chính thức. Việc đi lại sẽ dễ dàng, thuận tiện cho bà con hơn. Vừa đi vừa có thể ngắm cảnh hai bên sông".
Theo ông Trần Song Hải - giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (GreenlinesDP), hiện nay, công ty đã có tuyến tàu lộ trình TP.HCM - Vũng Tàu và Vũng Tàu - Bến Tre - Mỹ Tho. Tuy nhiên chưa có tuyến đi thẳng từ TP.HCM đến Bến Tre và ngược lại. Sắp tới, dự án hoạt động sẽ tạo thành lộ trình khép kín, thuận tiện cho việc đi lại bằng đường thủy của người dân.
Tùy từng khu vực địa lý, đường thủy có vai trò nhất định trong việc giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng nhu cầu rất tốt. Do đó lượng khách đang ngày càng tăng. Ví dụ đi đường bộ từ Bến Tre hoặc Mỹ Tho đến Vũng Tàu mất 4 tiếng nhưng với đường thủy chỉ mất khoảng 2 tiếng 15 phút.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra công tác an toàn giao thông đường thủy - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nâng cấp hạ tầng, kỹ thuật
Để dự án được khai thác hiệu quả, ông Nguyễn Kim Toản cho biết rất cần sự hỗ trợ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các tỉnh thành thụ hưởng về công tác phân luồng tàu, quản lý các bến bãi, giảm việc tạo sóng xói lở hai bên bờ và tránh những tình huống xung đột bất ngờ của các ghe, thuyền khác.
Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) cho biết hiện tại, công ty này có 6 chiếc tàu đang hoạt động. Nếu dự án được thực hiện, công ty có kế hoạch đóng thêm 3 chiếc tàu, mỗi chiếc có thể chở khoảng 100 người.
Về giá vé, một số đơn vị dự kiến khai thác cho biết sẽ tùy vào thực tế khi dự án được triển khai. Lúc đó, sẽ đưa ra mức giá sát hơn vì tình hình giá nhiên liệu đang tăng lên từng ngày. Chi phí nhiên liệu vẫn là chi phí lớn nhất của dự án.
Phát triển tàu cao tốc ở nhiều nơi
Ngoài hai tuyến nêu trên, mới đây Sở Giao thông vận tải TP cũng đã kiến nghị UBND TP có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ và phối hợp để sớm đưa vào khai thác tuyến đường thủy chở khách bằng tàu cao tốc từ TP.HCM - Côn Đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận