Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho các tình nguyện viên tại bếp ăn Tường Nguyên, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đánh giá về chiến lược này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - khẳng định quan điểm "đánh địch phải biết địch đang ở đâu và như thế nào". Do đó việc triển khai xét nghiệm để nhận diện F0 trong cộng đồng là điều hết sức cần thiết.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng ta có thể lấy mẫu xét nghiệm ở một điểm tập trung nhưng phải nhất quyết thực hiện đúng giãn cách, hoặc đến tại nhà lấy mẫu, hoặc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà sau đó nhân viên y tế ghi nhận kết quả. Đây là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực có hạn và mỗi người dân có thể chung tay xét nghiệm được.
Ông Nguyễn Trường Sơn
Đợt xét nghiệm này có gì mới?
Kế hoạch xét nghiệm được chia làm ba giai đoạn. Cụ thể, từ ngày 15-8 đến ngày 22-8 thực hiện giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao, từ ngày 23-8 đến 31-8 thực hiện tách nguồn lây nhiễm mạnh, từ ngày 1-9 đến 15-9 duy trì và kiểm soát nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Khác với trước đây, chiến lược xét nghiệm lần này có nhiều điểm mới. Đó là việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phải có sự tham gia của tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp... Địa điểm lấy mẫu khá linh động, có thể thực hiện ngay tại hộ gia đình hoặc tại một vị trí thuận lợi và ở mỗi điểm sẽ mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu.
Nếu như trước đây cần phải huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế tham gia, nay vận dụng các đội lấy mẫu của địa phương, đặc biệt mỗi người dân có thể tự lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm y tế nhận và vận chuyển mẫu về đơn vị xét nghiệm 3 lần/ngày vào lúc 11h, 18h, 23h theo kế hoạch điều phối của Trung tâm điều phối xét nghiệm COVID-19 TP.
Nguồn: Kế hoạch 2716/KH-UBND của UBND TP.HCM ngày 15-8-2021 - Đồ họa: TUẤN ANH
Có kịch bản, làm nhuần nhuyễn
Ghi nhận chiều 19-8 tại một trường tiểu học trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, hai nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm hơn 10 trường hợp là những F0 đã xuất viện đang cách ly tại nhà vào ngày thứ 14. Vì số lượng ít, không gian thoáng, chỉ hơn 30 phút, công tác lấy mẫu hoàn tất.
Bà Ngô Thị Minh Thu - trưởng Trạm y tế phường 17, quận Bình Thạnh - cho biết song song với việc triển khai tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, lực lượng y tế của phường phải liên tục di chuyển qua từng ngõ hẻm đến các điểm lấy mẫu xét nghiệm, với hơn 100 mẫu mỗi ngày.
"Bây giờ đỡ áp lực về số lượng mẫu cần lấy nhưng lại phải di chuyển liên tục, phải gõ cửa từng nhà. Trước đây người dân chưa hiểu nên có trường hợp không hợp tác, chứ hiện giờ chúng tôi không gặp khó khăn gì. Đi xét nghiệm cũng giúp chúng tôi tiện thể hướng dẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bệnh", bà Thu nói.
TS.BS Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho biết đơn vị đang xây dựng kế hoạch xét nghiệm trình UBND quận phê duyệt. So với trước đây, bác sĩ Hòa cho rằng bây giờ "xét nghiệm rất dễ, cứ theo đúng kịch bản mà làm".
"Lúc trước chúng ta đánh mù, đại trà, còn bây giờ đánh có trọng tâm trọng điểm, có chiến thuật và trong bối cảnh toàn TP đang thực hiện giãn cách xã hội; lực lượng lấy mẫu ai cũng thuần thục mọi thao tác. Đặc biệt TP có một trung tâm điều phối xét nghiệm, do đó sẽ không còn cảnh phải chờ đợi chuyển mẫu phức tạp" - ông Hòa nói.
Theo bác sĩ Hòa, lần này quận Gò Vấp được TP phân bổ tới 119 đoàn viên thanh niên hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm. Với lực lượng bổ sung này, mỗi trạm y tế chỉ cần cử ra vài người có chuyên môn để chỉ huy, mọi việc từ hướng dẫn, sắp xếp lấy mẫu đều do đoàn viên thanh niên đảm trách. Việc lấy mẫu sẽ được thực hiện tuần tự từng khu vực.
"Gò Vấp có tất cả 145.000 hộ dân, với 26 vùng đang phong tỏa. Chúng tôi sẽ tập trung lấy mẫu xét nghiệm để giải phóng các vùng phong tỏa này, từ đó mới bắt đầu tiến tới vùng cam, lấn vào vùng xanh" - bác sĩ Hòa khẳng định.
Chốt bảo vệ vùng xanh trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Lấy mẫu nhưng phải an toàn
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - khẳng định việc tổ chức xét nghiệm cộng đồng ở TP.HCM hiện nay là điều cần thiết. Qua xét nghiệm mới có thể nhận diện được F0, từ đó có phương án điều trị kịp thời, đồng thời giảm được sự lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, khi không có đủ cơ sở điều trị, chiến lược tốt nhất được nhiều nhà nghiên cứu dịch tễ báo cáo là nên tập trung xét nghiệm người có triệu chứng. Điều này mang lại hiệu quả chống dịch gấp nhiều lần so với xét nghiệm đại trà, bởi những người này có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn và khả năng lây lan cũng cao hơn.
"Trong bối cảnh thiếu nhân lực, nếu xét nghiệm với một chỉ tiêu quá mức sẽ gây ra sai sót về thực hành dẫn đến lây nhiễm chéo hoặc ảnh hưởng đến mục tiêu giãn cách xã hội" - ông Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thời gian qua số ca F0 nặng tăng lên bởi vì nhiều người dân không biết mình là F0 cho đến khi triệu chứng trở nặng. Với chiến lược xét nghiệm đang triển khai, ngành y tế sẽ sớm nhận diện để hướng dẫn các F0 điều trị, có biện pháp theo dõi ở nhà, đồng thời tạo điều kiện an toàn hơn trong công tác tiếp nhận điều trị.
"Dĩ nhiên sẽ có quá tải trong hệ thống điều trị nhưng quá tải còn hơn là để người dân không được theo dõi sức khỏe khi họ mắc COVID-19" - ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, đã có những thay đổi trong phương pháp xét nghiệm. Xét nghiệm mẫu gộp (5-10 mẫu) bằng phương pháp PCR để sàng lọc cộng đồng mở rộng "vùng xanh", còn đối với các "vùng đỏ" (nguy cơ cao, rất cao) vẫn nên sử dụng test nhanh đầu tiên, sau đó khẳng định bằng PCR.
Sẽ lấy mẫu xét nghiệm 200.000 người/ngày
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP sẽ triển khai xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm; không xét nghiệm trên toàn TP. Mục tiêu xét nghiệm trong giai đoạn này là bóc tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng để được điều trị thích hợp, tránh lây lan trong cộng đồng.
Về công tác điều trị, Sở Y tế cho rằng số ca F0 hiện tại và dự kiến trong một tháng tới là 182.400 ca, tương ứng cần 182.400 túi thuốc (mỗi túi gồm 4 loại thuốc với số lượng đủ dùng cho 7 ngày). Đơn vị này vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc cung ứng thuốc cho người mắc COVID-19 cách ly điều trị tại nhà, ước kinh phí mua gần 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay từ ngày 16 đến 18-8, TP vẫn lấy 13.000 - 16.000 mẫu/ngày tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước đó, những ngày cuối tháng 6, TP từng xét nghiệm lên đến 500.000 mẫu/ngày, có ngày cao hơn.
Theo kế hoạch trong đợt cao điểm xét nghiệm này, UBND TP.HCM giao HCDC đảm bảo công tác hậu cần, sẵn sàng 1 triệu test nhanh/tuần; chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay, kính che giọt bắn, que lấy mẫu, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR đảm bảo cho việc lấy mẫu 200.000 người/ngày (cả mẫu đơn và gộp).
Thành đoàn TP.HCM sẽ huy động tình nguyện viên với 2.000 – 2.500 đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm lấy mẫu và nhập liệu.
Bình Dương mở rộng "vùng xanh", giảm áp lực tuyến trên
Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết việc sàng lọc F0 trong cộng đồng nhằm phát hiện và điều trị sớm, vừa giúp không lây lan thêm, vừa giúp bệnh nhân không chuyển biến nặng, giảm tỉ lệ tử vong và áp lực cho các tuyến trên.
"Có tới 80% ca F0 tại Bình Dương không có triệu chứng hoặc bị nhẹ. Mỗi ngày qua sàng lọc có thêm hàng ngàn ca mới nhưng cũng có hàng ngàn ca xuất viện" - bác sĩ Chương nói.
Ông Võ Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay tỉnh lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng bóc tách F0 để thu hẹp "vùng đỏ" và mở rộng "vùng xanh", tiến tới trở lại trạng thái bình thường mới. Việc lấy mẫu là một trong những nguyên nhân cho thấy số ca mới tại Bình Dương trong thời gian qua tăng cao so với trước đó, nhưng ở khía cạnh tích cực cho thấy F0 đang dần được bóc tách ra khỏi cộng đồng.
Theo ông Minh, tỉnh đã ban hành kế hoạch chuẩn bị sản xuất trở lại sau khi mở rộng "vùng xanh". Trong đó các huyện thị phía bắc có thể trở lại sớm.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, thời gian qua tỉnh nhận được sự giúp đỡ của khoảng 3.500 nhân viên y tế, tình nguyện viên là sinh viên y khoa từ nhiều tỉnh thành. Thời gian đầu, lực lượng nhân sự này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc lấy mẫu, còn hiện nay sau khi có kết quả sàng lọc, các bác sĩ, điều dưỡng được chuyển sang để điều trị cho bệnh nhân F0. Tỉnh tuyển thêm nhiều tình nguyện viên là sinh viên, cán bộ công đoàn để hỗ trợ lấy mẫu.
Về năng lực xét nghiệm PCR, ngoài hai cơ sở công lập là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nhiều cơ sở y tế tư nhân tại Bình Dương có đủ năng lực, sở đang hỗ trợ để các cơ sở này xin giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định.
Để việc sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng đạt hiệu quả, bước tiếp theo là phải tăng công suất các khu điều trị. Hiện Bình Dương đã có 21 khu điều trị, trong đó có nhiều khu điều trị dã chiến quy mô lớn do doanh nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, tỉnh đang gấp rút mở rộng khu điều trị Thới Hòa thêm 7.000 giường (tổng cộng lên 12.300 giường), bệnh viện dã chiến ở Bàu Bàng từ 3.000 giường lên trên 5.000 giường...
Về việc cách ly F0 tại nơi ở, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết sẽ xem xét thận trọng. Đã có 1.000 ca F0 cách ly tại nhà, nhưng chỉ tập trung ở các huyện thưa dân, tình hình dịch bệnh ít căng thẳng. Còn các khu vực khác sẽ xem xét thận trọng.
Ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết do đặc thù tỉnh có nhiều phòng trọ công nhân chật hẹp, không đủ điều kiện cách ly F0 tại nhà nên giải pháp chính là tỉnh sẽ đẩy mạnh mở rộng thêm công suất bệnh viện dã chiến để điều trị F0.
BÁ SƠN
Bình Dương tiến hành lấy mẫu trong cộng đồng liên tục thời gian qua để bóc tách F0 - Ảnh: BÁ SƠN
Đồng Nai: kỷ luật người đứng đầu nếu để chuyển thành "vùng đỏ"
UBND tỉnh Đồng Nai cho hay số ca mắc COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và lây nhiễm trong cộng đồng chưa được kiểm soát, nhất là các khu vực có nguy cơ rất cao. Ngoài giãn cách xã hội và tiêm vắc xin, tỉnh đang tập trung xét nghiệm trên diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người để tách F0 ra khỏi cộng đồng nhằm kiểm soát được dịch trước ngày 1-9.
Trong đó, lấy mẫu xét nghiệm 100% người dân tại vùng nguy cơ rất cao (TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom), nguy cơ cao (TP Long Khánh, huyện Long Thành, Thống Nhất) và lấy mẫu đại diện ở vùng có nguy cơ.
Ông Nguyễn Văn Thuộc - bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu - cho biết để tránh lây nhiễm, huyện tổ chức xét nghiệm theo từng khung giờ, ở từng ấp, khu phố và giãn cách đúng quy định. "Bên cạnh việc xét nghiệm, huyện Vĩnh Cửu đang tập trung vào hai việc rất lớn để kiểm soát dịch bệnh là giãn cách 20.000 công nhân ở trọ trong vùng tâm dịch tại xã Thạnh Phú và Thiện Tân.
Đồng thời, siết chặt các "vùng xanh" với tinh thần nội bất xuất, ngoại bất nhập nhằm kiểm soát dịch bệnh" - ông Thuộc nói. Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, qua hai ngày lấy mẫu test nhanh tại các địa phương, lực lượng y tế đã phát hiện gần 300 ca dương tính. Hiện số ca dương tính ở tỉnh đã lên gần 16.000 ca.
Để siết lại việc phòng chống dịch, ngày 19-8, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đồng Nai - yêu cầu các địa phương không để tụ tập đông người, kể cả khi tiêm vắc xin hay xét nghiệm nhanh COVID-19. "Từ nay đến 31-8, các địa phương phải khóa chặt khu dân cư.
Địa phương nào để "vùng xanh", "vùng cam" và "vùng vàng" chuyển thành "vùng đỏ" thì Tỉnh ủy sẽ kỷ luật bí thư, người đứng đầu nơi đó. Còn những người phụ trách tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 để lây lan F0 ra cộng đồng dứt khoát phải kỷ luật vì đã không đảm bảo quy chuẩn trong tiêm và xét nghiệm" - ông Lĩnh nói.
H.MI
Long An xét nghiệm sàng lọc tất cả người dân
UBND tỉnh Long An vừa ban hành kế hoạch sàng lọc người nhiễm COVID-19 trên toàn tỉnh trong tháng 8, mỗi địa phương sẽ tiến hành 2 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 5 đến 7 ngày. Theo kế hoạch này, các địa phương "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" sẽ xét nghiệm test nhanh.
Những trường hợp dương tính sẽ được tách riêng xét nghiệm RT-PCR, nếu khẳng định dương tính thì tiến hành truy vết, cách ly, điều trị theo quy định. Những trường hợp test nhanh âm tính được xét nghiệm mẫu gộp 10 bằng phương pháp RT-PCR. Các địa phương "vùng xanh" sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR gộp 10...
Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, tỉnh này vừa nhận thêm hai đợt vắc xin COVID-19 (đợt thứ 21 và 22) với hơn 260.000 liều. Tổng cộng đến nay, Long An đã nhận được 657.000 liều vắc xin và đã tiêm hơn 420.000 liều (trong đó hơn 25.000 liều tiêm mũi 2).
Số vắc xin vừa nhận đã được phân bổ đến các điểm tiêm, tập trung trước mắt là các huyện "vùng đỏ" Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An. Các địa phương "vùng đỏ" này hiện chiếm hơn 90% ca mắc bệnh của toàn tỉnh Long An.
SƠN LÂM
Đà Nẵng xét nghiệm "không bỏ sót hộ nào"
Đà Nẵng xét nghiệm đại diện hộ gia đình toàn thành phố trong đợt 7 ngày yêu cầu dân ở tại chỗ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trong 7 ngày áp dụng biện pháp chống dịch "ai ở đâu yên đấy", ngành y tế Đà Nẵng sẽ đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hơn 300.000 người, gồm tất cả những người trong vùng cách ly y tế, công nhân tại các doanh nghiệp "3 tại chỗ". Mỗi người được xét nghiệm ít nhất 2 lần trong tuần bằng hình thức xét nghiệm mẫu gộp 10.
Đối với các khu vực khác, các địa phương được yêu cầu xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình, không để sót hộ dân nào chưa xét nghiệm. Kết quả sau 2 lượt xét nghiệm sẽ là căn cứ để xác định đúng các "vùng xanh", "vùng vàng", "vùng cam", "vùng đỏ" nhằm có các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết TP đã thực hiện các giải pháp chống dịch, có cả biện pháp cao hơn chỉ thị 16. Tuy nhiên vẫn có số lượng người đi ra ngoài làm nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên, sản xuất kinh doanh; số ca mắc vẫn còn cao và chưa có biến chuyển tích cực.
"Đặc điểm của biến chủng lần này là tốc độ lây lan cực kỳ mạnh. Nếu một người trong gia đình mắc bệnh, nguy cơ cả gia đình mắc. Trên cơ sở thực tiễn này chúng tôi xác định phải làm xét nghiệm đại diện từng hộ dân. Phải làm triệt để lấy mẫu và xét nghiệm không sót bất cứ hộ gia đình nào. Nhân cơ hội người dân ở tại chỗ, nếu phát hiện ngay lập tức xử lý cách ly, điều trị. Có như thế mới theo kịp đà lây lan" - bà Yến giải thích.
Theo bà Yến, việc lấy mẫu phải đảm bảo giãn cách theo phương pháp "cuốn chiếu", làm từng tổ dân phố trong khuôn khổ từng phường. Đà Nẵng phải huy động tổng lực 6 cơ sở xét nghiệm với năng lực lên tới 100.000 mẫu xét nghiệm/ngày.
Cũng từ ngày 19-8, TP Đà Nẵng triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả người vào TP (kể cả trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ) ngay tại chốt kiểm soát. Đây được xem là biện pháp phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài bên cạnh việc "làm sạch" COVID-19 bên trong TP.
TRƯỜNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận