23/01/2021 09:38 GMT+7

Tất niên cho con em công nhân môi trường đô thị khó khăn: Chút lòng thảo thơm

DIỆU QUÍ - KIM ÚT
DIỆU QUÍ - KIM ÚT

TTO - Tiệc liên hoan chào Tết Tân Sửu được tổ chức chiều 23-1 với 100 gia đình công nhân vệ sinh cùng công nhân thoát nước có hoàn cảnh khó khăn. Đã có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, đồng cảm với chương trình.

Tất niên cho con em công nhân môi trường đô thị khó khăn: Chút lòng thảo thơm - Ảnh 1.

Anh Khánh và chị Hạnh vừa quét và thu rác trên đường Độc Lập, Q.Tân Phú - Ảnh: K.ÚT

Cuối năm là khoảng thời gian vất vả nhất đối với người có nhiệm vụ làm sạch đường phố. Tuổi Trẻ cùng một số đơn vị, cá nhân tổ chức tiệc tất niên đặc biệt cho 100 gia đình công nhân vệ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào chiều 23-1.

Đón giao thừa cùng... rác

Năm nào cũng vậy, khi pháo hoa kết thúc, dòng người tản đi cũng là lúc những chiếc áo cam - màu áo của công nhân vệ sinh - bắt đầu xuất hiện. Mặt đường đầy hộp, ly nhựa, ống hút, bọc nilông bị vứt vương vãi trên bãi cỏ, vỉa hè. Những giọt mồ hôi, tiếng chổi xào xạc đêm giao thừa lặng lẽ quét dọn, lúc này đồng hồ đã điểm sang năm mới.

24 năm làm công việc vệ sinh đường phố là chừng đó thời gian chị Trần Thị Mỹ Hạnh (46 tuổi) - nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - đón giao thừa ngoài đường.

"Năm nào cũng phải qua 2h sáng, tức là bước sang mùng 1 tôi mới về tới nhà. Đêm giao thừa thấy người ta sum họp bên gia đình, còn mình ở ngoài đường quét rác cũng tủi thân lắm" - chị Hạnh nói.

Xoa đôi tay đang đau nhức của mình do nhiều năm làm việc nặng, người phụ nữ 46 tuổi tâm sự do đặc thù công việc nên thay vì được nghỉ tết như mọi người, năm nào chị cũng tăng ca đến qua tết. "Có những ngày phải làm hơn 12 tiếng (từ 13h đến 2h sáng). Bắt đầu 26 tháng chạp là lượng rác tăng nhanh nên tôi với các đồng nghiệp phải làm việc gấp đôi, cao nhất là vào 30 tết".

Với những người ở xa như chị Hạnh, sau khi dọn xong số rác khổng lồ, chị mất thêm một tiếng mới về tới nhà ở huyện Hóc Môn. Cả ngày làm việc mỏi mệt, về tới nhà chị tranh thủ nghỉ ngơi, cúng kiếng rồi đến 21h lại bắt đầu công việc, rạng sáng mới về nên chẳng còn sức đi chơi tết.

Vất vả, không được đón năm mới cùng chồng con nhưng chị nói mình đã chọn công việc này nên "riết cũng quen". Nhiều năm trong nghề quét đường, chị Hạnh cũng trải đủ niềm vui, nỗi buồn.

Có một cái tết trọn vẹn bên gia đình, người dân bớt xả rác để công nhân được về nhà đón giao thừa sớm một chút là mong ước của chị Hạnh và nhiều công nhân vệ sinh khác, trong đó có anh Nguyễn Duy Khánh suốt nhiều năm qua.

Anh Khánh chỉ 33 tuổi nhưng có thâm niên 14 năm trong nghề quét đường. Nhà anh ở huyện Đức Hòa, Long An, cách chỗ làm hơn 20 cây số. Vợ vừa mất hồi tháng 3-2020, ba đứa con của anh Khánh đành nhờ bà nội ở kế bên trông coi giúp để anh đi làm.

Nhà xa hơn cả chị Hạnh, anh Khánh mỗi ngày đều phải đi sớm, về khuya. Rồi cha con cũng ít gặp nhau vì lúc anh đi làm con vẫn chưa thức. Cha về tới nhà lúc 1h sáng, các con đã say giấc từ lâu. Công việc nhiều cộng với thời gian di chuyển quá xa, mỗi ngày anh Khánh chỉ có 3-4 tiếng để ngủ. Vì thế đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu...

Dù vậy, khi đề cập đến nghề, anh Khánh khẳng định: "Còn sức là tôi còn làm, tôi chỉ sợ sức khỏe không cho phép, chứ tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng công việc này. Động lực lớn nhất cố gắng làm là để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, mình khổ không học được nên ráng lo mấy đứa nhỏ".

Tất niên cho con em công nhân môi trường đô thị khó khăn: Chút lòng thảo thơm - Ảnh 2.

Dương Tuấn Vũ ngâm mình dưới cống để vét bùn, rác - Ảnh: K.ÚT

Dầm mình trong cống hôi

Nắp cống vừa mở, mùi hôi xộc lên, hàng trăm con gián từ dưới cống chạy tán loạn. Lúc này, anh Dương Tuấn Vũ (30 tuổi) - nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - đeo găng tay, bám người vào dây thừng rồi nhanh chóng đu người xuống miệng cống.

Ngâm mình dưới làn nước đen ngòm, quá nửa thắt lưng, anh Vũ lần lượt gom những loại rác nổi trên mặt nước rồi bỏ vào thùng, chuyền lên cho đồng nghiệp.

Hết rác nổi, anh Vũ dùng đồ xúc mò mẫm dưới đáy cống, đống bùn đất cùng loạt rác thải như ly nhựa, bọc nilông, miểng chai... lần lượt được kéo lên. Trên mặt đường, các đồng nghiệp của anh kéo bùn, rác thải lên rồi đổ vào hầm chứa trên xe tải.

Lau vội mồ hôi, anh Vũ cho biết: "Công việc của chúng tôi là làm sạch, nạo vét cống nghẹt, sửa chữa những cống bị hỏng. Một ca 8 tiếng, mỗi ngày 3-4 người làm, như hôm nay tôi đảm nhận xuống cống, còn mấy anh này ở trên kéo rác đổ lên xe".

Mới làm được 8 tháng, anh Vũ tâm sự nghề này khá cực, nếu sợ mùi hôi, dơ sẽ không làm được. "Mới đầu chui xuống cũng thấy sợ lắm. Trên đường có tạp chất gì thì dưới cống có cái đó. Dầu mỡ, đồ nhựa, xác động vật, xui xui còn mò trúng kim tiêm. Gián ruồi xung quanh, hôi lắm" - anh Vũ kể, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt người công nhân thoát nước.

Gắn bó với nghề chui cống đã 23 năm, ông Lê Tấn Bảo (48 tuổi) cho biết: "Mùa nắng cống bốc hơi lên dữ lắm. Đứng trên bờ còn không chịu nổi, huống hồ chui xuống cống. Tới mùa mưa, bao nhiêu rác trên đường theo nước mưa trôi xuống làm nghẹt cống, tụi tôi chưa vệ sinh kịp thì rác tràn lên bờ. Nhiều khi còn phải đợi người dân buôn bán xong mới xuống cống vệ sinh vì sợ ảnh hưởng đến họ".

Ông Bảo cho hay sau khi ngâm mình dưới cống cả ngày, anh em công nhân phải tắm bằng xà bông rửa chén hoặc xà bông bột để trôi bớt chất dơ, sau đó mới tắm lại bằng xà bông bình thường. "Thấy cống không ngập rác là vui. Phải có việc này việc kia, chứ ai cũng làm việc nhẹ thì những việc này ai làm" - ông Bảo tâm sự.

Đồng cảm

Năm 2018, khi TP.HCM bị ngập nặng sau những cơn mưa lớn, nhiều lý do được đưa ra giải thích, trong đó có việc lượng rác xả bừa bãi làm bít dòng chảy ở hệ thống cống thoát nước. Tuổi Trẻ đã có một phóng sự truyền hình từ trong lòng cống, mô tả về câu chuyện này và dư luận đã đồng cảm, chia sẻ nỗi khổ tận cùng của đội ngũ công nhân thoát nước. Tập đoàn Sen Group khi ấy đã cùng Tuổi Trẻ tổ chức một bữa tiệc tất niên để tri ân những gia đình công nhân thoát nước có hoàn cảnh khó khăn, diễn ra đầu năm 2019.

Một năm sau, một buổi liên hoan khác được tổ chức đầy ấm cúng và lần này là dành cho các gia đình công nhân vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sự kiện này lan tỏa mạnh mẽ bởi món quà đặc biệt là mỗi gia đình một túi gạo ST 25 vừa đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới, cùng những tô phở được thực hiện bởi Hoa hồi vàng Cao Văn Luận.

Năm nay, tiệc liên hoan chào Tết Tân Sửu được tổ chức chiều 23-1 và dành cho 100 gia đình công nhân vệ sinh cùng công nhân thoát nước có hoàn cảnh khó khăn. Đã có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, đồng cảm với chương trình, tự nguyện góp công lẫn của để sự kiện thật sự có ý nghĩa.

Cụ thể, đó là Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Shop), Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, Điện lực TP.HCM, Điện lực miền Nam, Nutifood, Acecook, Công ty cổ phần bột giặt LIX, Công ty Bình Hiệp Phú, các Hoa hồi vàng 2019-2020…

Đặc biệt, đầu bếp nổi tiếng - nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết, người đã phục vụ buổi tiệc cho 21 vị nguyên thủ quốc gia tại APEC 2017, khi nghe về chương trình đã gởi 1.000 chiếc nem (chả giò) làm nên thương hiệu của bà để mời các gia đình công nhân thưởng thức.

LTP Việt Nam: Trách nhiệm với công nhân viên và môi trường LTP Việt Nam: Trách nhiệm với công nhân viên và môi trường

Là doanh nghiệp sản xuất các thương hiệu may mặc toàn cầu, Tập đoàn LTP (LTP Group) đến từ Đan Mạch, trong đó công ty - nhà máy ở Việt Nam đã hoạt động được 11 năm.

DIỆU QUÍ - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp