06/04/2021 08:18 GMT+7

Tập trận ở La Perouse, nhóm 'Tứ giác kim cương' thách thức Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản - bốn nước trong nhóm 'Tứ giác kim cương' (QUAD) - ngày 5-4 đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân La Perouse dài 3 ngày với Pháp trên vịnh Bengal, cửa ngõ ra vào Biển Đông từ Ấn Độ Dương.

Tập trận ở La Perouse, nhóm Tứ giác kim cương thách thức Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ trực thăng Tonnerre của Pháp cập cảng Ấn Độ ngày 30-3 để chuẩn bị cho cuộc tập trận La Perouse năm 2021 - Ảnh: AFP

Giới phân tích nhận định cuộc tập trận sẽ trở thành sự kiện mở màn các hợp tác hàng hải trong khuôn khổ QUAD mở rộng (QUAD+). Cuộc tập trận bắt đầu chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin nhấn mạnh các hoạt động phối hợp của nhóm QUAD rất quan trọng để "chống lại các ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong khu vực".

Vì sao Pháp tham gia?

Tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản khi đưa tin về tập trận của 5 nước trên đã giật tít: "Pháp sẽ dẫn dắt cuộc tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thách thức Trung Quốc". 

Được đặt theo tên của một sĩ quan hải quân Pháp vào thế kỷ 18, cuộc tập trận hải quân mang tên La Perouse là ý tưởng của Pháp, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2019, với sự tham gia của Mỹ, Úc, Nhật Bản. 

Việc Ấn Độ tham gia tập trận La Perouse năm nay đánh dấu lần đầu tiên tất cả 4 nước thuộc QUAD tập trận với một nước không thuộc QUAD.

Ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định cuộc tập trận La Perouse rất đáng chú ý dù quy mô khá khiêm tốn. 

"Nếu cuộc tập trận năm nay diễn ra suôn sẻ, nó có thể trở thành tín hiệu khuyến khích các nước trong khu vực nhưng không thuộc QUAD cân nhắc khả năng tham gia các hoạt động hợp tác tương tự với QUAD. Sẽ còn đáng chú ý hơn nữa nếu họ quyết định biến cuộc tập trận trở thành một sự kiện thường niên", ông Koh bình luận.

Trong một thông cáo hồi giữa tuần trước, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ gọi tập trận La Perouse là cơ hội để "các quốc gia có cùng chí hướng và lực lượng hải quân hiện đại phát triển mối quan hệ gần gũi hơn, thúc đẩy hợp tác hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Giáo sư Pankaj Jha thuộc Đại học O.P. Jindal Global (Ấn Độ) lưu ý việc Pháp nối lại tập trận La Perouse một phần xuất phát từ các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực.

"Người Pháp bắt đầu nhận thức được việc Trung Quốc đang có các hoạt động thăm dò tài nguyên dưới đáy biển, đặc biệt ở gần các lãnh thổ thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương. Họ muốn cuộc tập trận lần này như một thông điệp răn đe, một hành động cảnh báo mang tính tập thể gửi tới Trung Quốc", ông Pankaj Jha phân tích.

Tiền đề mở rộng

Theo chuyên gia Koh, tập trận La Perouse 2021 có thể được sử dụng như một ví dụ để thuyết phục các nước không thuộc QUAD trong khu vực Đông Nam Á. Những nước có tiềm năng tham gia nhất là các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. 

Đồng quan điểm, ông Srikanth Kondapalli, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho rằng sự tham gia, dù chỉ 1 nước Đông Nam Á, cũng sẽ có sức nặng hơn cả Pháp.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Koh, khả năng các nước ở Đông Nam Á tham gia một cuộc tập trận với tất cả các nước nhóm QUAD là khó khả thi, chứ chưa nói đến việc những nước này mở cảng cho tàu chiến nhóm QUAD đồn trú (tức chính thức tham gia QUAD+). Nhưng điều đó không có nghĩa QUAD sẽ đứng ngoài khu vực. 

Ông Koh gợi ý các nước QUAD có thể "chia nhỏ" để tập trận với ASEAN. Trên thực tế QUAD đã và đang làm rất tốt việc này, thông qua các khóa huấn luyện và chuyển giao tàu tuần tra để tăng cường năng lực hàng hải các nước trước Trung Quốc.

Việc Pháp tham gia tập trận cùng nhóm QUAD có thể trở thành một gợi ý cho Anh và Đức, những nước đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả Anh và Đức đều đã công khai ý định đưa tàu chiến đến khu vực, nhưng vấp phải những cảnh báo từ Trung Quốc. 

Trong một bài xã luận hồi giữa tháng 3, khi những thông tin đầu tiên về tập trận La Perouse 2021 xuất hiện, Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Trung Quốc đã cho rằng QUAD hay QUAD+ chỉ là một tập hợp của những nước có lợi ích rời rạc nhau.

Thiếu tướng về hưu của Ấn Độ, ông Anil Kumar Lal, lưu ý QUAD+ chỉ mới ở giai đoạn hình thành ý tưởng và cần làm thêm nhiều việc nữa để hiện thực hóa thành một cơ chế. 

Theo ông Anil Kumar Lal, nếu QUAD+ chỉ chú trọng vào hợp tác quân sự, sáng kiến này sẽ khó nhận được sự hưởng ứng từ các nước khác. Do đó, nếu kết hợp hợp tác quân sự và hợp tác kinh tế, QUAD+ có thể gia tăng sự hấp dẫn với các nước trong khu vực, đặc biệt ở ASEAN.

Mỹ và Trung Quốc cùng điều tàu chiến vào Biển Đông, biển Hoa Đông

Theo báo South China Morning Post ngày 5-4, Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) dẫn dữ liệu vệ tinh cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông hôm 4-4.

Trong khi đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở biển Hoa Đông và di chuyển gần sông Dương Tử (Trường Giang) của Trung Quốc hôm 3-4, theo SCSPI.

Không chỉ phía Mỹ, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 5-4 đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh - được hộ tống bởi tàu khu trục hạng nặng Type 055 và các tàu khác - đã đi qua eo biển Miyako ở tây nam Nhật Bản để vào Thái Bình Dương từ hôm 3-4, bắt đầu cuộc tập trận gần đảo Đài Loan.

Mỹ và Trung Quốc cùng điều tàu chiến vào Biển Đông, Biển Hoa Đông Mỹ và Trung Quốc cùng điều tàu chiến vào Biển Đông, Biển Hoa Đông

TTO - Tàu chiến Mỹ đi vào Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc di chuyển qua eo biển Miyako và bắt đầu tập trận gần Đài Loan. Chuyên gia cho rằng hai bên đều phát đi các tín hiệu.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp