05/02/2023 11:58 GMT+7

Tár: Khi cái đẹp và đạo đức bất hòa

Lydia Tár bảo tồn nhạc của một dân tộc thiểu số nhưng lại chà đạp những người yếu thế khác - cái đẹp cổ điển bỗng nhiên có vẻ ngụy quân tử và đạo đức giả.

Tár: Khi cái đẹp và đạo đức bất hòa - Ảnh 1.

Diễn viên Cate Blanchett xuất sắc trong vai nhạc trưởng Lydia Tár - Ảnh: IMDb

"Thành thực là, trên tư cách một người thuộc cộng đồng da màu, một người toàn tính luyến ái, em cho rằng cuộc đời kỳ thị nữ giới của Bach khiến em không thể nào coi trọng âm nhạc của ông ta được", cậu học trò nói với nhạc trưởng Lydia Tár trong bộ phim giả tiểu sử Tár của đạo diễn Todd Field.

Tár không hiểu điều đó. Với bà, âm nhạc chỉ là âm nhạc, việc Bach có 20 đứa con chẳng liên quan gì tới thứ âm nhạc mà học giả Albert Schweitzer từng mô tả là "đánh thức nơi cuộc sống một thứ gì của tinh thần sâu xa nằm ẩn tàng bên trong nó". 

Với Tár, thứ duy nhất đáng kể là tính đa âm khiến bản nhạc của Bach như một chuỗi những câu hỏi không ngừng - một đối thoại triết học về bản chất thế giới mà ta liên tục rượt bắt.

Sự lung lay của âm nhạc cổ điển

Tár kể cuộc đời hư cấu về một nữ nhạc trưởng đồng tính. Một nữ nhạc trưởng đồng tính! Còn điều kiện nào tốt hơn để kể lể một tấm gương phụ nữ vượt qua định kiến giới và bước lên bục chỉ huy nơi đàn ông đã chiếm đóng trong hàng thế kỷ qua. Nhưng Tár không phải là bộ phim nữ quyền sống sượng, lỗi thời như vậy. 

Nhạc trưởng Tár, dẫu là một người đàn bà, nhưng chuyên quyền với cái tôi to "khủng bố" và có thể trở nên bạo lực như bất cứ gã đàn ông nào. Khi xã hội được tổ chức theo trật tự quyền lực, dù đàn ông hay đàn bà nắm ngai vàng thì cũng thế mà thôi. Nữ quyền không phải chống lại đàn ông, mà là chống lại quyền lực.

Không ai hợp với vai Lydia Tár hơn Cate Blanchett - nữ minh tinh từng vào dạng vai phản xuyến (nữ đóng nam) và trở thành Bob Dylan màn bạc ấn tượng nhất từ trước tới nay. 

Khi nghe tổ khúc mang tên Tár mà nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir sáng tác riêng về nhân vật này, ta cũng không thấy đâu những giai điệu uyển chuyển đại diện cho tính nữ mà chỉ thấy những đoạn non-legato rời rạc bế tắc, hay đoạn staccato kèn kẹt cạo xuống dây đàn như tiếng dao lam rạch lạnh lẽo, hạ gục ta bằng những tiếng ồn độc đoán.

Bộ phim không mô tả sự vươn lên của Tár, mà là sự sụp đổ của cô. Sự sụp đổ sau khi đoạn băng cô miệt thị trình độ cảm âm của cậu học trò da màu bị cắt ghép đưa lên mạng, khi một người học trò cũ khác của cô bị dồn cùng đường tới mức bi phẫn tự sát. Và sự sụp đổ của Lydia Tár không gì hơn là sự lung lay của chính âm nhạc cổ điển.

Nghệ thuật từ những bông hoa ác

Bản thân "âm nhạc cổ điển" đã là một cụm từ có vấn đề. Âm nhạc cổ điển của ai? Bach, Mozart, Beethoven, Mahler đều là những ông chủ da trắng theo đạo Kito không đại diện cho phần đông của thế giới này. 

Và rồi trong một thời đại mà mọi thứ đều nương theo chủ nghĩa "phải đạo", nơi nghệ thuật được lượng hóa bằng những tiêu chí nằm ngoài nghệ thuật (ê kíp phim phải bao nhiêu phần trăm phụ nữ, chuyện phim phải có ít nhất bao nhiêu người đại diện cho nhóm yếu thế... thì mới đủ chuẩn Oscar), mọi bậc thầy nhạc cổ điển đều bị đem ra xét lại.

Còn với Lydia Tár, bà bảo tồn nhạc của một dân tộc thiểu số nhưng lại chà đạp những người yếu thế khác - cái đẹp cổ điển bỗng nhiên có vẻ ngụy quân tử và đạo đức giả. Nhưng nó có thể nào không như thế được không?

Một chút bồi hồi khi xem đến đoạn Lydia Tár mất đi tất cả, trở về ngôi nhà ấu thơ, mở lại cuộn băng đen trắng cũ mèm nơi thầy cô, nhạc trưởng vĩ đại Leonard Bernstein, nói về ý nghĩa của âm nhạc. Ông bảo ta chẳng cần biết gì cả, những dấu thăng giáng, những hòa âm hay nền công nghiệp âm nhạc, nhưng ta vẫn hiểu được âm nhạc và sự vinh quang của nó.

Giây phút đó, hẳn Lydia Tár đã hỏi "Ôi, cái thế giới xưa cũ ấy đã đi đâu, thế giới nơi người ta chỉ cảm nhận âm nhạc như là âm nhạc?". Cô nôn mửa khi nhìn thấy trong một nhà thổ ở Philippines, những cô gái làng chơi ngồi đợi khách trong tư thế như nhạc công dàn giao hưởng. Cái đẹp và đạo đức đôi khi bất hòa!

Trong phim, tham vọng của Tár là thu âm bản giao hưởng số 5 của Mahler với một kiến giải khác. Bản giao hưởng số 5 vẫn luôn được nghe như một bản nhạc bên bờ hủy diệt, nhưng Tár không nghĩ thế. Cô nói Mahler đã viết về nó khi mới gặp gỡ Alma, người ông sẽ yêu và sẽ cưới, nhưng sẽ hủy hoại giấc mơ sáng tác âm nhạc của nàng. 

Bản nhạc, theo Tár, không phải về bi kịch, mà về tình yêu. Điều mà cô không nhận ra là tình yêu đàn áp cũng có thể là điềm báo trước cho sự hủy diệt. Và nghệ thuật vĩ đại có thể sinh ra từ "les fleurs du mal" (những bông hoa ác).

Tár từng bị hỏi về vai trò của nhạc trưởng thực ra là gì, có phải chỉ là một chiếc máy đếm nhịp chạy bằng cơm. Bà trả lời rất dài để nói về ý nghĩa quan yếu của việc nắm nhịp thời gian, nhưng sau đó có một lần bà nằm mơ ác mộng về chiếc máy ấy. 

Ta tự hỏi nếu âm nhạc, và rộng hơn là nghệ thuật, chỉ còn là chiếc máy giữ nhịp cho đạo đức của con người thì sao? Nếu bản nhạc hay hơn chỉ là bản nhạc "phải đạo" hơn thì thế nào? Đó liệu có là một cơn ác mộng?

6 đề cử Oscar

Tár được các tạp chí văn hóa Variety, The Hollywood Reporter, Vanity Fair, Indiewire, The Atlantic và cả Hiệp hội Phê bình phim Los Angeles... chọn là bộ phim hay nhất của năm 2022. Phim được đề cử sáu giải Oscar 2023, trong đó có đề cử Phim hay nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Cate Blanchett).

Trước đó, nhờ vai diễn Tár, Cate Blanchett trở thành ảnh hậu của Liên hoan phim Venice.

Album nhạc phim xếp hạng 1 trong bảng xếp hạng Billboard ở hạng mục Album cổ điển.

Nhiều "bom tấn" doanh thu khủng tranh Oscar năm nayNhiều 'bom tấn' doanh thu khủng tranh Oscar năm nay

Khác với “truyền thống” thường thấy là phim tranh giải Oscar toàn “lạ hoắc”, các ứng viên cho hạng mục Phim hay nhất Oscar năm nay có nhiều bom tấn khuynh đảo phòng vé với doanh thu cao ngất ngưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp