Phóng to |
Tàu cánh ngầm Greenlines về bến sau sự cố ngày 26-7-2013 - Ảnh: M.Trường |
Vài năm trở lại đây, sự cố của các tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu liên tiếp xảy ra. Nhẹ thì chết máy giữa đường, tràn nước vào khoang khiến hành khách hoảng sợ, nặng thì va chạm với vật cố định, va chạm giữa các tàu cánh ngầm với nhau khiến nhiều người bị thương. Mới đây nhất, sự cố tàu Greenlines 9 (Công ty CP Dòng Sông Xanh - Greenlines) bị hỏng một động cơ, phải dùng động cơ còn lại “bò” về bến thì xảy ra va chạm, nước tràn vào khoang máy khiến bốc hơi mù mịt, hành khách hoảng loạn vì tưởng cháy tàu.
“Chúng tôi cũng chưa hài lòng”
Một số sự cố của các tàu cánh ngầm Chiều 26-7-2013, tàu cánh ngầm Greenlines 9 chạy từ TP Vũng Tàu về TP.HCM thì hỏng một động cơ, tàu chạy bằng động cơ còn lại khiến không thể nâng thân tàu theo chế độ “bay”, khó điều khiển và va vào cọc tiêu làm bể kính, nước tràn vào khoang máy. Ngày 15-8-2012, một tàu cánh ngầm Greenlines chạy hướng TP.HCM - Vũng Tàu bị sóng đánh bể kính, nước tràn vào khoang khiến hàng chục hành khách bị ướt. Ngày 25-11-2009, một vụ va chạm khiến gần 10 người bị thương xảy ra khi hai tàu cánh ngầm của Greenlines và PetroExpress đâm vào nhau khi lưu thông ngược chiều trên địa bàn Q.7, TP.HCM, tạo ra cảnh hỗn loạn và phải cầu cứu lực lượng cứu hộ cứu nạn. G.Minh |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chi cục Đăng kiểm 6, Cục Đăng kiểm VN là đơn vị có chức năng kiểm định an toàn cho các tàu cánh ngầm đang hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Đơn vị này hiện quản lý hồ sơ của 17 tàu cánh ngầm đang hoạt động. 17 tàu này thuộc sở hữu của ba công ty gồm: Greenlines (9 tàu), Công ty CP tàu cao tốc Vina (4 tàu) và Công ty TNHH Quang Hưng (4 tàu).
Trong số chín tàu của Greenlines có bốn chiếc sản xuất năm 1991 (một chiếc được hoán cải, thay máy chính trong giai đoạn 2008-2009). Các tàu còn lại được đóng từ năm 1992-1996 và một tàu được đóng năm 2009, có tàu đã hoán cải, thay động cơ chính, có tàu chưa, toàn bộ được sản xuất tại Liên bang Nga. Công ty CP tàu cao tốc Vina có bốn tàu, hai chiếc sản xuất năm 1991 (được hoán cải và thay máy chính trong các năm 2004, 2005 và 2010), hai chiếc sản xuất năm 1994 (được sửa chữa, hoán cải trong các năm 2004, 2005 và 2010). Đội tàu Petro Express của Công ty TNHH Quang Hưng có hai tàu được sản xuất năm 1991 (một chiếc được thay máy năm 2011), một tàu đóng năm 1990 (thay máy năm 2009) và một tàu đóng năm 1995. Các tàu được chia làm hai loại, loại một máy (công suất dưới 1.100 CV) có sức chở dưới 80 người, loại hai máy (tổng công suất 1.800-2.200 CV) có sức chở 100-150 người.
Hầu hết các tàu đều có xuất xứ từ Cộng hòa liên bang Nga, một số tàu được thay thế bằng động cơ mới của các nước như Đức, Mỹ. Theo lời một chuyên gia trong lĩnh vực, những chiếc tàu nhập về VN đều là những tàu được thiết kế, đóng từ thời Cộng hòa liên bang Xô Viết (Liên Xô) còn tồn tại, bị chậm tiến độ. Khi Liên Xô sụp đổ, những con tàu này đang đóng bị “bỏ quên”. Cuối cùng, một số doanh nhân người Việt bỏ tiền đầu tư hoàn thiện, đưa về VN khai thác. Đội tàu này khi về VN hoạt động đã không được những chuyên gia kỹ thuật có kinh nghiệm tương ứng bảo trì, bảo dưỡng, các thiết bị thay thế khi hỏng hóc thường khó mua được từ nhà sản xuất, đồ thay thế chỉ mang tính chắp vá.
Ông Trịnh Thanh Chương, tổng giám đốc Công ty Greenlines, khẳng định: “Chúng tôi cũng chưa hài lòng với chất lượng đội tàu cánh ngầm hiện nay và cả chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên với khách hàng”. Ông Chương là lãnh đạo duy nhất trong số ba công ty đang khai thác tuyến vận tải đường thủy bằng tàu cánh ngầm từ TP.HCM - Vũng Tàu trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề liên quan tới đội tàu cánh ngầm đang hoạt động.
Theo ông Chương, các nước như Ukraine, Cộng hòa Czech hay một số quốc gia Đông Âu khác vẫn đang khai thác đội tàu cánh ngầm chung thời kỳ với các tàu cánh ngầm của VN hiện nay. Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều là chất lượng tàu của họ tốt hơn, vì các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ luyện kim của họ phát triển hơn, duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị phù hợp hơn. “Tại VN, đội tàu hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu phải thừa nhận phần lớn đã cũ, có chiếc dù được thay thế, sửa chữa nhưng nội thất, hình thức nhìn từ bên ngoài đã cũ kỹ, có phần bị mục nát nên việc quy định về niên hạn sử dụng là cần thiết, không thể cứ thay thế, sửa chữa hoài” - ông Chương cho biết.
Tuy nhiên, ông Chương cho rằng: “Khoảng 20 năm hoạt động vừa qua của đội tàu cánh ngầm đã vận chuyển bao nhiêu triệu lượt hành khách an toàn. Đúng là năm nào cũng có sự cố, từng có tai nạn khiến hành khách bị thương, nhưng số vụ tai nạn có thể đếm trên đầu ngón tay và chưa có trường hợp hành khách tử vong khi sử dụng dịch vụ này”. Ông lý giải: Tàu cánh ngầm là tàu cao tốc, hoạt động theo chế độ “bay” trên mặt nước, khi xảy ra sự cố tàu lại dừng rất nhanh do chuyển chế độ từ “bay” trên mặt nước xuống, chịu sức cản của nước. Tàu có thiết kế từng khoang riêng biệt nên nếu có sự cố tại một khoang, các khoang còn lại vẫn đảm bảo an toàn, tàu không bị chìm và chỉ ít phút sau là có lực lượng cứu hộ xử lý ngay.
Chưa có quy định về niên hạn
Ông Phạm Ninh - giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN - cho rằng Luật giao thông đường thủy nội địa hiện nay chưa có quy định về niên hạn sử dụng. Vì vậy không thể cấm lưu hành đối với các tàu cánh ngầm trên 20 năm tuổi. Cơ quan kiểm định vẫn phải dựa vào các tiêu chí nhất định, kiểm tra chất lượng máy, trục truyền lực, vỏ tàu... theo định kỳ một năm/lần (từ đầu năm 2013 là sáu tháng/lần). Nếu đạt yêu cầu theo quy định, cơ quan đăng kiểm vẫn phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Ông Ninh chia sẻ: Dù đội tàu cánh ngầm cũ, nhưng nó có phải là nguyên nhân của các vụ va chạm, tai nạn hay sự cố đã xảy ra trong thời gian qua hay không thì cần phải có phân tích, đánh giá dựa trên thống kê khoa học, đầy đủ. Thực tế, theo tìm hiểu của cơ quan đăng kiểm, hầu hết các sự cố từng xảy ra, đặc biệt liên quan tới an toàn thì chưa có sự cố nào liên quan tới chất lượng kỹ thuật của tàu, mà hoàn toàn do con người. Vụ việc nghiêm trọng nhất là vụ va chạm giữa hai tàu cánh ngầm vào năm 2009 khiến hành khách bị thương là do hai tàu “chạy đua” rồi va chạm vào nhau, hoàn toàn không do yếu tố kỹ thuật. “Không có phương tiện giao thông nào trên thế giới có thể đảm bảo an toàn 100%. Điều quan trọng là phải cộng đồng trách nhiệm, các cơ quan liên quan như đăng kiểm, cảng vụ, cảnh sát giao thông đường thủy, doanh nghiệp phải cùng tăng cường trách nhiệm của mình để đảm bảo an toàn cao nhất” - ông Ninh nói.
Ông Trịnh Ngọc Giao, cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết thời gian qua TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã nêu nhiều ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về việc cần xác định niên hạn sử dụng tàu cao tốc đang hoạt động trên tuyến đường TP.HCM - Vũng Tàu. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động của tàu cao tốc. Cục Đăng kiểm VN cũng đã tổ chức kiểm tra và có báo cáo chi tiết về toàn bộ hoạt động của các tàu đang hoạt động trên tuyến đường trên. Sau khi nhận được báo cáo của Cục Đăng kiểm VN và đề xuất cần quy định niên hạn sử dụng tàu cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành và dự kiến trong tháng 8-2013 sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định về niên hạn sử dụng tàu này.
Nhằm bảo đảm an toàn trong việc phục vụ hành khách trên tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, ông Giao cho rằng có hai vấn đề cần giải quyết. Đó là các doanh nghiệp vận tải khi cho tàu chạy trên tuyến đường sông cần giảm tốc độ. Bởi vì các dòng sông hiện nay có quá nhiều rác dễ dẫn đến rác quấn vào chân vịt làm chết máy, gây nguy cơ tàu tự trôi rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường bảo trì hằng ngày hoặc ngay sau khi vừa hoàn thành chuyến vận chuyển khách. “Nếu tình hình tàu cánh ngầm tiếp tục xảy ra sự cố, Cục Đăng kiểm VN sẽ rút ngắn thời gian kiểm định tàu từ sáu tháng xuống còn ba tháng đối với những tàu cũ” - ông Giao cho biết.
Cảnh báo về an toàn của tàu cánh ngầm Đại tá Lê Tấn Bửu, phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, cho biết không thể đánh giá độ an toàn của tàu dựa trên cảm quan, nhưng thời gian qua số “sự cố” với loại tàu này xuất hiện khá thường xuyên là điều rất đáng lo. Đây là phương tiện chở nhiều khách, chạy tốc độ cao, nếu xảy ra sự cố lớn có thể gây thảm họa. “Tôi khuyến cáo các chủ phương tiện phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn kỹ thuật và đảm bảo các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trên tàu cũng như chuẩn bị cho đội ngũ nhân viên, hành khách cách thức ứng xử khi có sự cố để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách” - đại tá Bửu nói. Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng nguyên nhân của những vụ tai nạn tàu chở khách trong thời gian gần đây, đặc biệt là tàu cánh ngầm, còn do tuổi tàu quá cao, dẫn đến nhiều khả năng máy móc bị hỏng hóc, thân tàu mục nát. Điều 9 nghị định 29/2009/NĐ-CP, hướng dẫn điểm e điều 16 Bộ luật hàng hải, quy định tuổi tối đa với tàu chở khách là không được quá 10 năm. Tuy nhiên, Luật giao thông đường thủy nội địa lại không quy định về độ tuổi của tàu chở khách. Để khai thác tối đa lợi nhuận, các chủ tàu mua lại, nhập khẩu và đưa vào sử dụng các tàu chở khách cũ nát, không đảm bảo an toàn. Do đó, để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra, cơ quan chức năng nên sớm nghiên cứu ban hành quy định về độ tuổi của tàu thuyền vận chuyển hành khách, cương quyết không cho lưu hành tàu cánh ngầm, các loại tàu thuyền chở khách có niên hạn quá 10 năm tuổi kể từ ngày sản xuất. G.Minh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận