Giáo viên dự đợt tập huấn tại Lâm Đồng do Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đảm nhiệm - Ảnh: V.HÀ
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tính đến đầu tháng 11-2019 đã có 11.000 giáo viên cốt cán được tập huấn. Các đợt tập huấn cho môđun đầu tiên vẫn đang tiếp tục kéo dài tới hết năm 2019.
Giáo viên lúng túng vì... chưa có SGK
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) là 1 trong 8 trường tham gia tập huấn trên địa bàn 6 tỉnh thành Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Lưu Trang - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cách trường triển khai sẽ không giống một số nơi khác là tập trung toàn bộ giáo viên về trường, mà giảng viên chủ chốt của trường sẽ được chia đi đến từng địa phương để tập huấn tại chỗ. Hiện Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã tập huấn xong cho 2.000 giáo viên.
"Giáo viên bỡ ngỡ, lúng túng khi tiếp cận với chương trình mới là đương nhiên vì bây giờ chưa có sách giáo khoa (SGK)" - PGS.TS Lưu Trang cho biết.
Cũng theo ông Trang, những giáo viên trẻ, chưa bao giờ tham gia các đợt tập huấn thay chương trình - SGK trước đây thì tiếp cận cách làm của đợt tập huấn lần này dễ dàng hơn. Nhưng những giáo viên có thâm niên có sự băn khoăn, so sánh vì họ vẫn bị tư duy dạy học "bám sát SGK".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên ở Lâm Đồng đã qua đợt tập huấn vẫn còn nguyên băn khoăn về việc "chưa nhìn thấy SGK nên khó hình dung việc dạy học sẽ thế nào".
Cô Nguyễn Trần Lệ Hằng - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) - chia sẻ hiện có nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng vì không biết con sẽ học SGK thế nào, nên không hình dung "đổi mới" ra sao.
"Đây cũng là băn khoăn của nhiều giáo viên. Giáo viên chưa thông thì cũng khó để tuyên truyền cho phụ huynh" - cô Hằng nói. Tương tự, ở Trường THCS Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, một số giáo viên cũng cho biết thấy "rất mơ hồ" vì... chưa có sách.
Vì chưa có SGK, nên nhiệm vụ của những người triển khai tập huấn ở đợt "khai vỡ" này phải làm cho giáo viên phổ thông hiểu điểm mới: dạy học sẽ bám sát chương trình, các hoạt động quản lý, đánh giá giáo viên, học sinh cũng căn cứ theo chuẩn chương trình, SGK chỉ đóng vai trò là tài liệu dạy học.
Còn nỗi lo về việc dạy và thi
Tại cuộc tập huấn cho giáo viên THCS ở Lâm Đồng, một số giáo viên cũng bày tỏ lo lắng về việc chương trình mới đặt ra việc áp dụng các phương pháp dạy học tiến bộ nhưng điều kiện thực hiện, kinh phí lấy từ đâu ra? Sĩ số lớp đông quá có thể áp dụng được không?
"Chương trình mới, tiếp cận phương pháp dạy học mới nhưng sao chưa thấy có hướng đổi mới thi cử. Nếu chương trình mới, cách thi cũ thì rất nguy hiểm" - một giáo viên ở cuộc tập huấn trên chia sẻ suy nghĩ.
Nhiều vấn đề cũng được các giáo viên cho biết đang còn bỡ ngỡ như bố trí giáo viên dạy các môn học mới như hoạt động trải nghiệm, khoa học tự nhiên (có phân môn vật lý, hóa học, sinh học), lịch sử và địa lý ở bậc THCS như thế nào khi giáo viên hiện vẫn chỉ được đào tạo dạy đơn môn. Việc tổ chức dạy học thế nào để đạt yêu cầu, tránh xáo trộn về con người, điều kiện cơ sở vật chất khi triển khai dạy tự chọn định hướng nghề nghiệp ở THPT ra sao...
Tại Trường THPT Lê Hồng Phong (Lâm Đồng), tuy đã có nhiều mạnh dạn đổi mới tiệm cận với chương trình mới nhưng các cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Lo lắng nhất vẫn là thi cử có đồng bộ với chương trình mới không. Việc hình dung cách bố trí dạy học tự chọn cũng còn chưa định hình được.
"Chúng tôi cũng đã nghĩ đến nhiều giải pháp để tổ chức dạy học tự chọn. Ví dụ mời giáo viên thỉnh giảng những môn học nhà trường chưa có giáo viên nhưng học sinh có nhu cầu, kết hợp giữa cụm trường để tổ chức dạy các chủ đề tự chọn... Nhưng cụ thể như thế nào vẫn phải chờ tiếp" - thầy Nguyễn Văn Dũng, hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, trao đổi.
Sẽ tháo gỡ từng lo lắng cụ thể
Sẽ có 9 môđun tập huấn giáo viên được triển khai dần trong các năm tới. Trong đó dự kiến tới quý 1-2020 sẽ hoàn thành 4 môđun tập huấn giáo viên quan trọng nhất gồm: tìm hiểu nội dung cơ bản của chương trình phổ thông tổng thể và chương trình môn học; phương pháp dạy học theo yêu cầu mới; phương pháp đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Ở thời điểm hiện tại, giáo viên cốt cán cả nước mới đang tập huấn môđun đầu tiên nên những băn khoăn, lo lắng khi triển khai chương trình là không tránh khỏi. Tuy nhiên, kế hoạch tập huấn sẽ khác trước và tiến hành bài bản. Nhiều vấn đề giáo viên đang thắc mắc sẽ được giải đáp qua các môđun như đổi mới thi, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường...
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông và Chương trình ETEP, Bộ GD-ĐT)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận