Ngày 9-10, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, sửa bản án sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức.
Áp lực chống dịch là nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm
Theo hội đồng xét xử, căn cứ lời khai của các bị cáo, diễn biến phiên tòa và các tài liệu chứng cứ trong vụ án có cơ sở xác định:
Bệnh viện Thủ Đức có kế hoạch triển khai xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 với mục tiêu phục vụ cho các khu cách ly tập trung, các trung tâm y tế của TP.HCM, các khu cách ly thuộc Bệnh viện Thủ Đức và hoàn thiện Phòng xét nghiệm sinh học phân tử thực hiện chẩn đoán COVID-19 dự kiến 2.000 mẫu/ngày.
Từ đó ông Nguyễn Minh Quân (cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) không chỉ đạo nhân viên bệnh viện thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định mà làm trái, mua kit xét nghiệm Việt Á với Công ty Nam Phong, gây thiệt hại cho bệnh viện 14,5 tỉ đồng.
Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử đối với các bị cáo là có căn cứ, không oan sai. Nhưng khi lượng hình cần đánh giá toàn bộ bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.
Thời gian diễn ra hành vi phạm tội, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến rất phức tạp. Những người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch là đội ngũ y bác sĩ, trong đó có các bị cáo.
Bản thân bị cáo đã phải gánh chịu rất nhiều áp lực về tâm lý trong thời gian dịch bệnh kéo dài, đây là nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến ý thức chủ quan, khiến các bác sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt các bác sĩ không vì động cơ vụ lợi.
Tuy nhiên các bị cáo đã sai phạm về đấu thầu gây thiệt hại cho bệnh viện, do vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm như án sơ thẩm quy kết.
Thế nhưng cũng cần xem xét vi phạm về đấu thầu của các bị cáo không phải là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả thiệt hại của bệnh viện, bởi thời điểm đó tại TP.HCM không có nguồn kit xét nghiệm nào khác ngoài của Công ty Việt Á.
Về giá bán kit xét nghiệm cũng không phải do các bị cáo ở Bệnh viện Thủ Đức và Công ty Nam Phong tự ý quyết định mà theo giá do Bộ Y tế ban hành.
Căn cứ các yếu tố về điều kiện trên cũng như công lao, thành tích của các bị cáo trong công tác phòng, chống dịch, hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là có phần nghiêm khắc, chưa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.
Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức được giảm 3 năm tù
Riêng đối với bị cáo Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) đã phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền ký thay bị cáo Quân một số hợp đồng, số tiền thiệt hại do bà Lan Anh gây ra chỉ là 1/4 số tiền thiệt hại của vụ án.
Mặt khác bị cáo không hưởng lợi cho việc ký thay, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ, do vậy hội đồng giảm nhẹ cho bà Lan Anh hơn các bị cáo khác.
Từ những lập luận trên, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên 8 năm tù (giảm 3 năm tù) đối với ông Nguyễn Minh Quân về tội vi phạm quy định về đấu thầu, tổng hợp với bản án 21 năm tù trước đó, ông Quân phải chấp hành hình phạt chung là 29 năm tù;
Bà Nguyễn Lan Anh bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù (giảm 3 năm 6 tháng tù) về tội vi phạm quy định về đấu thầu, tổng hợp với bản án 3 năm tù trước đó, bà Lan Anh phải chấp hành 5 năm 6 tháng tù;
Ông Phạm Vũ Phong bị tuyên 10 năm tù (giảm 2 năm tù) về tội vi phạm quy định về đấu thầu và y án 7 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hình phạt là 17 năm tù;
Bà Trương Thị Bảo Trân lãnh 3 năm tù (giảm 3 năm tù) về tội vi phạm quy định về đấu thầu, y án 7 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù;
Bà Mai Lệ Quyên lãnh 3 năm tù về tội nhận hối lộ nhưng được hưởng án treo (sơ thẩm tuyên 5 năm tù).
Đối với việc luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Vũ Phong và Công ty Nam Phong liên quan đến trách nhiệm dân sự của bị cáo Phong, hội đồng xét xử cho rằng vì không có kháng cáo nội dung này nên cấp phúc thẩm không thể xem xét do giới hạn xét xử.
Hội đồng xét xử đề nghị các bên liên quan có thể đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận