02/01/2012 05:30 GMT+7

Tật xấu của taxi

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Dù được đánh giá là một loại hình vận tải hành khách cao cấp nhưng nhiều người đã phải “khóc dở mếu dở” khi là nạn nhân của taxi.

4YihzknO.jpgPhóng to
Thanh tra giao thông kiểm tra taxi tại TP.HCM - Ảnh: BÁ SƠN

Trong năm 2011, Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất (TASC) đã ghi nhận gần 200 trường hợp tài xế taxi của các hãng từ chối hoặc “làm giá” với hành khách, thậm chí có tài xế xô xát, cướp giật tài sản của khách.

Tài xế đánh hành khách

Ngày 2-9-2011, một du khách người Nhật đã bị đánh và cướp tài sản khi đón taxi (không rõ hãng xe, số tài) từ ga đến quốc tế của sân bay đi chợ Bến Thành, Q.1. Qua kiểm tra, TASC xác định taxi số 564 của Hãng Petrolimex taxi do tài xế Th. điều khiển đã chở hành khách nói trên. Tuy nhiên, khi xe đến đầu đường Hồng Hà, Th. đã chuyển xe cho B. (cũng là tài xế của Hãng Petrolimex taxi nhưng bị cấm chạy trong sân bay) điều khiển. Khi taxi tới đường Nguyễn Văn Trỗi, P.10, Q.Phú Nhuận thì tài xế B. dừng xe và đòi 3 triệu đồng nhưng không được đồng ý nên đánh hành khách.

Khi hành khách tông cửa xe bỏ chạy, tài xế B. đã lái xe đi cùng với hành lý của khách gồm một máy tính xách tay, một điện thoại di động iPhone và một máy ảnh.

Qua đợt thanh tra, đoàn thanh tra của Bộ GTVT đã đình chỉ các hãng taxi sau:

* Hà Nội: taxi BG, taxi Phú Gia, taxi Hồng Nhung, taxi Lê Gia, taxi Mùa Xuân, taxi 14.

* TP.HCM: HTX xe du lịch vận tải lữ hành số 2, HTX taxi Minh Đức (hai hãng này bị đình chỉ hoàn toàn). Còn ba hãng Happy taxi, Festival taxi, Petrolimex taxi bị đình chỉ hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 2-10-2011, TASC cũng lập biên bản ghi nhận trình báo của một hành khách ngụ tại Cần Thơ khi đi taxi ở sân bay thì bị tài xế cướp đoạt hộ chiếu, máy tính xách tay và nhiều tài sản khác.

Cho thuê, bán phù hiệu taxi

Vận tải hành khách bằng taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng nhiều hãng taxi tại TP.HCM hiện nay đang lợi dụng kẽ hở để “lách luật”. Qua đợt kiểm tra taxi tại TP.HCM của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) từ đầu tháng 12-2011, nhiều người mới giật mình nhận ra nhiều hãng taxi hiện thiếu quá nhiều thứ, từ bến bãi, phương tiện, bộ máy điều hành tới tài xế...

Thiếu các điều kiện cần thiết nhưng nhiều taxi vẫn ngang nhiên hoạt động khiến tình hình kẹt xe, trật tự an toàn giao thông tại TP.HCM càng thêm rối. Theo một chuyên gia giao thông, tình trạng taxi chiếm dụng lòng đường ngày càng phổ biến một phần do TP không có quỹ đất để xây dựng bến bãi dành cho taxi, phần khác do tốc độ phát triển quá nhanh số lượng taxi so với sự phát triển hạ tầng và chỉ tiêu quy hoạch.

Theo quy hoạch giai đoạn 2010-2015, TP.HCM có khoảng 9.500 xe taxi nhưng thực tế hiện nay đã có gần 12.700 phù hiệu taxi được cấp. Từ năm 2010, TP.HCM tạm ngưng cấp phép mới taxi để hạn chế sự gia tăng quá mức số lượng xe taxi nhưng nhiều hãng đã “lách” bằng cách điều taxi từ các tỉnh vào TP hoạt động.

Nhiều hãng taxi còn cho thuê hoặc bán lại phù hiệu taxi được cấp. HTX vận tải du lịch Minh Đức được Sở GTVT TP cấp 170 phù hiệu taxi nhưng chỉ có 55 xe hoạt động. Thanh tra Bộ GTVT phát hiện HTX này đã bán phù hiệu cho một hãng taxi khác. Tương tự, Hãng Happy taxi được cấp 278 phù hiệu taxi nhưng chỉ có hơn 100 xe hoạt động, 168 phù hiệu được hãng này cho các doanh nghiệp tại An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long... thuê lại. Thanh tra bộ cũng tịch thu hơn 110 phù hiệu taxi của Hãng Saigon Tourist taxi vì cho Hãng An Thiện Nhân taxi thuê lại.

Thanh tra taxi tại Hà Nội và TP.HCM: “Taxi có nhiều tiêu cực”

hmEHfi4C.jpgPhóng toÔng Nguyễn Xuân Hào - Ảnh: T.PhùngÔng Nguyễn Xuân Hào (chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải) cho biết:

- Qua thanh tra, thấy đúng là nhiều hãng taxi có tiêu cực như báo chí, người dân phản ảnh. Đó là gắn chip điện tử để tính thêm tiền cước, chạy xe lòng vòng lấy thêm tiền của khách, thậm chí có trường hợp bán khách, khi khách không chịu thì bị tài xế đánh... Những hiện tượng đó của người kinh doanh taxi đã làm xấu hình ảnh taxi.

Khi kiểm tra trong TP.HCM, chúng tôi thấy chủ tịch HĐQT của HTX taxi không điều khiển được tài xế vì xe là của xã viên góp vào, chỉ gắn logo HTX để hoạt động... Chính vì thế, chỉ mới thanh tra 6/11 hãng taxi hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã đình chỉ ba hãng. Có hãng trong năm 2011 bị lực lượng chức năng ở sân bay phạt hơn 800 lần.

* Việc taxi có nhiều vi phạm cũng do sự sơ hở của quy định pháp luật?

- Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT không quy định số lượng tối thiểu số xe của hãng, vì vậy có hãng 4-5 xe cũng hoạt động, có hãng thuê xe, thuê lái xe, góp xe cá nhân vào hoạt động nên không có ràng buộc và không quản lý được lái xe. Hà Nội có 16.000 taxi thuộc 114 hãng, trong khi TP.HCM có 12.000 xe nhưng chỉ có 28 hãng...

Có một bất cập nữa là nghị định 91/2009 quy định tính tiền phải theo đồng hồ kilômet nhưng thông tư liên tịch số 129/2010 của Bộ GTVT và Bộ Tài chính có cả hình thức thanh toán theo chuyến nên tài xế taxi lợi dụng. Như ở sân bay Nội Bài có tình trạng tài xế taxi ra giá trọn gói 350.000 đồng đi Hà Nội, nếu xe dừng hai điểm tính thêm 50.000 đồng, dừng ba điểm tính thêm 100.000 đồng.

* Thực tế xuất hiện nhiều hãng taxi không đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn hoạt động. Cơ quan giám sát ở đâu mà để như vậy?

- Lực lượng thanh tra giao thông ở TP.HCM khoảng 300 người, Hà Nội hơn 500 người nhưng không phải chỉ xử lý mỗi taxi mà họ còn phải làm nhiều việc khác nữa. Ngay cả thanh tra bộ cũng chỉ có 27 người nên rất thiếu.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp