11/03/2017 14:15 GMT+7

Tập trung đầu tư sản phẩm công nghiệp ưu tiên

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Tại hội thảo quốc tế Chính sách công nghiệp quốc gia VN đến năm 2025, tầm nhìn 2035 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ngày 10-3, nhiều chuyên gia cho rằng cần chọn lọc sản phẩm công nghiệp ưu tiên để có chính sách hỗ trợ thích hợp.

Sản xuất dệt may xuất khẩu tại một công ty ở TP.HCM - Ảnh: Ngọc Hiển
Sản xuất dệt may xuất khẩu tại một công ty ở TP.HCM - Ảnh: Ngọc Hiển

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định các chính sách chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng đã tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp VN trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây.

Công nghiệp còn phát triển theo chiều rộng

Cụ thể trong 10 năm trở lại đây, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, tỉ trọng GDP công nghiệp duy trì ổn định 31-32%/tổng GDP của cả nước.

Tuy nhiên theo ông Bình, nền công nghiệp VN cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đó là trình độ thấp, chủ yếu đang phát triển theo chiều rộng, phụ thuộc nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), tốc độ tăng năng suất lao động (giai đoạn 2006-2015) khá thấp, khoảng 2,4%/năm...

Giáo sư Trần Văn Thọ, ĐH Waseda Tokyo (Nhật Bản), cho rằng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của VN là dệt may và điện tử, nhưng VN nhập siêu nguyên liệu dệt may và linh kiện điện tử ngày càng nhiều.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright), các sản phẩm chip điện tử và điện thoại cũng đều là sản phẩm của doanh nghiệp FDI. Tập đoàn Intel mỗi năm xuất khẩu trên 4 tỉ USD và Samsung xuất khẩu đạt 30 tỉ USD/năm, nhưng VN chỉ tham gia là gia công và lắp ráp.

Thực tế VN không có nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 nào cho Intel, mà chỉ cung cấp một vài bộ phận như giá đỡ, hộp, linh kiện nhỏ. Giá trị gia tăng của các nhà cung ứng cho Intel chỉ chiếm 3%, còn 97% là nhập khẩu. Tương tự, VN nhập khẩu đến 92% linh kiện, nguyên liệu để sản xuất điện thoại Samsung.

Chọn sản phẩm có sức cạnh tranh

Để phát triển nền công nghiệp, theo GS Trần Văn Thọ, VN phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, tập trung vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp. Đặc biệt, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp VN kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước tạo lập được thương hiệu riêng.

Trong khi đó, TS Tự Anh cho rằng VN phải tập trung vào những sản phẩm có sức cạnh tranh, cắt giảm các sản phẩm ưu tiên để thật sự tập trung vào các ngành có năng lực.

Theo ông Tự Anh, VN hiện có một nhóm sản phẩm rất thành công là dệt may, da giày, chế biến tôm, cá ba sa..., chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh của VN dù không có sự tham gia của những nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, VN phải chọn được những ngành thành công qua cạnh tranh, được sàng lọc qua cạnh tranh. Đặc biệt, phải rút gọn danh sách các sản phẩm ưu tiên, đồng thời có chính sách hỗ trợ thích hợp với sản phẩm này.

“Tôi không hiểu tại sao những sản phẩm như động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ lại lọt vào trong nhóm các ngành công nghiệp ưu tiên. Hay nhóm linh kiện ôtô dòng xe chiến lược cũng nằm trong danh mục ưu tiên, dù đến nay còn chưa thống nhất đâu là dòng ôtô chiến lược...” - ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Theo ông Dương Đình Giám - chuyên gia về công nghiệp, VN nên ưu tiên các sản phẩm công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dệt may và cơ khí, nhưng chỉ nên tập trung vào nguyên liệu, khuôn mẫu...

Làm rõ trụ cột của chính sách công nghiệp quốc gia

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng hơn bao giờ hết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 VN phải có chính sách công nghiệp quốc gia đúng đắn và phải được triển khai đồng bộ theo nghị quyết của Đảng.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Ban Kinh tế trung ương đang phối hợp với Bộ Công thương, các cơ quan liên quan, chuyên gia xây dựng đề án để tham mưu cho Bộ Chính trị về chính sách công nghiệp quốc gia.

Yêu cầu đặt ra là phải làm rõ các trụ cột chính của các chính sách công nghiệp quốc gia của VN trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, các giải pháp lớn của chính sách công nghiệp cần tập trung là công nghiệp ưu tiên, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, ổn định, bình đẳng; phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước...

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp