Giữa tháng 4 rồi là tròn 6 tháng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung được đưa vào hoạt động. Đơn vị khai thác quyết định tăng tần suất từ 44 lên 48 chuyến mỗi ngày, tăng 34 chuyến so với khi mới hoạt động.
Giá hợp lý và chạy nhanh thu hút người dân
Việc tăng số chuyến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân địa phương và du khách. Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin đến giữa tháng 4, tuyến đường sắt cao tốc này đã vận chuyển 2,56 triệu hành khách, thực hiện 7.050 chuyến và đi được 1,26 triệu km.
Các đoàn tàu màu đỏ - bạc có thể di chuyển với tốc độ 350km/h dự kiến sẽ tiếp tục hút khách sống gần bốn nhà ga, bao gồm một nhà ga bên ngoài thủ đô Jakarta và một nhà ga gần Bandung, thành phố du lịch cách Jakarta 158km.
Người dân chỉ mất khoảng 40 phút để đi từ đầu đến cuối tuyến, nhanh hơn nhiều so với 3-4 tiếng đi bằng tàu hoặc đường bộ thông thường.
Giá vé từ 150.000 rupiah đến 600.000 rupiah Indonesia (khoảng 9,4 USD đến 38 USD) được coi là phù hợp với túi tiền của tầng lớp trung lưu, thỉnh thoảng còn được giảm vào mùa thấp điểm. Giá vé của các tuyến đường sắt khác chậm hơn khoảng 80.000 rupiah.
Để thu hút hành khách, liên doanh Indonesia - Trung Quốc dự kiến quảng bá rộng hơn và sắp xếp nhiều xe trung chuyển từ trung tâm thành phố ra các nhà ga ở ngoại ô.
Trung Quốc và Indonesia coi tuyến đường sắt này là biểu tượng cho mối quan hệ song phương. Tổng thống Indonesia sắp mãn nhiệm Joko Widodo đã có mặt tại lễ khai trương tuyến đường sắt trị giá 7,3 tỉ USD vào tháng 10 năm ngoái.
Sự hiện diện của ông Widodo có thể được xem như bảo chứng cho chất lượng và tầm quan trọng của tuyến đường sắt.
Du khách Shreemanjari Tamrakar đến từ Nepal cũng hào hứng với tuyến đường sắt Jakarta - Bandung.
"Tuyến đường sắt khiến mọi việc trở nên dễ dàng với chúng tôi. Vé có thể được mua trực tuyến. Nhà ga sạch sẽ và quy củ, nhân viên giúp ích và tàu chạy đúng giờ", du khách 37 tuổi chia sẻ.
Xóa bỏ định kiến về công nghệ Trung Quốc, nhưng...
Nói với báo South China Morning Post (SCMP), ông Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia, cho biết người Indonesia "thường có cảm giác tiêu cực nhất định về công nghệ Trung Quốc".
"Chẳng hạn họ nghĩ công nghệ Trung Quốc thì rất rẻ nhưng nhanh hỏng hóc. Bây giờ thì khác, công nghệ Trung Quốc được tin là có thể cạnh tranh với Nhật Bản".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết lượng hành khách trong 6 tháng qua không thể dự đoán liệu sức hấp dẫn của tuyến đường sắt này có bền vững và có đủ để mang lại lợi nhuận hay không, theo SCMP.
PT Kereta Cepat Indonesia - Trung Quốc, đơn vị đầu tư và vận hành tuyến đường sắt, ước tính chưa tới 40 năm để bắt đầu có lãi. Trung Quốc cho vay 75% dự án, với thời hạn 40 năm và thời gian ân hạn 10 năm.
Ông Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, dự báo: "Có khả năng hành khách sẽ mất hứng thú và ngừng sử dụng chuyến tàu này, quay lại phong cách đi lại cũ".
Do nằm ở ngoại ô, tổng thời gian di chuyển của hành khách có thể nhiều hơn họ nghĩ. Hành khách ở Jakarta hoặc Bandung sẽ phải đi tàu trung chuyển, xe buýt hoặc xe như tuk tuk từ nội thành để đến ga. Hai lựa chọn sau là ác mộng vì tình trạng kẹt xe kinh niên ở thủ đô của Indonesia.
Trong khi đó, có nhiều cách đi từ Jakarta tới Bandung mà người dân chỉ cần bước ra cửa là lên xe đi thẳng. Thói quen này vẫn khó từ bỏ với nhiều người Indonesia nên là lý do người ta tin rằng sau thời gian trải nghiệm chán chê, mọi thứ sẽ quay lại như cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận